TP. Hồ Chí Minh: Năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố GRDP đạt 6% - 6,5%.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng ngày 7-12 (Ảnh: Hoàng Hào).

Tìm ra hướng đi mới phù hợp với tình hình hiện nay

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết:

Năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta diễn biến phức tạp khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân trong cả nước, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Tình hình dịch bệnh tại Thành phố cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với những điểm sáng. Chính vì vậy, đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND thành phố để chúng ta đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, những cố gắng của Thành phố trong thời gian qua, đồng thời tìm ra hướng đi mới phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là trong giai đoạn Thành phố tích cực hoàn thành kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng thời, trách nhiệm quan trọng của chúng ta là thảo luận và thông qua các chính sách quan trọng để củng cố nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, chính sách về giáo dục đào tạo, chính sách về định mức, phân bổ dự toán ngân sách nguồn thu và các giải pháp nhiệm vụ trọng tâm nhằm ổn định xã hội, khuyến khích đầu tư để phục hồi phát triển kinh tế Thành phố sau đại dịch, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc tại Kỳ họp thứ 4 (Ảnh: Hoàng Hào).

5 năm qua, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế Thành phố được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%; tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp 22,2%; công tác quản lý và phát triển đô thị có nhiều diễn biến tích cực, công tác cải cách hành chính cũng được đẩy mạnh; ngành giáo dục, y tế có nhiều bước phát triển; công tác an ninh xã hội, chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách, có công và chất lượng đời sống của người dân từng bước được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác triển khai Kết luận 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội đã được tập trung thực hiện kịp thời và đạt được một số kết quả khả quan.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 giảm sâu

Năm 2021 là năm đầu tiên Thành phố triển khai mô hình tổ chức chính quyền đô thị; tuy nhiên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ chưa ổn định thì dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ. Tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ; tuy nhiên đến quý III là thời gian Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm sâu, giảm 24,39% so với cùng kỳ đã làm cho các chỉ tiêu kinh tế Thành phố năm 2021 giảm mạnh. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2021 trên địa bàn Thành phố ước giảm 6,78% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 13,68% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,06%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước giảm 12,96% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,43%); khu vực dịch vụ ước giảm 5,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,17%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước giảm 0,43% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,51%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 5,5%, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm 27,69% so với cùng kỳ.

Trong điều kiện dịch bệnh, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá: kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 24,9% so với cùng kỳ; 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%, tổng dư nợ tín dụng ước tăng 10,7% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 300.437 người, đạt 100,1% kế hoạch năm; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,8 - 6 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ, lượng kiều hối về Thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.

Về văn hóa - xã hội, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đã sớm chủ động điều chỉnh các hoạt động phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Một số hoạt động nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn chuyển sang hình thức trực tuyến, khai thác thế mạnh của truyền thông để lan tỏa tác phẩm, chương trình nghệ thuật đến với công chúng. Nhiều hoạt động nghệ thuật gắn với công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, tạo không khí phấn khởi, động viên Nhân dân nêu cao quyết tâm, lạc quan đẩy lùi dịch bệnh, tôn vinh tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hòa Bình báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4 sáng 7-12 (Ảnh: Hoàng Hào).

Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ trong và ngoài nước để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người dân trong điều kiện dịch bệnh. Ngành Giáo dục đã cố gắng triển khai tốt các hoạt động giáo dục trực tuyến cho các bậc học, tổ chức huy động trang thiết bị cho các trường hợp khó khăn; xây dựng lộ trình hoàn trả các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, phục vụ công tác phòng, chống dịch để khảo sát sửa chữa, hoàn thiện; căn cứ mức độ dịch của địa bàn để đề xuất thời gian dạy học trực tiếp trở lại đối với học sinh. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục tập trung vào công tác hỗ trợ cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài trong việc bảo hộ công dân nước ngoài, cập nhật thường xuyên các chính sách mới liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt công tác tuyển quân, tổ chức giao 3.802 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đảm bảo chỉ tiêu cả về số lượng và chất lượng. Công an thành phố thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm; xử lý ngay từ cơ sở những dấu hiệu có thể gây mất ổn định an ninh, trật tự, phát sinh thành “điểm nóng”; không để số đối tượng phản động, chống đối chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách phòng, chống dịch bệnh, gây mất niêm tin của Nhân dân với chính quyền; đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn.

Nhìn chung với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của các lực lượng chi viện, Thành phố đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh Covid-19; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng - an ninh củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại được duy trì làm cơ sở để Thành phố chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đầu từ quý IV; các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu dần phục hồi.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 giảm sâu; công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù có xu hướng giảm thời gian đầu sau giãn cách nhưng số ca nhiễm thời gian gần đây vẫn còn cao, dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người dân.

Đối với 20 chỉ tiêu chủ yếu gồm 29 chỉ tiêu thành phần của Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, Thành phố dự kiến hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 48, 28%; dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,83%; chưa đủ cơ sở tính toán được 2/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 6,89%.

Năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố GRDP đạt 6% - 6,5%.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Dự báo tình hình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục tăng trưởng nhưng không đồng đều và chưa vững chắc.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Tiềm ẩn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa trở lại nền kinh tế và tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu... Điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế là kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, từng bước mở cửa lại, tiến đến trạng thái “bình thường trong điều kiện mới”, có lộ trình, tiêu chí rõ ràng để người dân và doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, thích ứng, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân; đồng thời bảo đảm an toàn cho phòng, chống dịch bệnh.

Một lợi thế đồng thời là điều kiện then chốt để Thành phố tự tin thực hiện mở cửa, từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2022 là tỷ lệ người dân đã tiêm vắc-xin cao. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2021, 22/22 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã cơ bản kiểm soát được dịch, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, độ phủ vắc-xin của các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm giữa các vùng, miền được thông suốt. Về ngân sách, Quốc hội thông qua tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia của ngân sách thành phố năm 2022 tăng từ 18% lên 21%, tạo tiền đề và nguồn lực để Thành phố phát triển.


Các đại biểu HĐND thành phố Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tại Kỳ họp thứ 4 (Ảnh: Hoàng Hào).

Thành phố dự kiến chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thành phố đề ra mục tiêu tổng quát năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19. Ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của Thành phố. Giải quyết việc làm đi đôi với chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường thương mại điện tử, chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH17 của Quốc hội. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại theo phương thức mới.

Thành phố đề ra 19 chỉ tiêu; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%...

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất