Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc các bệnh nhi.
Đổi mới, đi đầu Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, nay là Bệnh viện Nhi Trung ương, được thành lập theo Quyết định số 111/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1969. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc bệnh viện, cán bộ, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện không ngừng phấn đấu đưa bệnh viện trở thành đơn vị hàng đầu về cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa nhi trong và ngoài nước. Từ ngày thành lập đến nay, bệnh viện liên tục phát triển cả về cơ sở vật chất và trình độ cán bộ, viên chức, đáp ứng được các nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam. Công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế về chuyên khoa Nhi luôn được quan tâm thoả đáng. Phần đông bệnh nhân đến đây chỉ biết khóc, không thể tự kể về bệnh trạng của mình - trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Một khác biệt lớn trong điều trị ở đây là việc khám, chữa bệnh hoàn toàn dựa trên năng lực và cảm nhận của bác sĩ. Thêm nữa, bệnh nhân hoàn toàn là trẻ em - mỏng manh, đáng yêu, cần được nâng niu như búp trên cành - nên nhiều khi chỉ những biểu hiện lâm sàng đơn giản cũng khiến cho người nhà bệnh nhi lo lắng đến mất bình tĩnh. Chính vì vậy, bác sĩ ở đây nhiều khi phải đóng vai trung gian giải toả mâu thuẫn. Chẳng những lấy bệnh nhân là trung tâm trong mọi hoạt động, các bác sĩ ở đây còn phải thường xuyên đứng ở góc độ những ông bố, bà mẹ để hành nghề. Mỗi năm, bệnh viện khám trung bình trên 700.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị trên 60.000 bệnh nhân nội trú. Số lượng bệnh nhân đến khám mỗi năm đều tăng 8 - 10%, với khoảng 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày, một số thời điểm còn vượt 4.000 bệnh nhân. Tính riêng năm 2017, có gần 1 triệu lượt bệnh nhi tới khám, tăng 10% so với năm 2016 và gấp hơn 2 lần so với cách đây gần 10 năm. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện. Bệnh viện tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và là một trung tâm đào tạo của cả nước trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu. Phẫu thuật nội soi vẫn là mũi nhọn, thế mạnh của đơn vị. Bệnh viện đang phát triển phẫu thuật nội soi ở trẻ em, đặc biệt triển khai phẫu thuật nội soi 1 đường rạch trong điều trị bệnh không hậu môn, megacolon, nang ống mật chủ,… Phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt là một kỹ thuật hiện đại, lần đầu tiên được áp dụng trong điều trị nhi khoa tại Việt Nam. Việc ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi bằng rô-bốt đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong ngành Nhi khoa Việt Nam, khẳng định năng lực, vị thế của các bác sĩ Việt Nam trong ngành Ngoại Nhi quốc tế. Trong năm vừa qua, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật thành công 60 ca, rút ngắn thời gian điều trị, giảm đau đớn và nâng cao tính thẩm mỹ cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp kết hợp phẫu thuật nội soi và kim khâu ngoài da cho 50 trường hợp. Bệnh viện là đơn vị dẫn đầu của cả nước về số lượng phẫu thuật tim bẩm sinh (1.376 ca), thực hiện thành công nhiều ca mổ tim phức tạp (200 ca mổ tim ở độ tuổi sơ sinh, 30 ca can thiệp tim mạch cho trẻ chỉ nặng dưới 2.000gr, hơn 30 ca mổ cho trẻ tim bẩm sinh phức tạp cân nặng thấp với tỷ lệ thành công 97%). Bệnh viện cũng là cơ sở đầu tiên của cả nước triển khai sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh nhân mắc các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Riêng năm 2017, đã sàng lọc 700 trẻ và khẳng định chẩn đoán cho 47 trẻ. Đây là các bệnh lần đầu được phát hiện ở Việt Nam, góp phần bổ sung cho mô hình bệnh tật trẻ em và đặt nền móng cho việc xây dựng kế hoạch và chính sách về chương trình sàng lọc sơ sinh mở rộng. Vì là cơ sở đầu tiên và duy nhất của cả nước hoàn thiện tất cả các bước của sàng lọc sơ sinh mở rộng (sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học) nên bệnh viện vừa là đầu mối tiếp nhận các bệnh nhân mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh của cả nước, vừa tư vấn hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện phía nam (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Phụ sản Cần Thơ) và miền Trung (Sản Nhi Đà Nẵng). Mục tiêu cao nhất mà các bác sĩ Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm hướng tới là: sàng lọc các rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh nhằm phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong cũng như nguy cơ tàn tật ở trẻ em, góp phần tạo dựng và bảo vệ một thế hệ trẻ khỏe mạnh ngay từ đầu đời. Bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước và hiện cũng là đơn vị duy nhất ứng dụng điều trị enzyme thay thế cho một số bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp như: Pompe, Gaucher, Hurler và Hunter. Đây là nhóm bệnh di truyền hiện có tiến bộ nhất về mặt điều trị nội khoa bằng enzyme thay thế. Bệnh viện đang triển khai điều trị cho 28 bệnh nhân mắc các bệnh lý trên bằng nguồn ngân sách từ các dự án nghiên cứu và từ thiện. Năm 2017, thật khó quên ca phẫu thuật giành lại mạng sống cho bé trai 9 tuổi ở Nghệ An bị cành cây đâm xuyên cổ; phẫu thuật bảo toàn chân cho bé trai 5 tuổi ở Hà Nội bị ô tô cán dập nát đùi trái, tạo hình lại vành tai cho bé trai 18 tháng ở Đông Anh, Hà Nội bị chó cắn; phẫu thuật nội soi lấy cây kim khâu đã gỉ sét trong lồng ngực bé gái 3 tuổi ở Nghệ An; nối bàn chân gần đứt lìa cho bé trai 2 tuổi ở Hà Nội do trèo lên máy làm miến của gia đình. 18 ngày giành giật sự sống cho bé trai Hàn Quốc 5 tuổi viêm phổi nhiễm khuẩn huyết suy đa phủ tạng. 18 ngày dài đằng đẵng, khoảng thời gian bé Lee kẹt giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết cũng là những ngày đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương căng mình chiến đấu với tử thần. Nâng cao chất lượng - nhiệm vụ sống còn Lãnh đạo Bệnh viện khẳng định tại đây không để xảy ra tình trạng quá tải giường bệnh, 90% bệnh nhân nội trú chắc chắn sẽ quay lại viện. Từ năm 2014 đến nay, bệnh viện đã thực hiện quyết liệt việc giảm tải bệnh viện. Trong 2 năm 2016 và 2017, công suất giường bệnh chỉ khoảng 84-88% (có khoảng 1.720 giường thực kê). Hằng ngày, bệnh viện và các khoa, phòng tổ chức họp đánh giá 2 lần (8 giờ và 16 giờ) để điều tiết giường bệnh, tuyệt đối không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Bệnh viện sử dụng hệ thống báo cáo “sự cố y khoa”. Trước đây, có tình trạng khoa, phòng, cá nhân để xảy ra sự cố y khoa thì “giấu diếm”, nhưng nay việc khai báo sự cố y khoa thành tiêu chí “ghi điểm” thi đua. Cùng với việc đón tiếp, hướng dẫn, phân loại bệnh nhân rõ ràng, đồng bộ, bệnh viện còn trang bị bảng điện tử. Bảng điện tử định danh bệnh nhân được gắn trước cửa mỗi phòng khám, ghi rõ 3 thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính. Bên trái màn hình là bệnh nhân cần đưa vào khám; bên phải là số bệnh nhân đi làm xét nghiệm, đang đợi xét nghiệm và khám lại. Bệnh viện đã tổ chức triển khai các lớp tập huấn quản lý chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh, “Ngày hội 5S” (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng) cho những bác sĩ, điều dưỡng là lãnh đạo các khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế hướng tới môi trường làm việc khoa học, an toàn cho cán bộ y tế cũng như bệnh nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu tối đa các rủi ro, không ngừng đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tiến tới đạt tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về chất lượng dịch vụ y tế JCI (Joint Commission International). Yêu cầu của người dân đối với chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế cũng ngày một cao. Đặc biệt, khi đối tượng phục vụ là trẻ em, thu hút sự quan tâm lớn của gia đình cũng như xã hội, nên lãnh đạo bệnh viện chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh (ký cam kết cấp bệnh viện và cấp khoa, phòng). Nhân lực y tế thì có hạn, thường xuyên phải làm việc với cường độ cao lại theo ca, kíp nên bệnh viện có chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến như: Tặng giấy khen cho các cá nhân được gia đình bệnh nhân gửi thư khen; Trích thưởng cho các bác sĩ, điều dưỡng có thành tích trong cứu chữa bệnh nhân nặng... Từ đó, động viên người lao động hăng say làm việc, cống hiến và xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Mô hình điểm về công tác xã hội Vai trò của công tác xã hội tại bệnh viện không chỉ là cầu nối những trường hợp bệnh nhân khó khăn tới cộng đồng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ cộng đồng tới điều trị tại bệnh viện mà còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Để công tác xã hội tại bệnh viện thực sự hiệu quả, lãnh đạo bệnh viện xác định mỗi cán bộ y tế là một thành viên làm công tác xã hội. Mục tiêu cao nhất mà các cán bộ làm công tác xã hội luôn hướng tới là bảo đảm các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn luôn được chăm lo tinh thần và đủ kinh phí điều trị. Được thành lập năm 2008, Phòng Công tác xã hội đã đóng vai trò cầu nối giữa bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng thông qua các hỗ trợ tiếp đón, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh; hỗ trợ khẩn cấp cho người bệnh là nạn nhân bị bạo hành, bạo lực gia đình; hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp cũng như các nghĩa vụ của người bệnh nội trú (hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện…). Bên cạnh đó, các cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội luôn chú trọng kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ nguồn vật chất nhằm chăm lo đời sống tinh thần và sinh hoạt hằng ngày cũng như hỗ trợ tiền viện phí cho các bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện là mô hình điểm của Bộ Y tế về thí điểm triển khai công tác xã hội tại bệnh viện khu vực phía bắc. Vào Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn các cháu nhỏ phải trở đi, trở lại bệnh viện nhiều lần, ai cũng thấy xót xa. Nhiều cháu nằm viện dài ngày, phải gián đoạn việc học ở trường, nhiều bé chưa được đi học ngày nào vì bệnh nặng phải nhập viện. Nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, đặc biệt là sự đồng hành của Bệnh viện, Lớp học Hy vọng đã đi vào hoạt động được gần 7 năm. Điều đặc biệt là giáo viên tại lớp học này gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu… Học trò đủ các lứa tuổi, đến từ nhiều vùng quê khác nhau và đều mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo. Các em đến lớp với lủng lẳng dây truyền, bông băng trên người. Còn thầy cô đến với các em bằng tấm lòng mến thương. Có em đến lớp trong tình trạng tay dày đặc những vết truyền máu, tóc rụng không còn sợi nào do trị xạ, nhưng vẫn cất lên tiếng hát, nụ cười và đặc biệt vẫn lấp lánh những ước mơ. Tiêu chí của bệnh viện là: “Các em không đến được với lớp học, chúng tôi sẽ mang lớp học đến bên giường bệnh cho các em”. Phòng chơi Những nốt nhạc vui ra đời ngay trong khuôn viên điều trị của khoa Thần kinh, mang đến cho các bệnh nhi và gia đình một không gian vui chơi đặc biệt. Đây là sự sẻ chia gánh nặng trong chăm lo người bệnh của cộng đồng đối với các nhân viên y tế. Các bệnh nhân không chỉ được chữa trị về thể chất mà còn được chăm lo cả về tâm hồn. Chính vì vậy, bệnh nhân thường có được tinh thần lạc quan, tâm lý vững vàng trong quá trình điều trị. “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”; “Giọt máu hồng - ươm mầm sự sống” là hoạt động thường niên của bệnh viện đã cứu được nhiều bệnh nhi hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Từ mong muốn bệnh viện không chỉ là nơi khám chữa bệnh mà còn là nơi mang đến những nụ cười, xua đi những lo âu của bệnh nhân, Ban lãnh đạo bệnh viện, các cán bộ Phòng Công tác xã hội với sự hỗ trợ của hàng ngàn mạnh thường quân trong cả nước đã tổ chức cho các em những lễ hội Trung thu hồng, Giáng sinh hồng. Trung tâm Tim mạch trẻ em của Bệnh viện đã kết hợp với Phòng Công tác xã hội, Quỹ Tấm lòng Việt hỗ trợ 450 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật, can thiệp, điện sinh lý. Trong suốt quá trình điều trị tại viện, gia đình bệnh nhi được phát phiếu ăn miễn phí 2 bữa/ngày. Công nghệ hiện đại và tấm lòng “Lương y như từ mẫu” của các bác sĩ, điều dưỡng, y tá Bệnh viện Nhi Trung ương đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với rất nhiều người dân Việt Nam. |