Sáng 10-2, Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã khai mạc tại hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội).
Đến dự có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Sinh Hùng; Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa.
Cùng dự còn có đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ, Hội đồng bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, sở nội vụ, Mặt trận Tổ quốc của 63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Trung ương đã phát biểu khai mạc Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Tiếp theo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là một sự kiện trọng đại của năm 2011. Cuộc bầu cử được chuẩn bị và tiến hành ngay sau khi kết thúc thắng lợi Đại hội lần thứ XI của Đảng rất có ý nghĩa và có nhiều thuận lợi cơ bản. Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; đề ra đường lối tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường; độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, vừa có thuận lợi, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra đồng thời trong cùng một ngày cũng đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao, chuẩn bị rất kỹ, tổ chức thật chặt chẽ, khoa học. Lãnh đạo tiến hành thành công cuộc bầu cử là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm 2011.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Để bảo đảm thắng lợi cuộc bầu cử, quán triệt tư tưởng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này. Trên cơ sở nắm vững các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước. Phải coi đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội, qua đó phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền, nghĩa vụ chính trị, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hai là, tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch triển khai cuộc bầu cử. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức phụ trách bầu cử phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ba là, trên cơ sở quy định của pháp luật, lãnh đạo tốt công tác chuẩn bị nhân sự, gắn với kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ để lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử; tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; chú trọng mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Trên cơ sở tiêu chuẩn mà xác định cơ cấu thích hợp, bảo đảm tính đại diện cho tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc. Người được giới thiệu ứng cử phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, trình bày về chương trình hành động của mình nếu được trúng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tạo điều kiện để những người ứng cử và cử tri đối thoại, giao lưu trực tiếp với nhau. Đây không chỉ là công việc của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức phụ trách bầu cử, mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và các đoàn thể. Điều quan trọng là phải bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; kiên quyết ngăn chặn sự lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân (nếu có); giữ gìn trật tự an ninh, tạo điều kiện để cử tri tiến hành bỏ phiếu thuận lợi; hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, những vi phạm về quyền dân chủ và trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp đó, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng chí Tòng Thị Phóng nêu rõ: Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và qui hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở các địa phương.
Các đại biểu dự Hội nghị đã nghe phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Hướng dẫn về công tác nhân sự; Quy trình các bước hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri; một số văn bản khác có liên quan.; thảo luận các nội dung để triển khai thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử kết luận Hội nghị.
Thanh Hoa
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN