Quyết định số 321-QĐ/TW, ngày 06-8-2010 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

QUYẾT ĐỊNH

ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X;

- Xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Thay thế Quy trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của tổ chức đảng hoặc đảng viên (ban hành kèm theo Quyết định số 174-QĐ/TW, ngày 08-7-2008 của Bộ Chính trị) bằng Quy trình ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ Quy trình ban hành kèm theo Quyết định này để ban hành quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của tổ chức đảng hoặc đảng viên thuộc thẩm quyền của cấp mình cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương; lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

 

                                                                                            T/M BỘ CHÍNH TRỊ

                                                                                                Trương Tấn Sang
                                                                                                       (đã ký)



--------------------


QUY TRÌNH

giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(Ban hành kèm theo Quyết định số 321-QĐ/TW,

ngày 06-8-2010 của Bộ Chính trị)

A- BƯỚC CHUẨN BỊ

1- Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (gọi là đoàn kiểm tra). Trưởng đoàn kiểm tra là đồng chí thành viên Ủy ban Kiểm tra ttw hoặc lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương. Trường hợp người khiếu nại là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng trở lên thì Trưởng đoàn kiểm tra là đồng chí Ủy viên Ban Bí thư hoặc Ủy viên Bộ Chính trị.

2- Đoàn kiểm tra nghiên cứu đơn khiếu nại, yêu cầu tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật, đã giải quyết khiếu nại kỷ luật mà tổ chức đảng, cá nhân bị kỷ luật còn khiếu nại cung cấp hồ sơ; phân công thành viên nghiên cứu hồ sơ thi hành kỷ luật hoặc hồ sơ giải quyết khiếu nại, tóm tắt nội dung khiếu nại.

3- Đoàn kiểm tra xây dựng kế hoạch, lịch trình kiểm tra, thẩm tra, xác minh, nội quy hoạt động; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí, cơ quan có đồng chí lãnh đạo là trưởng đoàn kiểm tra bảo đảm phương tiện cho đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

B- BƯỚC TIẾN HÀNH

1- Đoàn kiểm tra làm việc với đại diện tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật và đã giải quyết khiếu nại kỷ luật mà tổ chức đảng, cá nhân còn khiếu nại lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch trình tiến hành và yêu cầu cử cán bộ phối hợp; đồng thời nghe các tổ chức đảng trên báo cáo và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại.

2- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, xác minh.

- Làm việc với đại diện tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại (gọi tắt là đối tượng khiếu nại), với các tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Làm việc với đại diện tổ chức đảng đã đề nghị thi hành kỷ luật để thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để làm rõ vụ việc, nếu cần giám định kỹ thuật, chuyên môn thì trưởng đoàn xem xét, quyết định.

- Làm việc với đại diện tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật lần đầu và tổ chức đảng vừa giải quyết khiếu nại mà tổ chức đảng, cá nhân chưa đồng tình còn khiếu nại lên Trung ương để trao đổi về nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân của vi phạm; làm rõ những điểm khác nhau giữa nội dung khiếu nại kỷ luật với quyết định kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu nại; việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục trong xem xét thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại, yêu cầu các tổ chức đảng đó nêu rõ chính kiến văn hóa nội dung và hình thức kỷ luật bằng văn bản.

Trường hợp có tình tiết mới dẫn đến thay đổi bản chất của sự việc thì làm việc với các tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật, đã giải quyết khiếu nại kỷ luật để làm rõ nội dung vi phạm, biểu quyết bằng phiếu kín đề nghị chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật.

3- Tổ chức hội nghị với tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại mà tổ chức đảng, cá nhân còn khiếu nại lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Đoàn kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh để hội nghị thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín về đề nghị chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng.

4- Đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh những vấn đề chưa rõ hoặc có ý kiến khác nhau giữa đoàn kiểm tra với đối tượng khiếu nại và tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật, đã giải quyết khiếu nại kỷ luật. Hoàn chỉnh báo cáo giải quyết khiếu nại, trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (qua Văn phòng Trung ương Đảng).

5- Văn phòng Trung ương Đảng sao, gửi báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại đến các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư (nếu Ban Bí thư họp xét khiếu nại), các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (nếu Bộ Chính trị họp xét khiếu nại) trước cuộc họp ít nhất 3 ngày; hoặc gửi các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (nếu Ban Chấp hành Trung ương họp xét khiếu nại) trước cuộc họp ít nhất từ 7 đến 10 ngày).

C- BƯỚC KẾT THÚC

1- Tổ chức hội nghị Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.

a) Thành phần: Đại diện đoàn kiểm tra; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và tổ chức đảng có liên quan.

b) Nội dung

Đoàn kiểm tra thông báo kết quả giải quyết khiếu nại: trình bày đầy đủ kết quả thẩm tra, xác minh; ý kiến của đối tượng khiếu nại; ý kiến và đề nghị của tổ chức đảng có liên quan (kể cả những ý kiến khác nhau) và ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trường hợp khiếu nại do bị kỷ luật khai trừ thì báo cáo thêm về phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm công tác và việc chấp hành chính sách, pháp luật của người khiếu nại từ khi bị khai trừ đến thời điểm giải quyết khiếu nại.

- Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Đoàn kiểm tra chuẩn bị quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật gửi Văn phòng Trung ương Đảng để hoàn thiện, trình đồng chí lãnh đạo thay mặt Ban Bí thư hoặc Ban Chấp hành, Ban Chấp hành Trung ương ký, ban hành.

2- Đại diện Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông báo hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kết luận đến đối tượng khiếu nại và các tổ chức đảng có liên quan để thực hiện. Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật của Trung ương.

3- Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm; hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất