Hơn hai mươi năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có nhiều cống hiến xứng đáng vào công cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1955 và Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1960, đồng chí tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khóa III, tháng 9-1969 và giữ trọng trách này đến năm 1980.
Trên sáu mươi năm đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước và giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Bác Tôn đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam, Bác Tôn đã được Đảng, Nhà nước ta và bạn bè quốc tế tặng nhiều phần thưởng cao quí; trong đó có Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quí nhất của Nhà nước ta, Huân chương Lênin và giải thưởng Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, do nước Nga tặng thưởng. Điều đáng trân trọng, cao quí ở đây, đó là phần thưởng của nhân dân cả nước dành cho người cộng sản kiên trung, mẫu mực, đức độ với cụm từ thân thương Bác Tôn của chúng ta.
Trong lời chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi, Bác Hồ kính yêu đã viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Nghiên cứu về cuộc đời của Bác Tôn chúng ta thấy rõ tinh thần nhân ái, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tấm lòng trung thành và tinh thần dũng cảm không có gì lay chuyển được là sức mạnh phi thường của Bác. Học tập tấm gương đạo đức của Bác Tôn, thế hệ trẻ Việt Nam học tập trước hết ở Bác những phẩm chất, đạo đức sau:
Tấm gương của người chiến sỹ cộng sản yêu nước, kiên trung bất khuất trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, dù phải hy sinh thân mình cho sự nghiệp của dân tộc.
Suốt cuộc đời của Bác Tôn luôn hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời của Bác Tôn thật sự là một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lý tưởng đó được Bác theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình. Trong Điếu văn đọc tại buổi Lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng (3-4-1980), Chủ tịch Trường Chinh nêu rõ: “Cuộc đời hoạt động của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị. Toàn thể đồng chí và đồng bào chúng ta tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng của đồng chí. Chúng ta quyết mãi mãi noi gương cao cả của đồng chí để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn đã từng trải qua mọi thử thách - bị đế quốc Pháp bắt giam, đày đọa nơi ngục tù Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống hoặc bỏ đói, bỏ khát...nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Bác trước sau như một. 15 năm bị đọa đày địa ngục Côn Đảo là thử thách lớn trong cuộc đời người chiến sỹ cách mạng Tôn Đức Thắng. Trong những tháng ngày thử thách khốc liệt, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một con người có nghị lực phi thường và sự trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng. Vượt qua đòn thù và nhiều âm mưu thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp thâm độc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ bản lĩnh của một chiến sỹ cộng sản, vẫn tham gia thành lập và sinh hoạt chi bộ Đảng, vẫn học tập lý luận Mác- Lênin, làm báo tuyên truyền cách mạng. Tính nhân văn trong việc làm thực tế, uy tín của đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ ảnh hưởng đối với đồng chí mình, mà còn cảm hóa được không ít tù nhân Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Một số người sau này đã trở thành những chiến sỹ cách mạng kiên trung. Bản lĩnh và hành động của đồng chí Tôn Đức Thắng làm kẻ thù phải e dè, kính nể; đồng chí, bạn bè càng quý trọng, kính phục. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã chiến thắng kẻ thù ngay trong lòng địch. Đó là điều mà sau này đồng chí Tôn Đức Thắng đã tâm sự với các đại biểu thanh niên Hà Nội trong dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Đảng (1957). Bác nói: “Tuổi thanh niên là hăng hái. Gặp bất công là đấu tranh ngay. Nhưng đấu tranh mà không có lý tưởng dẫn dắt thì hoặc là đấu tranh sai, hoặc là đấu tranh không bền bỉ, bỏ dở giữa đường”. Bác cũng căn dặn: “Thanh niên phải luôn vì lý tưởng mà phấn đấu”.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến ác liệt, trong mưa bom, bão đạn, những khó khăn, thiếu thốn vẫn không lay chuyển được ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc. Ở những cương vị lãnh đạo quan trọng, Bác Tôn đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận để hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Từ tấm gương yêu nước đó của Bác Tôn, chúng ta giáo dục cho thế hệ trẻ tình cảm trong sáng, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính… Bên cạnh đó, qua tấm gương của Bác Tôn, chúng ta cần tiến hành giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
92 năm tuổi đời, trên 60 năm hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã nguyện đi cùng con đường cách mạng do Hồ Chí Minh lựa chọn; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tấm lòng trung thành, tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển; ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Bác mãi mãi là một giá trị đạo đức trường tồn, nêu gương cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Bác Tôn với cuộc sống giản dị, trong sáng của một cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Khiêm tốn, giản dị là những đức tính suốt đời của Bác. Nghiên cứu về Bác Tôn chúng ta thấy ở Bác một đức tính, một phong cách không hề biến đổi: đó là đức tính, phong cách công nhân giản dị, chân thành, trong sáng. Khi là người lãnh đạo, Bác vẫn giữ đức tính vốn có của mình, ăn những món ăn giản dị nơi quê nhà, mặc những bộ quần áo bình thường, ghét xa hoa lãng phí. Nếu những người bạn, những người đồng chí cùng công tác với Bác thường nhớ về Bác với hình ảnh một ông cụ thường sửa, ráp, lau xe đạp, mài món này, dũa món kia… ở sân sau nhà vào những ngày nghỉ, thì trong trí nhớ của người dân An Giang, Bác Tôn là người có đôi mắt sáng, tác phong hiền hòa, nhỏ nhẹ mà sâu sắc, nhớ bộ quần áo bạc màu của vị Chủ tịch nước khi về thăm quê, nhớ một con người dễ mến có sức cuốn hút – một sức cuốn hút có nguồn gốc từ tình cảm chân thành, sâu lắng của Người.
Khiêm tốn, giản dị đã trở thành nếp sống, thể hiện ra trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hằng ngày của Bác. Ở Bác Tôn Đức Thắng, đã có một sự khắc kỷ rất cao. Có điều kỳ lạ là sự khắc kỷ này đã đạt đến mức không làm người ta thấy có sự gượng ép. Bác đã khắc kỷ một cách thung dung, đến mức những nét sinh hoạt đều có thể trở thành giai thoại, gây cảm động chứ không gây ngạc nhiên hay kinh sợ. Sự khắc kỷ, khiêm tốn, giản dị của Tôn Đức Thắng đã hàm chứa được cái đẹp, cái trọn vẹn trong đạo đức đời thường.
Bác Tôn là con người liêm khiết, trong sáng, sống ngay thẳng, chân thành; ghét sự xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa; chỉ biết ham học, ham làm, ham tiến bộ, vì ích quốc lợi dân. Bác không tham quyền, cố vị, thật sự chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nhiều ứng xử của Bác về địa vị, quyền lực đã trở thành huyền thoại. Khi mới ra tù (10-1945), có Hội nghị cán bộ Nam Bộ mở rộng. Khi được giới thiệu vào Ban Chấp hành Xứ ủy – Đảng bộ Nam Bộ, Bác kiên quyết từ chối, cho rằng mình mới ra tù, chưa hiểu biết tình hình nên chưa đảm đương được các nhiệm vụ. Nhưng hội nghị có ý kiến đề nghị Bác yên lòng, sau lưng Bác còn có Đảng và Nhân dân Việt Nam, Bác đã nhận nhiệm vụ và được phân công làm Cố vấn cho Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Bác ghét thói đặc quyền, đặc lợi; không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân. Trong thời kỳ làm Chủ tịch nước, sau khi Bác Tôn gái qua đời, Bác bảo hai cô con gái ra phố ở, để sau này khi Bác không làm việc nữa thì dễ trả lại nhà cho Chính phủ. Một hành động nhỏ, nhưng hàm chứa một đạo lý nhân sinh, mục đích sống cao đẹp, mà một người bình thường khi có chức, có quyền dễ gì mấy ai làm được, bởi lẽ vật chất bao giờ cũng có sức hấp dẫn ghê gớm.
Tấm gương yêu nước, giác ngộ cộng sản của Bác Tôn làm cho thế hệ trẻ ngày nay nhận thức rằng, họ có nhiều điều kiện rất thuận lợi để tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì họ sống trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa, được nuôi dưỡng trong tinh thần yêu nước, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Điều quan trọng là biết thể hiện như thế nào trong tư duy và hoạt động thực tiễn trong mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, khi hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Những vấn đề như vậy, không chỉ nhận thấy trong tấm gương trong sáng của Bác Tôn mà còn nghiên cứu học tập những điều mà người cộng sản vĩ đại của dân tộc đã nêu. Trong lời phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam, ngày 26-3-1960, Bác Tôn chỉ rõ: “không phải là một sự ngẫu nhiên mà tổ chức của những người thanh niên yêu nước cách đây 30 năm đã lấy cái tên đẹp đẽ là Đoàn Thanh niên Cộng sản để đặt cho tổ chức của mình. Cái tên đó chứng tỏ rằng từ lâu, thanh niên nước ta đã xác lập cho mình một lý tưởng vĩ đại là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đã mong muốn xây dựng một xã hội mới trên đất nước ta, một xã hội trong đó không còn người bóc lột người, mọi người sẽ được tự do, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để tạo nên một cuộc sống ấm no, sung sướng…
Cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là một tấm gương mẫu mực về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành, gần gũi đồng chí, đồng bào, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Di sản quý giá mà đồng chí Tôn Ðức Thắng để lại cho Ðảng ta, nhân dân ta là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam Bộ, là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam. Ðồng thời, ở đồng chí là sự hội tụ tinh túy của tinh thần yêu nước, thương dân, sự cảm thông, hòa đồng với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, dù khó khăn, gian khổ, không dao động, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân.
Bác Tôn của chúng ta - một con người yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành, tận tụy với Đảng, với dân tộc, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, một con người yêu nước chân chính gắn liền với tinh thần quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, một con người khiêm tốn và giản dị, tình nghĩa và thủy chung - đã sống và chiến đấu trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, những cống hiến to lớn và tấm gương đạo đức của Người là bài học quý giá cho mỗi chúng ta noi theo.
Nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam tự hào đã có Bác Tôn - một chiến sỹ cộng sản gương mẫu suốt đời vì nước quên thân, vì dân quên nhà. Bác đã sống một cuộc đời gian truân và đã chiến thắng vẻ vang. Cuộc đời Bác Tôn là cuộc đời trọn vẹn thủy chung với nước, với dân, với lý tưởng cộng sản, với bạn bè đồng đội, với bạn bè quốc tế và với gia đình.
Sự nghiệp đổi mới đất nước, con người Việt nam có nhiều đổi mới. Độc lập dân tộc được giữ vững, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã nở nhiều hoa, kết nhiều trái, con người Việt Nam trí tuệ hơn, bản lĩnh hơn nhưng phía trước còn muôn trùng gian truân, vất vả. Thế hệ Trẻ Việt Nam quyết noi gương sáng của Bác Tôn làm cho nước ta: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
TS. Lê Thị Hiền
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh