Thứ Sáu, 18/7/2014 22:26'(GMT+7)
Tiếp tục phát huy tinh thần Giơ-ne-vơ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Ngày 18-7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, một thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Các đại biểu thăm Triển lãm ảnh và hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơ-ne-vơ
Bên lề Hội nghị, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu về việc kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm từ đàm phán Giơ-ne-vơ trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sự ủng hộ to lớn của các nước bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tiếp tục phát huy tinh thần Giơ-ne-vơ , bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
60 năm đã trôi qua, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đem lại những kinh nghiệm và bài học quý báu về sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, thắng lợi trên mặt trận quân sự với đấu tranh trên bàn đàm phán. Nhấn mạnh đến ý nghĩa, bài học lớn từ Hội nghị Giơ-ne-vơ và tiếp nối từ thành công ngoại giao trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ Bộ Ngoại giao, thành viên đàm phán của Hiệp định Pa-ri cho biết: Thắng lợi của Việt Nam ở Hiệp định Giơ-ne-vơ, mặc dù chưa hoàn toàn trọn vẹn, nhưng đây là thắng lợi lớn, ta có một miền Bắc hoàn toàn được giải phóng để làm cơ sở cho việc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tất cả các nước lớn đều công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thắng lợi đó là thắng lợi lớn, từ đó, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước Việt Nam .
Nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho rằng: Trải qua biết bao gian khổ, khó khăn chúng ta đã có hòa bình, đã có độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhất định chúng ta phải bảo vệ vững chắc những quyền thiêng liêng đó và tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ lâu dài. Từ Giơ-ne-vơ, chúng ta còn chiến đấu hàng chục năm nữa mới thắng đế quốc Mỹ, mới giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước. Đến nay, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần Giơ-ne-vơ, tinh thần Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần chống giặc cứu nước để bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân
Có thể nói, thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ là dựa trên nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự phối hợp hiệu quả các mặt trận, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả đất nước. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh khẳng định: Cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa, được bạn bè quốc tế và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ, cổ vũ, góp phần tạo nên sức mạnh của thời đại cho thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ. Điều đặc biệt, trong chiến thắng trên bàn đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ có sự đóng góp của ngoại giao nhân dân. Đi kèm với chiến đấu quân sự, đi đôi với đấu tranh ngoại giao chính trị, trong đó có đấu tranh ngoại giao Nhà nước và đấu tranh nhân dân, đấu tranh quốc tế... Lúc đó, nhân dân Pháp biểu tình rất mạnh chống Chính phủ Pháp, ủng hộ Việt Nam. Lúc bấy giờ, chính quyền Việt Nam cũng phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp vận động nhân dân Pháp thực hiện các phong trào biểu tình lớn, trong đó có cuộc biểu tình của thanh niên Pháp.
Nhấn mạnh đến tình hình hiện nay, ông Nguyễn Khắc Huỳnh khẳng định ngoại giao cần tiếp tục phát huy một bài học quan trọng đã được đúc kết trong 60 năm qua, đó là tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại phải nêu cao và làm cho quốc tế hiểu được chính nghĩa và lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân tộc Việt Nam .
Trong đấu tranh tuyên truyền thời kỳ đàm phán Giơ-ne-vơ và đàm phán Pa-ri, ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ, của các phong trào phản chiến tại pháp, tại Mỹ và trên toàn thế giới. Nhất là Trong thời kỳ chống Mỹ chúng ta được nhân dân Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, phong trào có tính chất toàn quốc, toàn diện của nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Bây giờ, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và chỉ có ngoại giao nhân dân mới có thể làm được, đó là điều rất quan trọng trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhấn mạnh.
Kiên quyết và kiên trì thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền
Tinh thần và những bài học kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, là diễn đàn đa phương đầu tiên mà nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam tham gia đồng thời sẽ là hành trang vô giá của thế hệ trẻ ngành ngoại giao trên con đường phụng sự Tổ quốc. Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương chia sẻ: Đây là dịp để thế hệ trẻ được ôn lại lịch sử và thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc cách mạng tiền bối đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ đem lại hòa bình cho đất nước. Đặc biệt là hôm nay với sự hiện diện của những nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp phục vụ hoặc tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, qua những thước phim và những hình ảnh sống động của cuộc triển lãm, thế hệ trẻ có cơ hội được hiểu biết thêm về những tháng ngày gian khổ mà hào hùng trong lịch sử dân tộc, càng thêm cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và học tập được ở các bác và thế hệ đi trước về lòng yêu nước nồng nàn, ý chí phấn đấu quên mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương nhấn mạnh: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, nguyện sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, nâng cao nhiệt huyết, tính sáng tạo của tuổi trẻ và tinh thần xung kích; không ngừng nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý, hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời cũng kiên quyết và kiên trì thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích của quốc gia.
Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử. Một trong những bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chính là sự kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong bối cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu tác động của các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm để đạt được lợi ích của mình. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Pa-ri và những bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập.
Nguồn: TTXVN