Thanh niên nhập ngũ là vinh dự và trách nhiệm công dân

Quân đội là trường học lớn của thanh niên, là niềm mơ ước và mục tiêu vươn tới của không ít thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ. Được học tập, rèn luyện trong quân đội là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm của thanh niên Việt Nam.

                           

1. Niềm vinh dự, tự hào

Mỗi thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự là vinh dự, tự hào, bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự chính là sự cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp của Đảng và toàn dân tộc. Hình ảnh Bộ độ Cụ Hồ luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Còn gì hơn khi được tôi luyện ở môi trường quân đội, một trường học lớn để hoàn thiện nhân cách, góp phần năng lực và phẩm chất của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi thanh niên coi đây là vinh dự của bản thân trước gia đình, quê hương và xã hội. Do đó phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện để thực sự là những hình ảnh cao đẹp của một người lính. Quân đội cũng là môi trường để người lính được hoàn thiện những phẩm chất và năng lực cần thiết, để khi rời khỏi quân ngũ thì phẩm chất và năng lực đó lại được phát huy trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên để họ sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự một cách tự giác, cống hiến phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

2. Là trách nhiệm công dân

Thanh niên lên đường nhập ngũ là nghĩa vụ công dân, khi nhập ngũ họ được học tập những kiến thức cơ bản về Đảng, Bác Hồ, về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… họ phải nhận thức rõ đối tượng, đối tác, phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và đề kháng với những luận điệu xấu độc của kẻ thù cũng như tuyên truyền giáo dục đến mọi người cùng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trong thời gian tại quân ngũ họ được rèn luyện về thể lực, về kỹ chiến thuật, về tâm lý từ đó tạo nên sự vững vàng trước các tình huống có thể xảy ra.

Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân tộc. Do vậy, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm với Tổ quốc, với  quê hương. Ngày nay “Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bổ vẫn diễn ra gay gắt…”[i]. Đất nước ta đã hoà bình, mọi người dân luôn hướng đến sự ấm no bình đẳng, các dân tộc đoàn kết cùng chung sống, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang gặt hái được những thành tựu to lớn. Do vậy, cùng với vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải luôn đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc và các thể lực thù địch luôn tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta và phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề quốc phòng. Vì vậy, mỗi thanh niên được tham gia quân đội chính là thể hiện trách nhiệm to lớn với Tổ quốc và dân tộc.

3. Rèn luyện trở thành người chiến sĩ ưu tú của quân đội

Được tham gia nghĩa vụ quân sự vừa là nghĩa vụ công dân vừa là trách nhiệm lớn, niềm tự hào đối với quê hương đất nước và chính bản thân mình. Bản thân các chiến sĩ ngay từ những ngày đầu phải xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của nhân dân, thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương và quý trọng đồng bào, chiến đấu dũng cảm gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Phải thực sự là hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, có lý tưởng cao đẹp, đạo đức trong sáng, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Bộ đội là của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân mà chiến đấu. Do vậy, các chiến sĩ cần rèn luyện những nội dung sau:

Ra sức học tập nâng cao nhận thức về mọi mặt, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chiến đấu đến cùng cho mục tiêu lý tưởng cao đẹp. Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, không lùi bước trước mọi khó khăn thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, có phẩm chất năng lực hành động giỏi, đủ sức đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống.

Xây dựng lối sống, phong cách, tác phong con người mới xã hội chủ nghĩa trong lực lượng vũ trang, có nếp sống chính quy, tác phong khẩn trương, chuẩn xác, đoàn kết thương yêu đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác nghiêm minh, có thái độ đúng mực trong giao tiếp với mọi người, mọi tổ chức; sống khiêm tốn giản dị, trung thực, tự trọng, cởi mở chân thành; luôn nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và phong cách, lối sống không lành mạnh, tự do, buông thả, bê tha, ích kỷ, chạy theo đồng tiền… dẫn đến hành vi sai trái ảnh hưởng xấu tới thanh danh “ Bộ đội Cụ Hồ”.

Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, tích cực xây dựng, bồi dưỡng cái tốt, học tập gương người tốt, việc tốt, quyết đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu.

Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các vấn đề trên là điều kiện để quân nhân giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong 70 năm qua Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết nên truyền thống hào hùng của một quân đội bách chiến, bách thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày nay nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những thời cơ và thách thức mới. Vì vậy việc phát huy truyền thống của dân tộc, truyền thống của quân đội trong điều kiện mới là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.


ThS. Chu Minh Thiện - Lê Anh Tuấn
Đại học Nguyễn Huệ, Bộ Quốc Phòng


[i] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, Tr.28.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất