Nhằm trao đổi về những định hướng cải cách của Luật Doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề nổi bật trong Dự thảo Luật, sáng 10-7, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo trao đổi về Dự thảo lần 5 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ phân công chủ trì xây dựng và soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã hoàn thành dự thảo lần 5 và được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2014).
Mục tiêu của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Các nguyên tắc và cách thức sửa đổi: Một là, kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tích cực của các cải cách trong Luật Doanh nghiệp năm 2000 và Luật Doanh nghiệp 2005, bao gồm: Tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động: góp vốn thành lập doanh nghiệp; tổ chức quản lý doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Hai là, khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp. Ba là, thể chế hóa vấn đề mới phát sinh. Bổ sung thêm các quy định đặc thù của quản trị doanh ghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước; thể chế hóa về pháp lý doanh nghiệp xã hội nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội.
Các đại biểu tại hội thảo đã trao đổi 4 nội dung: Đăng ký thành lập doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh; Vốn và quản trị doanh nghiệp; Tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
T.Huyền