Thụ cảm lời Người nơi đất Tổ
Dòng người hành hương về dự Lễ hội Đền Hùng.

Hơn bảy mươi năm trước, khi đặt chân nơi địa đầu Tổ quốc, Bác Hồ đã viết diễn ca lịch sử nước nhà lưu truyền rộng rãi trong nhân dân: “Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/kể năm hơn bốn nghìn năm/tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa/Hồng Bàng là tổ tiên ta/Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang…”. Đây là lời khẳng định đanh thép về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đầu tiên và tư tưởng của Bác về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

“Con người có tổ có tông/như cây có cội như sông có nguồn”, nên nhu cầu hiểu biết, giải thích quá khứ về nguồn gốc của dân tộc mình là điều tất yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc soạn diễn ca lịch sử, mọi người dân đất Việt đều rõ ngọn nguồn con Lạc cháu Hồng cùng chung một cội với một tình cảm “tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa”. Tư tưởng anh em thuận hòa của Bác xuyên suốt cả quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam “dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Ngày 2-9-1945, ngày hội lớn của đất nước. Giữa Quảng trường Ba Đình chan hòa nắng thu vàng, bát ngát cờ hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng giọng điềm đạm, trầm ấm, hào sảng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Biển người im lặng lắng nghe, bỗng Người dừng lại cất tiếng hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Tiếng đáp lại như sấm: “Có”. Lúc này người dân và Chủ tịch nước trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, vô cùng thân thiết. Tận đáy lòng mỗi người dân đất Việt, dòng máu Lạc Hồng cảm nhận sự cao cả về đạo đức, sâu đậm về tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu. Lời Người như lời non nước vọng lại, ngấm vào máu, chảy trong tim, rung động tâm can, “đồng bào” là lời hiệu triệu, động lực thúc đẩy hàng triệu con tim đoàn kết thống nhất bảo vệ non song, độc lập, tự do, hạnh phúc. “Đồng bào” bao hàm không chỉ một truyền thuyết, mà cả lịch sử của dân tộc. Hình tượng Vua Lê Đại Hành cày ruộng với dân, hay “tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo cùng với tư tưởng đoàn kết của Bác khẳng định sự cố kết “đồng bào” trên dưới một lòng từ ngàn đời bồi đắp niềm tin vững chắc, tạo thành sức mạnh tinh thần, động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Ngày Giỗ Tổ đầu tiên sau khi nước nhà vừa giành được độc lâp, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên Đền Hùng thay mặt Chính phủ kính cáo với Tổ tiên - những người khai sáng đất nước Việt Nam. Về giỗ Tổ lần này, sử sách ghi chép lại cụ Huỳnh đã kính lễ dâng hương cùng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm kính cáo với Tổ tiên về vận nước tuy vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng đang đứng trước họa xâm lăng.

Chín năm kháng chiến thắng lợi, kết thúc bằng trận Điện Biên phủ chấn động địa cầu, người người hân hoan, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng cáo Tổ. Ngày 18-9-1954, Bác đi từ Đại Từ, Thái Nguyên qua bến Bình Ca sang đất Tuyên Quang. Trên đường đi Bác thăm đơn vị bộ đội ở đồi Chò, thôn Kim Lăng, xã Châu Mông, huyện Đoan Hùng. Gần trưa Bác vào thăm thị xã Phú Thọ tìm hiểu tình hình đời sống, làm ăn của bà con, sau đó Bác vào thăm Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ ở nơi sơ tán (thôn Quang Trung, xã Thanh Hà). Chiều tối cùng ngày, Bác về đến Đền Hùng, đêm ấy Bác nghỉ lại ở đền Giếng. Sáng ngày 19-9-1954, Bác đi từ cổng chính lên núi Nghĩa Lĩnh viếng Mộ Tổ và thăm các di tích từ Đền Hạ, chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng và Lăng Mộ. Người đọc bài minh trên quả chuông treo ở cây đại phía bên trái đền, nghỉ chân bên cây thiên tuế trước chùa Thiên Quang. Bác xuống Đền Giếng, gần 100 cán bộ chiến sỹ ngồi dưới sân Đền nghe Bác nói chuyện. Bác giảng giải: “Đền Hùng thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta”. Bác căn dặn: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thụ cảm linh khí đất Tổ, với tư duy uyên bác, tâm hồn lạc quan và sự tích lũy thực tiễn của công cuộc vận động cách mạng đã đúc kết thành một tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong lời căn dăn cán bộ, chiến sỹ. Chọn Đền Hùng, Quốc Tổ để khẳng định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử. Nói về các Vua Hùng tại nơi thiêng liêng, Bác đã khơi gợi cho các thế hệ đời sau ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn, ý thức tôn vinh Tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”.

Năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở các hai miền Nam, Bắc đang diễn ra quyết liệt. Ngày 19-8-1962 Bác về thăm Đền Hùng. Khi đến Đền Hạ, các đồng chí đi cùng sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại, để xuống núi, Bác nói: Leo núi phải leo đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích. Bác lên Đền Trung, Đền Thượng. Khi ra về Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan.

Thực hiện lời Bác, nhân dân Phú Thọ và cả nước đã tu bổ, xây dựng khu di tích Đền Hùng khang trang, trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa, lễ hội. Rừng xanh rợp bóng cây, đường đi phong quang sạch sẽ, các Đền đã được trùng tu tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới đền thờ Lạc Long Quân và Đền Mẫu Âu Cơ... Các di sản văn hóa phi vật thể trong các lễ hội xưa được phục hồi. Nhà nước đã thực hiện hành lễ theo nghi thức Quốc lễ, toàn dân được nghỉ việc để tham gia lễ hội tri ân công đức Tổ tiên.

Những ngày đầu xuân trước ngày Quốc giỗ, Đền Hùng nhộn nhịp đón con cháu ở gần xa về giỗ Tổ. Mưa xuân nhè nhẹ giăng tơ trên lá non, chồi biếc. Bạt ngàn một màu xanh mênh mang trong làn khói trắng mờ, nổi bật tấm phù điêu cao 7 m, rộng 12 m được ghép bằng 83 tấm đá thể hiện hình ảnh Bác đang nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Giếng. Muôn người như một, sau khi hành lễ dâng hương Quốc Tổ đều đến đây đặt hoa tưởng niệm Bác và thụ cảm sâu sắc lời Người nơi đất Tổ thiêng liêng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất