Thăng Long, Hà Nội - Nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc
Phố đi bộ Hà Nội tưng bừng Liên hoan múa Rồng Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Cả một chiều dài lịch sử Việt Nam cùng truyền thống dựng nước, giữ nước đầy máu và nước mắt, in dấu thời gian trên khắp phố phường Thủ đô yêu dấu. Mạch nguồn lịch sử và tinh hoa ấy đúng như làn điệu chèo cổ “Luyện năm cung” của tác giả Khúc Hà Linh soạn lời: “Kết tinh linh khí núi sông/Tụ dồn xương trắng máu hồng ông cha/Bình minh thành cổ Đại La/Rồng tung cánh lượn chớp lòa Thăng Long/Trái tim Tổ quốc ngàn năm/Vầng trăng sáng giữa nhân gian huy hoàng". Văn “Chiếu dời đô”, "Rung rinh trời mây nước/Này thành Thăng Long, kiêu hãnh tự hào/Nơi khí thiêng tụ vào/Viên ngọc giữa trung châu/ Xứng danh trái tim hồng đất nước để muôn sau vững bền”. Để rồi các thế hệ người dân Thủ đô và cả nước nguyện khắc sâu lời nguyền: Xả mình vung lưỡi gươm thiêng/Cho đất này bình yên.

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, từ kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc cách đây hơn 2.000 năm đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1.000 năm trước và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội là đất kinh kỳ, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa của nền văn minh sông Hồng. Kể từ mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “rồng cuộn, hổ ngồi” làm Kinh đô của nước Đại Việt đã trải qua bao thăng trầm. Với 30 năm bị giặc Mông - Nguyên chiếm đóng; chịu những trận tàn phá của giặc Chiêm cuối nhà Trần; 20 năm ròng là trị sở của giặc Minh; chứng kiến các cuộc tương tàn giữa cung vua phủ chúa Trịnh - Nguyễn phân tranh và mang nhiều tên gọi như Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh…, vẫn giữ nguyên nét đẹp, cốt cách của nơi “đô hội” - hội tụ và toả sáng của nền văn hoá yêu nước, chuộng hoà bình. Các địa danh lịch sử: Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan... vang vọng hào khí “Đông A” một thời, quyết định 3 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông; từ Chí Linh, Chi Lăng, Xương Giang đến Hội thề Đông Quan đã đi vào lịch sử như huyền thoại được viết bằng máu xương của nghĩa quân Lam Sơn, thấm đượm giá trị nhân văn cao cả “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” và để lại dấu tích trên hồ Hoàn Kiếm - biểu trưng cho lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu của dân tộc ta. Người Việt Nam không bao giờ quên khí thế hào hùng của trận thần tốc đại phá giặc Thanh năm Kỷ Dậu 1789, ghi dấu bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long đúng vào ngày Tết rực rỡ sắc hoa đào với câu nói bất hủ “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… Tất cả đã hun đúc nên bề dày giá trị văn hoá của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Năm 1802, Gia Long cho dời đô vào Huế, Minh Mạng đổi Thăng Long thành Hà Nội vào năm 1831, thành quách bị hạ thấp, vua chúa quan lại bỏ đi… Chẳng bao lâu thành Hà Nội thất thủ và trở thành “đại bản doanh” của thực dân Pháp và sau này là phát-xít Nhật. Cũng từ đó, cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng là cuộc đấu tranh để chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam nối tiếp diễn ra trong suốt thế kỷ XX.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước khi có ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường, tháng 3-1929, tại nhà 5D Hàm Long - Hà Nội, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập - dấu ấn quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Hà Nội đã góp một phần vào sự kiện Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930. Từ đây, thực hiện nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng bộ Hà Nội, nhiều phong trào cách mạng chống khủng bố, hưởng ứng phong trào yêu nước được triển khai khắp nội, ngoại thành. Hà Nội không chỉ trở thành địa phương đi đầu trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tự do và dân chủ mà còn là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Mùa thu năm 1945, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến khi Đức, Nhật liên tiếp đầu hàng Đồng minh; chính phủ tay sai Trần Trọng Kim tê liệt, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy! Tiếp lệnh Tổng khởi nghĩa, Hà Nội đã chớp thời cơ “ngàn năm có một” giành chính quyền vào ngày 19-8-1945. Từ “Thủ đô gió ngàn” đến Thủ đô Hà Nội là một chặng đường lịch sử tất yếu dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Ngày 25-8-1945, lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất Thăng Long hùng thiêng! Ngày 2-9, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân cả nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, chấm dứt vai trò thống trị ngàn năm của các triều đại phong kiến và gần 1 thế kỷ của thực dân Pháp. Trong tiết trời thu nắng vàng, từ Ba Ðình lịch sử, tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời thề độc lập của toàn dân Việt Nam vang dội non sông và truyền đi khắp năm châu thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Ngày hôm đó, cả nước hướng về Hà Nội để lắng nghe tiếng vọng ngàn năm, hồn thiêng sông núi từ Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.

Sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã viếng thăm Đền Đô - nơi thờ Lý Thái tổ và các vị vua nhà Lý như để báo cáo với các bậc tiên liệt về sự ra đời của nhà nước độc lập - nối Hà Nội với mạch nguồn xưa của Thăng Long để Hà Nội mãi mãi không chỉ là kinh đô - trái tim của một dân tộc anh hùng từ đời các vua Hùng dựng nước mà còn tạo ra thế, lực, thời cơ mới để dân tộc ta vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới với dáng vóc hiện đại mà vẫn mang đậm cốt cách của một Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Song, không khí hoà bình chưa được bao, Thủ đô Hà Nội đứng trước muôn vàn khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài cấu kết với nhau hòng “bóp chết” chính quyền cách mạng còn non trẻ. Hà Nội trở thành trung tâm đầu não cách mạng của cả nước, gắn chặt với vận mệnh sống còn của dân tộc.

Trước yêu cầu lịch sử đặt ra, dưới dự lãnh đạo của Trung ương Ðảng và Bác Hồ, Hà Nội vừa vinh dự là nơi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội, lập Hiến pháp - thể hiện đầy đủ tư cách Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, để tiếp tục đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, vừa nhận trọng trách nặng nề, ký vào Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, đặt cơ sở chính thức cho việc đàm phán, đi đến hiệp định chính thức. Hà Nội cũng là nơi ra đời bản Chỉ thị “hòa để tiến” ngày 9-3-1946 của Trung ương Ðảng, tận dụng thời gian “vàng” để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp tới!

Tất cả hành động của Đảng và Chính phủ ta đều thể hiện tinh thần hoà hiếu dân tộc, không muốn chiến tranh xảy ra. Song, “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa”. Vì vậy, trước hành động công khai cướp bóc, bắn giết nhân dân ta, đặc biệt, thực dân Pháp ngang nhiên gửi tối hậu thư, buộc Chính phủ ta trao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng… thì cũng là lúc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi. Từ Thủ đô vang lên tiếng gọi, mệnh lệnh của non sông đất nước, hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Đáp lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ “sống chết với Thủ đô”. Nhân dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “vì danh dự Tổ quốc và quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước”. Ðúng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy điện phá máy. Ðèn điện trong thành phố vụt tắt. Ðó là mệnh lệnh chiến đấu. Cả thành phố nổ súng. Các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Ðào Xuyên nã đại bác vào các trại lính Pháp trong thành. Hà Nội anh dũng vùng lên chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Các chiến sĩ quyết tử, đeo khăn quàng đỏ, tượng trưng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do với lời tuyên thệ: “Chúng ta thề sống chết với Thủ đô Hà Nội... Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất”. Các lực lượng vũ trang Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các em là đội cảm tử, các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”. Ðảng bộ TP. Hà Nội đã lãnh đạo quân và dân Thủ đô chiến đấu vô cùng anh dũng, giam chân địch 60 ngày đêm từ 19-12 đến ngày 17-2-1946 trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng, nhân dân và máy móc từ Thủ đô Hà Nội trở lại “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc an toàn. Đây là thắng lợi mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiếp tục làm rạng danh truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cổ vũ nhân dân cả nước vững tin vào đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng và khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do.

Từ ngày 17-2-1947, Hà Nội tạm thời bị thực dân Pháp chiếm đóng. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt thành phố thân yêu, lòng nặng lời thề “Trở về giải phóng thủ đô”. Ở lại Thủ đô, cán bộ, bộ đội cùng nhân dân từng bước gây dựng cơ sở kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích, phá hàng phòng tuyến bao quanh nội thành, đánh địch ngay trong lòng địch, ngay tại sào huyệt, trung tâm đầu não bộ máy chính trị quân sự của chúng ở Đông Dương, từng bước phục hồi, gây dựng lại cơ sở kháng chiến, đấu tranh phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của Pháp, đồng thời phối hợp với các chiến trường, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và ba nước Đông Dương. 

Sáng 10-10-1954, năm cửa ô đón mừng Chính phủ, Bác Hồ và chiến sĩ Điện Biên trở về giữa rừng cờ hoa rực rỡ sắc màu, trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm mở đầu bằng sự kiện “Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa” và kết thúc bằng sự kiện “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô vào 15 giờ ngày 10-10-1954. Ngày đó, hàng vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ chiến thắng. Cờ đỏ Sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tượng trưng cho độc lập, chủ quyền của dân tộc, tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Trong ngày hội lớn giải phóng Thủ đô 60 năm trước, nhân dân Hà Nội vui mừng đón nhận lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội không chỉ cùng với cả nước hướng về miền Nam, chia lửa, thức cùng nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ mà còn lần lượt đánh bại không lực Hoà Kỳ tàn phá Thủ đô Hà Nội, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, thức tỉnh lương tri nhân loại. Chiến thắng này không chỉ góp phần đánh bại uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân đội viễn chinh về nước mà Hà Nội còn được vinh danh và tự hào là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện tiền tuyến, quân và dân Thủ đô không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần gửi thư khen và tặng cờ thưởng; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng “Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... mà còn tự hào là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, trong ngập tràn niềm vui, nhân dân Hà Nội tự hào cùng nhân dân cả nước thực hiện trọn vẹn điều mong muốn của Bác Hồ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc đã quyết định lấy tên nước là Cộng hoà XHCN Việt Nam. Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà XHCN Việt Nam”. Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất… để rồi những tên gọi thiêng liêng trong bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu! Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng…” không chỉ trở thành truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa mà còn trở thành lương tri và phẩm giá của nhân loại.

Những tên gọi thiêng liêng, tự hào mang bóng dáng hồn sông núi, khí thiêng trời đất, Hà Nội - “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc trong những ngày tháng mười này được vang lên quyện vào sắc đỏ của cờ, hoa chào mừng Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng và 20 năm được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Lưu giữ, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử văn hóa của Hà Nội nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung không chỉ là trách nhiệm của người Việt Nam về “mạch nguồn” của mình mà còn bảo vệ “Thành phố vì hòa bình”, thành phố của “Lương tri và phẩm giá con người”, điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế. Đúng như Tiến sĩ Ka-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu: Là một thành phố hòa bình, một thành phố của đối thoại liên văn hóa, Hà Nội đã chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu của mình bằng việc tạo ra ngôi nhà bền vững cho tất cả cư dân và du khách của thành phố này. Thành phố đang đương đầu với những thách thức mới nhằm bảo đảm rằng mọi người dân đều có thể thụ hưởng đầy đủ của cải vật chất, hạnh phúc và một đời sống tri thức, sáng tạo viên mãn, đồng thời nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội - thương hiệu độc nhất vô nhị của thành phố - để gìn giữ và trao truyền những thế hệ tiếp theo. Tăng cường bảo vệ di sản văn hóa như một kho báu của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, là một ưu tiên của quốc gia và của UNESCO.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất