Về việc tổ chức kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính cơ quan đảng, đoàn thể năm 2010
Thực hiện Kế hoạch số 102-KH/BTCTW ngày 29-7-2010 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tổ chức các kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính và tương đương cơ quan đảng, đoàn thể năm 2010, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính như sau (1):
1. Đối tượng dự thi
Công chức đang công tác ở các cơ quan đảng, đoàn thể (gồm cả cơ quan công đoàn) từ trung ương đến cấp huyện và tương đương, hiện hưởng lương ở ngạch chuyên viên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ.
2. Phân bổ chỉ tiêu
Căn cứ tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị và việc tổ chức thi nâng ngạch các năm trước, ………………………………………..……………...…….……………..… được phân bổ  ….  chỉ tiêu.
Để từng bước tiếp cận nguyên tắc cạnh tranh (trong cùng cơ quan quản lý công chức) của Luật cán bộ, công chức, kỳ thi năm nay các cơ quan, đơn vị được cử số công chức dự thi tăng thêm (nếu có nhu cầu) không quá 20% so với chỉ tiêu được phân bổ (các cơ quan, đơn vị được phân bổ dưới 5 chỉ tiêu thì không cử thêm công chức dự thi).
3. Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi
3.1. Điều kiện
- Cơ quan, đơn vị quản lý công chức có nhu cầu công việc và vị trí làm việc của ngạch chuyên viên chính.
- Công chức đang ở ngạch chuyên viên, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách và nhiệm vụ của ngạch chuyên viên chính; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không trong thời gian thi hành kỷ luật; được cơ quan nhận xét hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liên tục gần nhất và cử dự thi nâng ngạch.
- Về thời gian giữ ngạch: Công chức có từ đủ 9 năm trở lên giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương[2] (tính từ ngày được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc tương đương đến ngày 01/12/2010).
- Về hệ số lương: Công chức có hệ số lương từ 3,66 trở lên của ngạch chuyên viên (tính đến ngày 01/12/2010).
3.2. Tiêu chuẩn
3.2.1. Về trình độ chuyên môn: Có bằng tốt nghiệp đại học (trở lên).
3.2.2. Về trình độ lý luận chính trị: Có bằng trung cấp lý luận chính trị (trở lên), hoặc:
- Đang học cao cấp chính trị hoặc cử nhân chính trị được 1/2 chương trình trở lên, có xác nhận của cơ sở đào tạo;
- Có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương trung cấp lý luận chính trị trở lên (theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư).
3.2.3. Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B (trở lên) hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
Các trường hợp được miễn chứng chỉ ngoại ngữ:
- Công chức có tuổi đời từ đủ 55 trở lên đối với nam và từ đủ 50 trở lên đối với nữ (tính đến ngày 31/12/2010);
- Công chức là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số hoặc công chức đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.
3.2.4. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể hoặc quản lý nhà nước và được cơ quan, đơn vị xác nhận đã chủ trì hoặc tham gia các đề án, công trình nghiên cứu trong lĩnh vực công tác được giao.
4. Nội dung bồi dưỡng kiến thức dự thi
Gồm 6 chuyên đề:
- Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị;
- Một số vấn đề về xây dựng Đảng trong tình hình mới;
- Hành chính nhà nước và cải cách hành chính;
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân;
- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những vấn đề toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế;
- Công vụ-công chức, kỹ năng xây dựng văn bản.
5. Các môn thi, nguyên tắc tính điểm và xác định trúng tuyển
5.1. Các môn thi và hình thức thi
Gồm 3 môn: Thi viết (180 phút, đề thi mở, người thi được sử dụng tài liệu); thi vấn đáp (tối đa 20 phút); thi thực hành tin học văn phòng (30 phút, kỹ năng soạn thảo văn bản).
Miễn thi môn tin học đối với công chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
5.2. Nguyên tắc tính điểm
Các môn thi chấm theo thang điểm 10; môn thi viết tính hệ số 2, môn thi vấn đáp và thi thực hành tin học văn phòng tính hệ số 1.
 5.3. Xác định người đạt kết quả kỳ thi và người trúng tuyển
- Người đạt kết quả kỳ thi là người thi đủ các môn thi và có số điểm của mỗi môn thi từ 5,0 trở lên (người không đạt kết quả kỳ thi là người không thi đủ các môn thi hoặc có môn thi dưới 5,0 điểm).  
- Người trúng tuyển (được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính) là người đạt kết quả kỳ thi, có tổng số điểm thi cao nhất trở xuống trong chỉ tiêu được phân bổ của từng cơ quan, đơn vị.
Trường hợp nhiều người có tổng số điểm thi bằng nhau và nhiều hơn số chỉ tiêu còn lại, việc xác định người trúng tuyển căn cứ một trong những nguyên tắc sau:  
+ Người có điểm thi viết cao hơn;
+ Người có điểm thi vấn đáp cao hơn;
+ Người có quá trình công tác nhiều hơn.  
(Người không trúng tuyển trong kỳ thi này không được bảo lưu kết quả thi cho các kỳ thi sau).
6. Thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức kỳ thi
6.1. Thời gian và địa điểm
Kỳ thi được tổ chức 2 đợt tại 2 khu vực (phía Bắc và phía Nam), mỗi đợt tập trung khoảng 2 tuần:
- Đợt 1 dự kiến đầu tháng 11, tại Hà Nội (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), gồm các tỉnh, thành từ Quảng Bình trở ra và các cơ quan Trung ương ở phía Bắc;
- Đợt 2 dự kiến cuối tháng 11, tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm các tỉnh, thành còn lại (từ Quảng Trị trở vào) và các cơ quan Trung ương ở phía Nam.
6.2. Kinh phí
Gồm phí dự thi (thực hiện theo Thông tư số 101/TTLT-BTC-BNV ngày 29/10/2003 của Liên Bộ Tài chính-Nội vụ) và chi phí cho việc bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn ôn thi, mua tài liệu... Các cơ quan, đơn vị nộp phí dự thi và mua tài liệu vào ngày tập trung công chức dự thi.
Thời gian tập trung, mức kinh phí dự thi sẽ thông báo trong giấy triệu tập.
7. Hồ sơ đăng ký dự thi
- Hồ sơ cá nhân gồm:
+ Bản đăng ký dự thi nâng ngạch, có nhận xét của cơ quan, đơn vị và dán ảnh 3 x 4 (mẫu số 1).
+ Bản sao có công chứng hoặc chứng thực các văn bằng, chứng chỉ, quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc quyết định lương bầu cử và quyết định lương hiện hưởng.
- Các cơ quan, đơn vị căn cứ chỉ tiêu được phân bổ để cử công chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi, gửi công văn kèm theo danh sách (mẫu số 2) và hồ sơ của công chức đăng ký dự thi về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ), số 2A Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội trước ngày 10-9-2010. Riêng danh sách công chức dự thi (mẫu số 2) đồng gửi về địa chỉ Email: VuCSCB_btctw@yahoo.com.vn.
Công văn này và các mẫu biểu kèm theo được đăng trên Website Tạp chí Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, địa chỉ: www.xaydungdang.org.vn (mục Văn kiện-Tư liệu). Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ, điện thoại: 080.45077; 080.45522; 080.45016).                   
               K/T TRƯỞNG BAN
                 PHÓ TRƯỞNG BAN
                                                                                          Nguyễn Văn Quynh
                                                                                                  (Đã ký)
--------------------------
1. Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính, nghiên cứu viên chính, biên tập viên chính, phóng viên chính, bình luận viên chính cơ quan đảng, đoàn thể năm 2010.
2. Các chức danh tương đương được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ; cán bộ hưởng lương bầu cử có đủ tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên quy định tại Quyết định số 450-QĐ/TCTW ngày 22-12-1998 của Ban Tổ chức Trung ương.

DOWNLOAD MẪU ĐĂNG KÝ

Mẫu đăng ký dự thi nâng ngạch
(Mẫu số 1)
Mẫu đăng ký dự thi nâng ngạch (Mẫu số 2)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất