Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1320/QĐ-BHXH về Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong giai đoạn 2021-2025 của Ngành BHXH Việt Nam.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của BCH Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, tại Chương trình hành động nêu trên, ngành BHXH Việt Nam xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
- Phấn đấu số người tham gia BHXH đạt tỷ lệ 45% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
- Phấn đấu số người tham gia BHTN đạt tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
- Phấn đấu số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 95% dân số tham gia.
Để đạt được những mục tiêu cụ thể nêu trên, BHXH Việt Nam đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 102/NQ-CP, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết 125, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH và Nghị quyết số 01/NQ-CP hằng năm của Thủ tướng Chính phủ.
2. Toàn Ngành BHXH Việt Nam chủ động, nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, tìm ra các giải pháp để phát triển và mở rộng các đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT hoàn thành chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
3. Đổi mới công tác tuyên truyền về cả nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, sẽ tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
4. Triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4-8-2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam theo các nội dung đã xây dựng tại Kế hoạch số 2575/KH-BHXH ngày 12-8-2020 của BHXH Việt Nam về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 89/2020/NĐ-CP Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.
5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các lĩnh vực; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử, quản lý và sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trực liên thông của Chính phủ.
6. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ hầng; hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ; các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; cập nhật hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; hoàn thiện các quy tắc quản lý, khai thác, phân cấp sử dụng các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; hoàn thiện hệ thống kho dữ liệu Ngành phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo phục vụ cho việc hỗ trợ ra quyết định, xây dựng các kế hoạch, chiến lược của Ngành BHXH Việt Nam; tiếp tục kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ cho công chức, viên chức trong Ngành.
7. Nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.
8. Tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN và quản lý người hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo giải quyết chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHTN.
9. Tiếp tục thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế của Ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 banh hành kèm Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 20-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin đối ngoại nhằm khẳng định, vai trò, vị thế và hình ảnh Ngành BHXH Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực thế giới, hướng tới sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo vì mục tiêu sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp an sinh xã hội bền vững, hiệu quả tại Việt Nam.
10. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức; tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị cho phù hợp với yêu cầu; đánh giá viên chức, người lao động trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công tác.
Trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện và cụ thể hoá thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Định kỳ hằng năm đánh giá tình hình triển khai thực hiện và kết quả thực hiện Chương trình hành động, xây dựng báo cáo gửi Vụ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.
P.V