|
TS. Ngô Phẩm Trân (thứ hai, từ trái sang) đại diện cho nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) gửi tặng toàn bộ số tiền thưởng tác phẩm đoạt giải cho Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương.
|
Quê hương mỗi người chỉ một
Với mục đích đến Đài Loan để theo học ngành ngôn ngữ, TS. Ngô Phẩm Trân bắt đầu cuộc hành trình từ con số không. Đôi lúc, cô gái trẻ Ngô Phẩm Trân lúc ấy thấy mình bé nhỏ, lạc lõng giữa một cộng đồng vẫn còn nhiều ánh nhìn khinh rẻ người Việt Nam. “Lúc mới sang, tôi từng cảm thấy rất buồn và tự ái khi người Đài Loan nói Việt Nam rất nghèo và lạc hậu. Tôi luôn có động lực và sự thôi thúc phải thay đổi định kiến của họ, nhưng mọi việc không thể chỉ bằng lời nói. Tôi chọn cách không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao kiến thức. Họ học năm, tôi phải học mười để khẳng định mình, khẳng định giá trị của con người Việt Nam. Tôi muốn người nước ngoài khi nói về Việt Nam sẽ gắn liền với phát triển và văn minh”, TS. Ngô Phẩm Trân xúc động chia sẻ.
Quyết tâm theo đuổi hành trình tích lũy, trang bị kiến thức từng ngày để nâng tầm vị thế con người Việt Nam, TS. Ngô Phẩm Trân từng bước khẳng định mình tại những vị trí trong cơ quan chính quyền sở tại như cán bộ Trung tâm phục vụ người nước ngoài, Cục Văn hóa TP. Đài Bắc, CEO Công ty quốc tế BDI, Giám đốc Viện ngôn ngữ quốc tế Horizon, Cố vấn cấp cao Tập đoàn điện tử Foxlink, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan…
Đối với TS. Trân, hai tiếng “quê hương” luôn ngọt ngào và thiêng liêng. Đây chính là động lực, thôi thúc bản thân cống hiến, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước lớn mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Theo TS. Trân, bất kỳ ai mang trong mình dòng máu của người Việt Nam đều có lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc. Dù có thành công tại mảnh đất nào cũng không thể thay thế quê hương, nơi mình được sinh ra, “chôn rau cắt rốn”, lớn lên, nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và gia đình…
Luôn ôm ấp trong mình nỗi nhớ quê nhà, lúc mới sang, hằng đêm TS. Trân đều ngồi viết nhật ký về quê hương để nguôi ngoai nỗi nhớ. Đây cũng chính là thời điểm khởi phát cho ra đời cuốn tạp chí dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan. Sau một thời gian học và làm việc, đúc kết kiến thức và kinh nghiệm, TS. Trân cho ra mắt cuốn tạp chí song ngữ Việt - Trung với tên gọi “Quê hương”, sau đó có thêm cuốn tạp chí song ngữ “Việt Nam mới”. Đây chính là phương tiện giúp cộng đồng người Việt nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, cung cấp những thông tin hữu ích về giáo dục, học tập, văn hóa, việc làm, phúc lợi của Chính quyền Đài Loan đối với những lao động người nước ngoài. Tạp chí có chuyên mục dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và chuyên trang riêng giới thiệu về bản sắc văn hóa Việt Nam bằng tiếng nước ngoài. “Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam chính là điều đầu tiên tôi muốn giới thiệu với bè bạn quốc tế. Nét đẹp văn hóa Việt Nam là điểm thu hút nhất đối với người nước ngoài để họ hiểu hơn về đất nước và con người chúng ta”, TS. Trân nói.
Kết nối và lan tỏa
TS. Trân luôn xác định: “Chỉ kiến thức mới có thể thay đổi vận mệnh con người”. Đó chính là lý do ngay từ đầu TS. Trân gắn bó cuộc đời mình với những công việc liên quan đến giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Khi mới sang Đài Loan, vừa học ngôn ngữ, TS. Trân vừa làm công việc thư ký cho Tổng Giám đốc Công ty đào tạo nguồn nhân lực. Khi làm việc tại Trung tâm phục vụ người nước ngoài trực thuộc Cục Văn hóa TP. Đài Bắc, TS. Trân cũng phụ trách công việc hỗ trợ cho người lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan thích nghi với cuộc sống. Sau này, khi ra ngoài lập nghiệp, TS. Ngô Phẩm Trân đã sáng lập diễn đàn “Việc làm tại Đài Loan” (Jobs Taiwan) dành cho các sinh viên Việt Nam tại Đài Loan và những sinh viên Việt Nam chuẩn bị sang Đài Loan du học trao đổi thông tin và tìm kiếm việc làm. TS. Trân sáng lập Viện Ngôn ngữ để dạy tiếng Trung cho người Việt Nam tại Đài Loan; dạy văn hóa, tiếng Việt cho chủ doanh nghiệp Đài Loan đang có ý định đến Việt Nam đầu tư.
Từ khi sáng lập và trở thành Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan, TS. Ngô Phẩm Trân đã trở thành cầu nối gắn kết, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan. Mỗi năm, Hiệp hội tổ chức khoảng 20 hoạt động kết nối trên tất cả lĩnh vực như hợp tác công nghệ, đầu tư, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị công - nông nghiệp; tổ chức các cuộc hội thảo hợp tác y tế thông minh và công nghệ sinh học; hợp tác thương mại, dịch vụ, giới thiệu quảng bá sản phẩm…, nhưng TS. Trân vẫn chú trọng đặc biệt vào lĩnh vực giáo dục.
TS. Trân nhận định, phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa thành công để Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Đón đầu xu hướng khi Chính quyền Đài Loan có chiến lược “Tân hướng Nam”, dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, TS. Trân nhận thấy các doanh nghiệp Đài Loan cần một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn cho chiến lược này. Những năm qua, dưới vai trò Chủ tịch Hiệp hội, TS. Trân đã đứng ra kết nối các đơn vị, doanh nghiệp tại Đài Loan với những cơ sở giáo dục tại Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo theo nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp Đài Loan.
TS. Trân đã tổ chức rất nhiều hội thảo hướng nghiệp, giới thiệu chương trình học bổng của Đài Loan cho hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam theo học các chuyên ngành kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp. Phối hợp với Văn phòng Văn hóa, kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc thường xuyên tổ chức các đoàn để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa, giáo dục hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan.
Trong lĩnh vực y tế, TS. Trân xúc tiến nhiều chương trình hợp tác y khoa giữa các bệnh viện tại Đài Loan: Bệnh viện Đài Bắc, Bệnh viện Đào Viên, Trường Đại học kỹ thuật Hồng Quang về đào tạo nguồn cán bộ quản lý bệnh viện cấp cao cho các bác sỹ tại bệnh viện tuyến đầu của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. TS. Trân chính là người kết nối hợp tác giữa Chính quyền huyện Tân Trúc (Đài Loan) với tỉnh Đồng Tháp trong việc đào tạo nhân tài. Hơn 200 y, bác sỹ của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây đến Đài Loan nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm kiến thức về y khoa, nhờ đó nhiều phương pháp y khoa mới được áp dụng tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giúp ích rất lớn cho người bệnh tại địa phương.
Hai năm nay, với sự dịch chuyển tìm kiếm cơ hội đầu tư mới của các tập toàn công nghệ Đài Loan, với sứ mệnh “đi tìm chính sách, tìm cơ chế kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu”, TS. Trân cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan đã dành phần lớn thời gian hỗ trợ, xúc tiến các doanh nghiệp Đài Loan tìm Việt Nam làm điểm đến đầu tư. Riêng trong năm 2023, Hiệp hội đã đưa 8 tập đoàn điện tử công nghệ cao Đài Loan đến Việt Nam với tổng mức đầu tư 400 triệu đô-la.
Theo TS. Trân, kinh tế Việt Nam những năm qua đã phát triển nhảy vọt. 3 năm tiếp theo vẫn sẽ là “giai đoạn vàng” của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam có chính sách thu hút các công ty công nghệ cao nước ngoài đến đầu tư. Năm 2024 sẽ có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đến Việt Nam đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện tử và bán dẫn. TS. Trân sẽ đứng ra tham mưu, cố vấn để các tập đoàn công nghệ cao Đài Loan liên kết với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo hình thức đào tạo kép (lý thuyết đi đôi với thực hành).
TS. Trân chia sẻ: “Sứ mệnh của tôi, của Hiệp hội chính là bắc một nhịp cầu kết nối để nhiều doanh nghiệp Đài Loan tìm đến Việt Nam đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực. Như vậy, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ nguồn nhân lực chất lượng cao, trẻ, tài năng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước”.
Hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của bản thân
TS. Trân luôn coi việc hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan cũng như ngược lại là niềm vui của chính bản thân mình. “Tôi là con người đam mê công việc. Một phần công việc của tôi hiện nay là hướng đến cộng đồng. Trong tôi luôn có động lực thôi thúc bản thân phải cống hiến và giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Giúp nhiều người thành công sẽ tốt hơn việc chỉ một mình mình thành công. Khi đó, hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của bản thân”.
Với ước mong xây dựng cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, năm 2023 TS. Trân đã sáng lập và trở thành Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt Nam tại Đài Loan. Chỉ trong vài tháng hoạt động, Hiệp hội đã tổ chức Chương trình tôn vinh tiếng Việt lần thứ nhất và Chương trình quảng bá, giới thiệu hàng tiêu dùng Việt Nam tại Đài Loan, thu hút sự tham gia đông đảo của kiều bào tại đây. Theo TS. Trân, đây sẽ là 2 chương trình thường niên hằng năm, ngoài ra Hiệp hội sẽ tiếp tục vai trò, sứ mệnh kết nối và hỗ trợ cho các kiều bào tại Đài Loan để họ có cuộc sống ổn định tại xứ người.
TS. Trân còn chung tay giúp đỡ phụ nữ Việt Nam tại Đài Loan khởi nghiệp, nâng cao kiến thức quản trị. TS. Trân dành sự quan tâm đặc biệt với thế hệ kiều bào thứ hai tại Đài Loan: “Tôi muốn bỏ một chút công sức giúp đỡ các em trên hành trình học tập, khởi nghiệp. Các em cũng chính là nguồn nhân lực quý báu cho cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, là cầu nối tiếp tục gắn kết mối quan hệ Việt Nam - Đài Loan”.
Chia sẻ về dự định sắp tới, TS. Trân khẳng định: “Chúng ta chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển rất lớn của các công ty nước ngoài về linh kiện, chất bán dẫn vào Việt Nam. Điều này càng khẳng định trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành đất nước công nghệ cao, có sự phát triển đột phá, mạnh mẽ. Bởi vậy, hiện nay sứ mệnh của tôi cũng như Hiệp hội là tìm cách thu hút nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử, bán dẫn Đài Loan đến Việt Nam đầu tư nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước”.
Công việc bận rộn nên bất cứ khi nào có cơ hội TS. Trân đều bố trí thời gian trở về quê hương, coi đó là trở về với vòng tay của Mẹ. Những năm qua, mỗi chuyến về Việt Nam là một lần TS. Trân bắc một nhịp cầu nhân ái hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trẻ em nghèo cố gắng phấn đấu trong học tập, hỗ trợ các địa phương còn thiếu thốn về cơ sở vật chất… Đó chính là tấm lòng nhân ái của một kiều bào xa xứ luôn muốn đóng góp nhiều nhất có thể cho sự phát triển của quê hương.
Ngọc Anh