Những năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử nước ta

- Năm Mậu Thìn - 248: Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa ở vùng núi Dưa và núi Quan Yên (Thanh Hóa) chống quân xâm lược nhà Ngô.


- Năm Mậu Thìn - 548: Lý Nam Đế (Lý Bí) mất. Ông là người từng xưng Nam Việt Đế, đánh đuổi quân nhà Lương, giành quyền độc lập, đặt tên nước là Vạn Xuân.


- Năm Giáp Thìn - 944: Ngô Quyền tạ thế sau 5 năm làm vua. Ông là người đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938.


- Năm Mậu Thìn - 968: Đinh Bộ Lĩnh xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu triều đại nhà Đinh.


- Năm Canh Thìn - 980: Nhà Tống đem quân xâm chiếm nước ta. Tháng 8-980, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được trao quyền tổ chức kháng chiến. Triều thần và Hoàng thái hậu trao ngôi vua. Lê Hoàn lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, xưng Đại Hành Hoàng đế.

- Năm Canh Thìn - 1040: Vua Lý Thái Tôn xuống chiếu dùng gấm vóc trong nước để may lễ phục cho vua quan trong triều, không được dùng gấm vóc của nước ngoài để “giữ đức kiệm ước, không quý vật lạ”.


- Năm Nhâm Thìn - 1052: Vua Lý Thái Tông lệnh cho đúc một quả chuông lớn đặt ở gần cung đình và cho phép dân, ai có oan ức muốn bày tỏ thì đánh chuông để tâu lên nhà vua.


- Năm Bính Thìn - 1076: Chủ động phá tan ý đồ xâm lược của triều đình phong kiến phương Bắc, ngày 1-3-1076 Lý Thường Kiệt đã hoàn thành thắng lợi cuộc tập kích đánh chiếm thành Ung Châu.


- Năm Nhâm Thìn - 1232: Nhà Trần mở khoa thi thái học sinh, chọn người tài.


- Năm Giáp Thìn - 1244: Vua Trần Thái Tông cải tổ lại hành chính và cho nghiên cứu định ra bộ luật hình.    


- Năm Canh Thìn - 1400: Triều Trần suy yếu, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, lập triều đại mới: Nhà Hồ (1400-1407).


- Năm Mậu Thìn - 1448: Vua Lê Nhân Tông có dụ răn giới quan lại phải liêm khiết, không mượn tiếng việc công để lo việc tư. Khi xét kiện, không được nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước. Một viên quan lại ẩn lậu 5 quan tiền thuế đã bị xử tội chết.


- Năm Canh Thìn - 1460: Vua Lê Thánh Tông ra quyết sách quan trọng:

1- Ai có nhiều thóc tình nguyện đem nộp cho Nhà nước thì tùy theo số thóc nộp lên mà được thưởng phẩm tước. Đây là khởi nguyên của công trái quốc gia.

2- Định ra lệ mỗi tháng ba lần phải xét việc kiện tụng và trình lên trên để ra quyết định.

- Năm Giáp Thìn - 1484: Vua Lê Thánh Tông xuống ba chiếu:

1- Cấm mua bán ức hiếp (ép giá).

2- Nếu không phải dịp tế lễ, cưới xin, ma chay mà vô cớ tụ họp ăn uống thì phải trị tội theo pháp luật.

3- Cấm quan viên trong triều và các địa phương nhận tiền đút lót của dân.

Nhà vua còn cho lập bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu (Thăng Long) để khắc ghi tên tuổi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Đại Bảo thứ ba đến 1484. Từ đó về sau, Văn Miếu tiếp tục được dựng bia tiến sĩ.


- Năm Giáp Thìn - 1784: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của quân Tây Sơn, đánh tan quân Xiêm xâm lược.


- Năm Giáp Thìn - 1904: Duy Tân hội, một tổ chức cách mạng do cụ Phan Bội Châu thành lập, ra đời ở Quảng Nam.


- Năm Mậu Thìn - 1928: Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thực hiện phong trào “vô sản hóa”.


- Năm Canh Thìn - 1940: Ngày 6-11-1940, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Đình Bảng, Bắc Ninh do đồng chí Trường Chinh, Quyền Tổng Bí thư chủ trì, quyết định phát triển lực lượng cách mạng và hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ.


- Năm Giáp Thìn - 1964: 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, kêu gọi toàn dân Việt Nam đoàn kết chống xâm lược. Tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ đánh phá miền Bắc nước ta.


- Năm Bính Thìn - 1976: Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tháng 6-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tháng 12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam quyết định đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất