Từ Đại hội đến Đại hội

Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt cho 600 đảng viên thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài.

Đại hội thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về mặt trận phản đế, về đội tự vệ, về các dân tộc ít người... và Điều lệ của Đảng, điều lệ của các tổ chức quần chúng của Đảng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 uỷ viên. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương cử Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản  Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bộ “Tự ý giải tán” nhằm phù hợp với tình thế phức tạp sau khi giành được chính quyền, nhưng vẫn duy trì phương thức lãnh đạo “khôn khéo”, “kín đáo”.


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II
họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Trong những ngày họp trù bị, Đại hội đã thảo luận, bổ sung Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương. Đại hội họp công khai từ ngày 11 đến 19-2-1951. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 761.000 đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội có các đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.

Đại hội thảo luận Báo cáo Chính trị do đồng chí Hồ Chí Minh trình bày, báo cáo Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày, báo cáo về các tổ chức và Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Văn Lương trình bày và báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, về chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính và về văn nghệ.

Đại hội quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội quyết định sẽ tổ chức ở Lào và Căm-pu-chia mỗi nước một đảng cách mạng riêng, phù hợp với đặc điểm của từng nước. Đại hội thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ của Đảng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 7 uỷ viên chính thức, 1 uỷ viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư để giải quyết công việc hằng ngày của Đảng. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
của Đảng họp tại Hà Nội. Sau họp nội bộ, Đảng đã họp công khai từ ngày 5 đến 10-9-1960. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 55 vạn đảng viên trong toàn Đảng và đại biểu của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự Đại hội có gần 20 đoàn đại biểu các đảng anh em trên thế giới. 

Đại hội đã thảo luận Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn trình bày. Đại hội xác định hai nhiệm vụ cách mạng: Miền Bắc giữ vững hoà bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN, miền Nam đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đại hội nhất trí thông qua nhiệm vụ và hướng phương phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), thông qua Điều lệ sửa đổi của Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết, trong đó có 3 đồng chí nữ, 3 đồng chí người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 7 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

                                                                                                                                                (Còn nữa) 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất