Bộ Chính trị kết luận về kết quả kiểm tra việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về Ðề án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Chính trị cơ bản tán thành với những đánh giá, nhận định của đoàn kiểm tra về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và nhấn mạnh một số vấn đề: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã nghiêm túc tổ chức quán triệt sâu rộng và có chương trình cụ thể triển khai các Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, chỉ đạo kiên quyết, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vị trí, vai trò và sự cần thiết sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp và toàn xã hội. Doanh nghiệp nhà nước giảm về số lượng, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn tăng, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Tuy nhiên, một số nơi nhận thức chưa thật đầy đủ về yêu cầu khách quan cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; một số cơ chế, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với điều kiện mới; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp; có doanh nghiệp tỷ lệ nợ trên vốn rất cao, không an toàn; đầu tư còn dàn trải, việc phát triển một số ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính của doanh nghiệp, dẫn đến phân tán nguồn vốn vốn đã ít và chứa đựng thêm nhiều rủi ro trong kinh doanh; trình độ công nghệ, năng suất lao động của khá nhiều doanh nghiệp còn thấp; việc đổi mới tổ chức quản lý trong doanh nghiệp nhà nước còn chậm; sức cạnh tranh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước... Sau khi nêu lên những thành tựu và những mặt hạn chế bản kết luận đã chỉ rõ: Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương và sự chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả và vai trò của doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào một số việc chủ yếu sau: Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX), Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng và các kết luận của Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và vị trí của doanh nghiệp nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới. Hai là, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và đổi mới hoạt động của bản thân doanh nghiệp nhà nước. Ba là, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; sớm hoàn thành việc đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, có biện pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp. Bốn là, đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh. Tổ chức, sắp xếp các tổng công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để thành lập các tổng công ty nhà nước đủ mạnh và tiếp tục thí điểm các tập đoàn đang có để các đơn vị này thực sự là công cụ của Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải trên cơ sở cơ chế thị trường. Có cơ chế tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thực hiện các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước. Năm là, chăm lo việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có cơ chế đãi ngộ, thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp; mở rộng các hình thức hợp đồng thuê các cán bộ quản lý giỏi đã nghỉ hưu; nghiên cứu chế độ kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số cán bộ quản lý giỏi ở một số ít lĩnh vực quan trọng. Sáu là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước. Kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh để xử lý có hiệu quả. Về hoàn thiện mô hình Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, bản kết luận nêu rõ: Những kết quả sau gần bốn năm hoạt động Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã tiếp tục khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Ðảng trong quá trình đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng còn có những hạn chế, cần phải khắc phục, nhất là những hạn chế về định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp, cơ chế quản lý doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, về việc phân định rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, về vấn đề sử dụng vốn nhà nước tại Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để đầu tư vào những lĩnh vực thật sự cần thiết... Trong thời gian tới, cần tập trung củng cố hoạt động của Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để làm tốt chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực sự là công cụ, một kênh truyền vốn để Nhà nước chủ động trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực thật sự then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; đồng thời góp phần quản lý vốn và tài sản nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoạt động hiệu quả trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, hướng hoạt động. Nghiên cứu để sớm chỉ định một cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Củng cố, đổi mới tổ chức bộ máy của Tổng Công ty, có cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi; thay đổi cơ cấu Hội đồng Quản trị theo hướng giảm các thành viên kiêm nhiệm, bổ sung thêm thành viên là các nhà kinh doanh chuyên nghiệp; cho phép thuê một số chuyên gia đầu tư tài chính tham gia điều hành công ty. Trước mắt, ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất