Khi có thể, vào chiều một ngày thứ bảy trong tháng, Bác Hồ mời Bác Tôn sang nhà sàn dùng cơm. Bác Hồ ra tận gốc cây sát bờ ao đón bạn và lên tiếng: “Chào Cụ!”, Bác Tôn chắp tay đáp lễ: “Chào cụ!” Với phong thái ung dung tự tại, hai vị lãnh tụ khoác tay nhau đi dạo trên con đường trải sỏi trong vườn… Được ngắm nhìn hình ảnh cảm động đó, ai cũng liên tưởng đến tình đoàn kết hai miền Nam-Bắc và tin tưởng vào ngày thống nhất đất nước đang đến gần.
Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX có sự kiện đặc biệt gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Được vinh dự phục vụ Bác Hồ và Bác Tôn trong nhiều năm, tôi thấy Bác Hồ và Bác Tôn đều hết lòng, hết sức vì cách mạng, vì nhân dân; cần, kiệm, giản dị trong sinh hoạt. Hai Bác đều xưng hô với nhau rất thân mật bằng đại từ “cụ”. Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ rất trân trọng Bác Tôn - người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung. Vào chủ nhật, Bác Hồ thường sang thăm gia đình Bác Tôn tại nhà số 35 Trần Phú, Hà Nội. Trong một lần đến thăm, thấy Bác Tôn ở tầng hai, phải đi lại cầu thang tốn sức, Bác Hồ nhắc chúng tôi: “Phải đưa Cụ xuống tầng dưới, ít phải đi lại, xuống hầm cũng nhanh hơn” (thời gian này miền Bắc đang có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ). Khi có thể, vào chiều một ngày thứ bảy trong tháng, Bác Hồ mời Bác Tôn sang nhà sàn dùng cơm. Bác Hồ ra tận chỗ gốc cây sát bờ ao đón bạn, và lên tiếng: “Chào Cụ!”, Bác Tôn chắp tay đáp lễ: “Chào cụ!” Với phong thái ung dung tự tại, hai vị lãnh tụ khoác tay nhau đi dạo trên con đường trải sỏi trong vườn… Được ngắm nhìn hình ảnh cảm động đó, ai cũng liên tưởng đến tình đoàn kết hai miền Nam - Bắc và tin tưởng vào ngày thống nhất đất nước đang đến gần.
Năm 1958, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Bác Tôn (20-8), Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định tặng Bác Tôn Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất. Tại lễ trao tặng, trước khi gắn tấm Huân chương Sao vàng lên ngực áo Bác Tôn, Bác Hồ rất vui và xúc động phát biểu: “… Đồng chí Tôn Đức Thắng 70 tuổi nhưng rất trẻ, đối với Đảng, đồng chí là 28 tuổi; đối với nước Việt Nam độc lập, đồng chí là 13 tuổi. Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, phục vụ nhân dân… Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.
Bác Tôn xúc động đáp từ: “Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc và yên vui của toàn thể nhân loại”.
Đến năm 1968, Bác Tôn tròn 80 tuổi, Bác Hồ đã đến chúc thọ người bạn già và tặng Bác Tôn hai câu thơ:
“Càng già, chí khí càng dai,
Chống Mỹ cứu nước ít ai hơn Già”
Bác Hồ rất quan tâm đến sức khỏe của Bác Tôn. Người thường căn dặn bác sĩ và cán bộ phải dành sự chăm sóc tốt nhất cho Bác Tôn. Bác Tôn là người năng hoạt động, tập luyện thể thao, rất thích đi xe đạp ra ngoại thành vào buổi sáng sớm. Biểt vậy, Bác Hồ dặn Bác Tôn lúc tập luyện, nhất là đi xe đạp phải thận trọng, bảo đảm an toàn. Những lần tiếp khách, đặc biệt là tiếp đại biểu Nam Bộ hay các cháu nhi đồng miền Nam vào thăm, Bác Hồ đều mời Bác Tôn củng dự. Những năm sức khỏe Bác Hồ giảm sút, bước chân đi không còn nhanh nhẹn như xưa, một lần cùng Bác Tôn xuất hiện trước đông đảo đồng bào, Bác Hồ bảo: “Để tôi nắm tay cụ cùng đi cho đồng bào khỏi thấy tôi yếu”. Câu nói đó của Bác Hồ khiến anh chị em phục vụ trào nước mắt.
Sau khi Bác Hồ qua đời, trong phiên họp đặc biệt trung tuần tháng 9-1969, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước. Khi nhận trọng trách này, Bác Tôn xúc đông phát biểu: “Được kế tiếp chức vụ của Hồ Chủ tịch là điều rất vinh quang đối với tôi”.
Phạm Như Hùng
Số 9 – C10 – Kim Giang - Thanh Xuân – Hà Nội
(Theo Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước kể)