Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục

Năm 1960, nhân dịp cả nước thi đua mừng xuân và mừng Đảng tròn 30 tuổi, Bác Hồ đã dựa vào cái lệ ưa thích trồng cây của nhân dân để hướng dẫn thi đua một cách thiết thực, có hiệu quả kinh tế, đó là tổ chức Tết trồng cây. Bác cho rằng “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”(1), “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”(2) và cũng là để xây dựng “nông thôn mới”. Bác đã gợi ý lực lượng trồng cây là “các cụ phụ lão đến các em nhi đồng”.

Ngay năm sau, Bác về thăm hợp tác xã Vĩnh Thành, miền Tây Nghệ An, biết ở đây các cụ có một đội chuyên trách trồng và chăm sóc cây, Bác nói: “Tôi đề nghị các cụ trồng và phụ trách tất cả việc trồng cây. Còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây, mà khi đi trâu, đi bò không làm cây gẫy”(3). Năm 1965, Bác sơ bộ nhận xét: “Vì lợi ích rõ rệt, cho nên nhân dân hăng hái hưởng ứng và ở nhiều nơi đã thành một phong trào quần chúng”(4). Bác đã nêu lên kinh nghiệm chứng tỏ: “Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng... có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt”(5).

Khi về thăm Thái Bình, nơi đã từng được Bác nhắc nhở cần có kế hoạch thiết thực để trồng cây nhiều hơn và tốt hơn, Bác đã phân tích rõ: “Việc trồng cây nên dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và các cháu nhi đồng. Các cụ vừa có kinh nghiệm trồng cây, vừa cẩn thận, tỉ mỉ chăm sóc cây cối. Các cháu nhỏ ở nông thôn cần giúp các cụ giữ gìn cây tốt, không để cho trâu bò phá hoại”(6). Mùa xuân năm 1969, Bác Hồ đã đúc kết phong trào: “Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây, gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả nước, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”, “kinh nghiệm cho thấy rằng: mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”(7).

Hơn 50 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta, vừa có cây ăn quả, cho hoa đẹp, cây làm cột nhà vừa tạo nên phong cảnh tươi đẹp, điều hòa được khí hậu và góp phần cải thiện đời sống... Ngày nay, khắp cả nước có hàng nghìn đội trồng cây và hàng vạn phụ lão đã làm nòng cốt trong phong trào trồng cây, tham gia giữ gìn, phát triển tục lệ Tết trồng cây. Có nhiều cụ đã được tặng danh hiệu anh hùng trồng cây như cụ Mốc ở Quảng Bình, cụ Tần ở Vĩnh Phúc, cụ Oánh ở Hải Dương... Trả lời câu hỏi: Vì sao những người có tuổi ưa thích trồng cây? các nhà xã hội học qua khảo sát đã nhận xét như sau:

- Tâm lý người có tuổi muốn để lại chút gì đó cho thế hệ mai sau, các cụ chọn việc trồng cây là thích hợp nhất.

- Những người có tuổi luôn có nguyện vọng sống hữu ích, tiếp tục quá trình lao động cần mẫn, siêng năng, tạo nên vườn cây, ao cá, coi như một thú vui của tuổi già.

- Tuy có tuổi, nhưng các cụ rất ưa gặp gỡ, thích hội họp. Chính vườn cây, ao cá là nơi hội tụ các cụ thiết thực nhất.

Có lẽ vì thế mà rất nhiều cán bộ, bộ đội khi nghỉ hưu cũng tham gia các đội trồng cây hoặc tích cực hưởng ứng phong trào làm VAC, mang lại lợi ích cho tập thể, cho gia đình.

Hiện nay, ngành lâm nghiệp ở nước ta đã tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo duy trì, bảo vệ tục lệ Tết trồng cây, đưa phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, cần chú ý quan tâm một cách thiết thực đến chế độ chính sách đối với lực lượng các cụ phụ lão trồng cây để phát huy tính tích cực của tuổi già, như lời Đồng chí Hoàng Quốc Việt, cố chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng đề nghị từ lâu...
---------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội, 2002, tập 9, tr.558.

(2) (3) Sđd, tập 10, tr.110, 472.

(4) (5) Sđd, tập11, tr.356, 357.

(6) (7) Sđd, tập 12, tr.194, 440-441. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất