Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 05-01-2011 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng phải lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Căn cứ các quy định của Đảng và Nhà nước, sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan có liên quan ở Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 như sau:

1- Lãnh đạo thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị

- Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân. Thành phần ban chỉ đạo bao gồm ban thường vụ cấp uỷ, lãnh đạo hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc. Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương; các ban và cơ quan của Trung ương Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của cơ quan để quán triệt thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Thành phần tham dự hội nghị do lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị quyết định.

2- Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

2.1. Tìêu chuẩn chung:

Đại biểu Quốc hội khoá XIII phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân; coi trọng tiêu chuẩn về lòng yêu nước, sự trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ, năng lực thực tiễn; bản thân và vợ (chồng), con phải gương mẫu chấp hành luật pháp, được nhân dân tín nhiệm.

2.2. Về điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Ngoài các tiêu chuẩn chung nêu trên, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách cần có thêm các điều kiện sau:

- Cán bộ công tác ở Trung ương phải là những người đang làm việc tại các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đã hoặc đang giữ chức vụ từ vụ trưởng hoặc tương đương trở lên (nếu là đại biểu quân đội hoặc công an thì phải có quân hàm thiếu tướng trở lên); cán bộ công tác ở địa phương đã, đang hoặc có đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân, phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội (khoá XII) của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách; có khả năng tham gia Hội đồng Dân tộc hoặc một trong các uỷ ban của Quốc hội, một trong các cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Về độ tuổi:

+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương: Để đảm bảo tính kế thừa, cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách khoá XIII phải có từ 50% - 60% số đại biểu đủ tuổi tái cử đại biểu Quốc hội khoá sau. Do đó đại biểu ứng cử lần đầu vào Quốc hội nói chung phải đủ tuổi tham gia hai khoá trở lên, ít nhất phải trọn một khoá.

Đối với các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII tái cử nói chung không quá 60 tuổi. Các chức danh khác nói chung phải đủ thời gian công tác ít nhất nửa khoá Quốc hội (sinh từ tháng 11-1953 trở lại đây); trường hợp cần thiết phải giới thiệu người ngoài độ tuổi nêu trên thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương: Người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu ít nhất phải đủ tuổi để tham gia trọn một khoá; người tái ứng cử đại biểu chuyên trách phải đủ tuổi tham gia ít nhất nửa khoá.

+ Các đồng chí chưa đến tuổi nghỉ hưu không tái ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách thì tiếp tục công tác tại cơ quan với nhiệm vụ phù hợp do cơ quan phân công, được giữ nguyên các chế độ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu hoặc giải quyết chính sách theo Nghị định 67/2010/NĐ-CP ngày 16-5-2010 của Chính phủ "Về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội".

3- Về tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

Đại biểu hội đồng nhân dân và người giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đối với chức danh lãnh đạo chính quyền các cấp cần nhấn mạnh tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ; khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ; phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tận tâm với việc giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân, không quan liêu, tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.

Về tiêu chuẩn chính trị: Không đưa vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03-7-2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

4- Về điều kiện và cơ cấu chức danh lãnh đạo chủ chốt hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ và phương án nhân sự đã được cấp uỷ chuẩn bị khi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; trường hợp cần thiết phải thay đổi thì báo cáo cấp uỷ cấp trên xem xét, quyết định.

Các đồng chí diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, ứng cử chức danh chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khoá X) thông qua thì không phải báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp uỷ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức vụ trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố.

5- Về yêu cầu phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

- Đối với mỗi chức danh lãnh đạo trong Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tổ chức đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp phải là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chấp hành đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời phải được tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đó đồng ý, cụ thể như sau:

+ Đối với đảng viên không giữ chức vụ gì trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải báo cáo và được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên đó đang sinh hoạt) đồng ý.

+ Đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải báo cáo và được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên đó đang sinh hoạt) đồng ý; đồng thời phải được cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên, cán bộ đó đồng ý.

6- Tổ chức thực hiện

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương và các cấp uỷ đảng trực thuộc Trung ương thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân được quy định tại Quy định số 330-QĐ/TW ngày 04-10-2010 của Bộ Chính trị.

- Căn cứ vào Chỉ thị của Bộ Chính trị, hướng dẫn này và các văn bản của Trung ương có liên quan, các tỉnh uỷ, thành uỷ nếu thấy cần thiết có thể ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện ở địa phương mình.

TRƯỞNG BAN

(đã ký)

Tô Huy Rứa

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất