Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội thảo
Chưa phát huy hết tiềm năng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, chính sách BHXH tự nguyện ra đời hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, hiện toàn quốc mới chỉ có gần 200.000 người tham gia, còn quá thấp so với tiềm năng và mục tiêu đề ra.
Những năm qua, ngành BHXH luôn quan tâm đến công tác phát triển đối tượng. Theo Phó Tổng Giám đốc, năm 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc rất thấp (chỉ có gần 8 triệu người tham gia), nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong giao chỉ tiêu cho từng địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đến nay đã có những chuyển biến mạnh mẽ, với gần 15 triệu người tham gia, đạt mục tiêu Chính phủ giao. Từ đó, có thể thấy, việc phát triển BHXH tự nguyện cũng cần sự quyết tâm, quyết liệt và tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện.
“Hôm nay, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo này để cùng Bưu điện và các đơn vị liên quan, hệ thống đại lý chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp, con đường ngắn nhất để tiếp cận, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Mọi ý kiến, đề xuất, giải pháp của các đại biểu tại Hội thảo đều rất quý giá để BHXH Việt Nam xây dựng một bộ quy trình chuẩn về phát triển BHXH tự nguyện cho cả nước”- Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỉ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý…
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Minh Đức- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện cũng cho biết, hệ thống Bưu điện đang là một kênh đại lý lớn của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian qua, Bưu điện đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Từ đầu năm 2018, Bưu điện Việt Nam đã thí điểm triển khai hình thức phát triển BHXH tự nguyện mới qua việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo hình thức thương mại ở 20 tỉnh, thành phố.
Kết quả, đến 26/10/2018, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức được 336 hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện và đã vận động được gần 8.000 người tham gia mới. Cho thấy, hình thức tuyên truyền, vận động mới đem lại hiệu quả rất khả quan. Trong những tháng còn lại của năm 2018, Bưu điện Việt Nam phấn đấu tổ chức thêm 730 hội nghị nữa, với kỳ vọng phát triển được hơn 18.000 người tham gia mới. Sang năm 2019, Bưu điện đặt mục tiêu tổ chức hơn 8.780 hội nghị tuyên truyền, vận động về BHXH tự nguyện với 219.600 người tham gia mới.
“Đây là mục tiêu rất tham vọng và Bưu điện sẽ quyết tâm thực hiện để phối hợp cùng ngành BHXH hoàn thành chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Bưu điện Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh”- ông Đức nói.
Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến 30/9/2018, toàn quốc có 189.502 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 57,2% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Hết năm 2018, ngành BHXH cần phát triển thêm 141.730 người tham gia BHXH tự nguyện mới hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một khó khăn, thách thức không nhỏ. Bởi, hiện chỉ có 6 địa phương thực hiện tốt công tác này là: Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên- Huế, Ninh Bình. Trong đó, tỉnh Hải Dương đang đứng đầu với 10.870 người tăng mới.
Giải pháp từ mạng lưới cơ sở
Các ý kiến tại Hội thảo đều cho thấy, những địa phương thực hiện tốt công tác phát triển BHXH tự nguyện đều nhận được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp của các ban, ngành liên quan. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đại lý, cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng, khi lực lượng này luôn gần gũi với nhân dân để tuyên truyền, thuyết phục.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
Đại diện Bưu điện tỉnh Ninh Bình cho biết, để phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả, Bưu điện tỉnh chọn giải pháp chủ yếu là tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động ở các thôn, xóm, xã, phường. Đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định. Để mời được những đối tượng này đến tham dự hội nghị, Bưu điện tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương phát giấy mời, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân. Sau đó, nhân viên Bưu điện ở các đại lý xã, thôn sẽ cùng các hội, đoàn thể đến từng nhà người dân để tư vấn trước cho họ về sự ưu việt của chính sách... Bưu điện tỉnh cũng luôn yêu cầu nhân viên đại lý phải nói với người dân bằng sự sẻ chia, tâm sự; không được trích dẫn các văn bản, nghị định, thông tư… gây cho người nghe sự khó hiểu, xa lạ; dùng sự chân thành, kiên trì để thuyết phục người dân tham gia.
Đồng quan điểm, đại diện BHXH huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng, trong phát triển BHXH tự nguyện, điều quan trọng nhất là cán bộ BHXH và nhân viên đại lý phải “bám làng, bám dân” mới tìm được nguồn và vận động được. Huyện Yên Thành có 196 xã, nhưng BHXH huyện đã tổ chức, huy động được gần 1.000 cộng tác viên tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể, tạo thành mạng lưới rộng khắp, sẵn sàng tiếp cận, tư vấn cho từng người dân, NLĐ. Do đó, BHXH huyện tự tin sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện do BHXH tỉnh và UBND huyện giao năm 2018 là 4.560 người.
Là đơn vị có thành tích tốt nhất về phát triển BHXH tự nguyện ở khu vực phía Bắc, đại diện BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, điều quan trọng là phải thực hiện hiệu quả 3 giải pháp, đó là: Mở rộng đại lý thu để phát huy sức mạnh của từng hệ thống (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Bưu điện, UBND xã…); triển khai giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH huyện để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu, trong đó yêu cầu mỗi tháng mỗi đại lý phải vận động được tối thiếu 1 đối tượng tham gia mới; cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng tới từng đối tượng tiềm năng.
Còn BHXH tỉnh Cao Bằng lại có hình thức giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho từng cán bộ ngành BHXH trên địa bàn. Từ đó, đã tạo áp lực, động lực, giúp “nẩy nở” nhiều gương cán bộ làm tốt công tác này, góp phần tích cực vào thành tích chung của tỉnh. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ BHXH đã phát triển được 50-60 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, như: Kế toán trưởng BHXH huyện Trùng Khánh Hoàng Thị Phượng Anh, Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An Đàm Thị Phương Thảo…
Có thể thấy, trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, mỗi địa phương lại có những giải pháp, kinh nghiệm khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhấn mạnh đến mạng lưới cán bộ, cộng tác viên tại cơ sở; đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, tư vấn thuyết phục người dân...
Từ thực trạng triển khai ở các địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài Ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến xã như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); lựa chon, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia cho từng đại lý thu; đánh giá và khen thưởng kịp thời.
Phạm Chính