Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Cải cách chính sách BHXH - Hướng tới BHXH toàn dân” nhằm cung cấp thêm thông tin về các chính sách BHXH trong thời gian tới theo Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, chưa hướng đến BHXH toàn dân, sự kết nối giữa chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia...
Để khắc phục tình trạng trên, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH.
Việc Đảng, Nhà nước cải cách, mở rộng chính sách BHXH chính là mở ra thêm cơ hội cho toàn dân tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và “Hướng tới BHXH toàn dân”. Tuy nhiên, đi cùng với đó là rất nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra.
Nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và người dân có thể hiểu hơn về các chính sách BHXH sẽ được cải cách, đổi mới, ngày 3-8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Cải cách chính sách BHXH - Hướng tới BHXH toàn dân”.
Khách mời của Tọa đàm:
- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
Thưa các vị khách mời, trước đây, Bộ Chính trị khóa XI cũng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020”. Mục tiêu là “Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Hiện nay với việc Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, có ý kiến cho rằng đây vừa là cơ hội mới cũng vừa là thách thức cho các Bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc hoạch định và xây dựng chính sách pháp luật để hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. Quan điểm của các vị khách mời như thế nào về ý kiến này?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội.
Chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn để thực hiện chính sách BHXH và chúng ta đã sửa đổi luật rất nhiều lần. Nhưng đến giờ phút này, chúng ta mới bao phủ được 29% lực lượng lao động tham gia hệ thống BHXH. Chúng ta thực hiện chính sách đảm bảo lương hưu, thực hiện các chính sách tốt như vậy nhưng tại sao xu hướng người dân tham gia BHXH không nhanh, tốc độ lại chậm? Đây chính là thách thức cho hệ thống an sinh xã hội.
Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã mở ra thời kỳ mới cho mọi người được tham gia vào hệ thống BHXH; đáp ứng yêu cầu Hiến pháp năm 2013, Điều 34 có nêu: Công dân Việt Nam phải có quyền được đảm bảo an sinh xã hội và Đảng, Nhà nước đưa ra một mô hình mới của BHXH, từ đơn tầng sang đa tầng. Đây chính là sự linh hoạt, kết nối giữa các loại hình BHXH. Cuối cùng, Đảng Nhà nước ta xem việc chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đó là quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước. Không có lý gì chúng ta không xem đây là cơ hội để chúng ta thực hiện tốt chính sách cho người dân và đảm bảo lợi ích cho người dân tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Minh: Lần đầu tiên Trung ương ban hành Nghị quyết có nội hàm là cải cách chính sách BHXH. Tất nhiên, một cải cách sâu rộng sẽ tạo ra nhiều thách thức. Đặc biệt, với những cơ quan có liên quan đến công việc này, khối lượng công việc lớn hơn, tinh thần thái độ làm việc phải tốt hơn, quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân thuận lợi hơn.
Nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 28, chắc chắn quyền lợi người dân tăng lên rất nhiều.
Thưa bà Nguyễn Thị Minh, đến thời điểm hiện nay, có thể nói chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH” như Nghị quyết số 21 đã đề ra. Nghị quyết số 28 đã điều chỉnh các mục tiêu cụ thể gồm: Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là 60%”. Như vậy, có thể nói ngành BHXH đang gặp khó khăn nhất định trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa bà!
Bà Nguyễn Thị Minh: Phát triển BHXH không phải công việc của riêng ngành BHXH mà tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính vì vậy, Đảng đã ban hành Nghị quyết 28 thể hiện sự quan tâm sâu sắc toàn diện. Trong nội hàm của Nghị quyết 28 có nêu rõ công việc của tất cả các ngành, các cấp. Chúng tôi nhận thấy công việc ngành BHXH đảm nhận rất lớn, nhất là việc phát triển đối tượng mà quan trọng nhất là phải làm cho mỗi người dân nhận thức đúng đắn về chính sách này và quyền lợi của người dân được bảo đảm nâng cao như thế nào.
Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, từ những nguyên nhân mà bà Minh vừa nêu, theo ông, gốc rễ căn bản mà chúng ta cần đổi mới, khắc phục là gì để có thể thực hiện được các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 28 đã đặt ra và xa hơn là mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói, mục tiêu chúng ta đạt được 50% lực lượng lao động tham gia BHXH năm 2020 là rất khó, thậm chí 35% cũng rất khó khăn nhưng đây là quyết tâm chính trị. Theo tôi, chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu trong chính sách của Đảng Nhà nước về an sinh xã hội. Người dân tham gia hệ thống an sinh xã hội thể hiện không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm đối với xã hội. Một mình BHXH không thể chuyển biến được tình hình, việc này phải cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo Nghị quyết số 28, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng với “Nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Đây là điểm mới. Tuy nhiên, phần lớn người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt lại tập trung trong nhóm lao động phi chính thức. Vậy đây có phải một thách thức rất lớn đối với mục tiêu BHXH toàn dân?
Bà Nguyễn Thị Minh: Tôi nghĩ đây là điểm khó nhất vì nhóm này không phải khu vực chính thức quản lý nên nắm bắt được rất là khó. Vì vậy cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan, chính sách khác để động viên người dân tham gia.
Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này và giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông Bùi Sỹ Lợi?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Nghị quyết Trung ương lần này bổ sung 4 nhóm đối tượng nhưng quan trọng là nhóm đối tượng linh hoạt, chính là 37 triệu lao động mà chúng ta gọi là khu vực phi chính thức.
Trong tư tưởng của những người tham gia BHXH tự nguyện thì người ta cho rằng chi phí quản lý bảo hiểm của chúng ta là “ăn trong tiền đóng BHXH”. Đó là nhận thức sai vì toàn bộ tiền đóng BHXH của người dân được tập trung thống nhất quản lý và tiền đó được đầu tư tăng trưởng. BHXH chỉ được trích một tỷ lệ rất nhỏ để chi phí quản lý bộ máy.
Trong khoảng 34 triệu lao động phi chính thức thì chủ yếu là lao động trong khu vực nông nghiệp. Họ không có thu nhập ổn định và thu nhập của họ ở mức thấp nên việc tham gia BHXH cũng gặp khó khăn. Vậy Nhà nước có chính sách hỗ trợ nào cho họ khi tham gia BHXH tự nguyện?
Bà Nguyễn Thị Minh:Tới đây, khi triển khai Nghị quyết 28, các chính sách sẽ hoàn thiện hơn.
Chính sách đóng bảo hiểm từ trước đến nay rất ổn định nhưng giờ thu nhập của họ không ổn định thì tạo điều kiện cho họ đóng theo kiểu không ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng tôi sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững, đế vững thì phải rất rộng nhưng mức đóng có thể thấp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sau này, chúng tôi sẽ phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH. Với những người dân không có điện thoại thông minh, chúng tôi có những đại lý tiếp cận thông tin về quyền lợi người dân hưởng như thế nào. Tôi cho rằng nếu đồng bộ toàn diện những giải pháp như thế thì chắc chắn những mục tiêu sẽ có thể đạt được.
Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, ông đã đề xuất cần thay đổi lại cơ cấu hỗ trợ mức đóng của Nhà nước cho người dân tham gia BHXH, cụ thể là bằng 30% mức đóng đối với người thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho hộ khác để khuyến khích, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Vậy, tại sao chúng ta điều chỉnh các mức hỗ trợ, thưa ông?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Hộ cận nghèo, người ta đã nghèo rồi thì làm gì có 30% để nộp BHXH. Nếu người ta có, người ta đã không thuộc hộ nghèo và không cần đến Nhà nước... Vì vậy tôi cũng đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu để tạo cơ hội cho người dân. Chúng ta phải tính toán, nghiên cứu, khảo sát khả năng của dân tham gia đến mức độ nào. Ngành BHXH phải tiếp tục vươn lên đổi mới về công nghệ, tin học với phong cách làm việc phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất như hiện nay chúng ta đã làm.
Có nhiều ý kiến đang lo ngại cho rằng nếu giảm thời gian đóng thì liệu số tiền đóng trong 15 năm hay 10 năm đó có đủ cho họ hưởng một mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống hằng ngày không, thưa ông Bùi Sĩ Lợi?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Nghị quyết 12 Đại hội XII của Đảng trong phần 8 về an sinh xã hội có đề cập Nhà nước phải đảm bảo các dịch vụ cơ bản tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông), nghĩa là lương hưu chỉ còn đảm bảo lương thực, thực phẩm mà không bao gồm các yếu tố giáo dục, nhà ở và các yếu tố khác nên nó không đòi hỏi phải cao đến mức cần thiết.
Trong triển khai chính sách, luật cũng đã quy định, anh có thể đóng trước 5 năm, đóng sau 5 năm. Vì vậy nếu với 15 năm đủ điều kiện đóng BHXH, thì có thể đóng 10 năm, sau đó xin đóng trước 5 năm cộng thêm lãi suất của 5 năm đó, xin đóng sau 5 năm cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng BHXH. Đấy là chính sách mà chúng ta phải nghiên cứu rất kĩ.
Bà Nguyễn Thị Minh: Tôi cho rằng không nên cầu toàn bởi nếu cầu toàn thì rất khó phát triển tầng đế rộng, hướng tới BHXH toàn dân. Giai đoạn đầu có thể mở ra mức đóng ít hơn và hưởng trợ cấp lương hưu xã hội ở mức ít nhưng người dân vẫn vững tin vào khoản lương hưu khi về già. Phải xác định một sàn tối thiểu để nhà nước bảo đảm, nếu như người dân không đóng đủ sau khi huy động các nguồn lực để đảm bảo sàn lương hưu tối thiểu thì nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ.
Chúng tôi đề xuất hỗ trợ ngay từ khi đóng. Nếu chính sách linh hoạt hơn, tuyên truyền tốt hơn, các hệ thống chính trị cùng vào cuộc,... tôi tin chúng ta có thể tiệm cận được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, trong Nghị quyết 28 đã đề cập: “Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần” nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH lâu dài. Có ý kiến cho rằng, nếu vậy, người lao động sẽ phải cân nhắc giữa nhận BHXH một lần và bảo lưu, tiếp tục tham gia BHXH. Vậy ông, có khuyến cáo gì với người lao động?
Ông Bùi Sĩ Lợi: BHXH chính là của để dành, được Nhà nước bảo hộ. Nghị quyết Trung ương đề cập nâng mức hưởng của tuổi nghỉ hưu tức là chính sách bảo lưu của BHXH nâng lên và phải sửa luật.
Bởi, đến bây giờ, người hưởng bảo hiểm 1 lần vẫn bị thiệt nhưng họ không biết rằng người lao động đóng 22%, một năm người ta đóng 2,64 tháng lương nhưng khi về chỉ được thanh toán 2 tháng.
Chúng ta phải điều chỉnh luật bằng cách người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất; doanh nghiệp đóng cho họ 14% (đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động). Người lao động muốn hưởng BHXH một lần cũng được nhưng sẽ chỉ lấy 8% mà mình đóng. Quan trọng, chúng ta phải tuyên truyền cho người dân tự nhận thức thấy hưởng BHXH 1 lần là không nên.
Nghị quyết số 28/NQ-TW đã nêu rõ, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề luôn được dư luận xã hội, người dân quan tâm. Ông có thể lý giải về chủ trương này và thông tin về các phương án tăng tuổi nghỉ hưu?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động và Bộ luật này sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang đưa ra các kịch bản 58 - 62 tuổi, 60- 62 tuổi, 58- 65 tuổi và mỗi một năm thì tăng một số tháng. Đây mới là kịch bản để lấy ý kiến.
Quan điểm của bà Minh về vấn đề trên như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh: Tôi khẳng định việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải vì lo sợ vỡ quỹ hay thiếu tiền, nâng tuổi là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam từ năm 1960 đến nay tăng rất nhiều. Thứ 2 là quan hệ đóng-hưởng. Tất nhiên, chúng ta phải nghiên cứu kĩ đối với từng nhóm ngành nghề, từng đối tượng để điều chỉnh.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu như tăng tuổi nghỉ hưu thì giới trẻ sẽ khó có cơ hội tìm việc làm và thăng tiến. Quan điểm của ông Lợi về ý kiến này như thế nào? Ông có thể lý giải để làm rõ thêm?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu nó sẽ cản trở lực lượng lao động trẻ. Quan trọng là tất cả việc chúng ta làm phải công khai, minh bạch. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện giảm nhẹ biên chế, người chưa đến độ tuổi về hưu được hưởng 200 triệu đồng hoặc hưởng lương hưu. Vậy ai sẽ là người bù vào số năm chưa đóng đủ bảo hiểm của họ? Hiện nay, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa tuổi hưu và tuổi nghề. Đây là vấn đề phải quan tâm, xử lý.
Bà Nguyễn Thị Minh: Tôi cho rằng, cơ hội để lớp trẻ phấn đấu thì không chỉ riêng khu vực nhà nước. Với tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay thì giới trẻ không thiếu việc làm. Các bạn có thể tích lũy kinh nghiệm đến độ tuổi nào đó chúng ta thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo, biên chế trong nhà nước nếu đáp ứng đủ yêu cầu.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và nhất là BHXH Việt Nam, cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Ngành BHXH sẽ làm gì để đưa Nghị quyết số 28/NQ-TW vào cuộc sống, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Minh: Chúng tôi đã có những chương trình hành động sau khi Nghị quyết được ban hành. Nhiệm vụ đầu tiên là tuyên truyền Nghị quyết 28.
Bên cạnh đó, ngành BHXH sẽ thay đổi cách thức tuyên truyền để tiếp cận với người dân.
Ví dụ, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ cùng với Tổng Công ty Bưu điện gắn biểu tượng, hình ảnh thể hiện lợi ích tham gia BHXH trên các xe chuyển thư, hoặc chúng tôi sẽ đến các khu công nghiệp, khu chế xuất,... các khu có tiềm năng phát triển BHXH để tập trung tuyên truyền.
Thứ hai, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các ứng dụng BHXH để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Thứ ba, chúng tôi sẽ cải cách quy trình nghiệp vụ để thuận lợi nhất cho người dân. Chủ đề mà chúng tôi đặt ra trong năm 2018 là “Hướng tới sự hài lòng của người dân”.
Cổng TTĐT Chính phủ