Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22 tháng 5 năm 2011.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lần này được tiến hành theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10), Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 (Luật số13/2003/QH11), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bầu cử đại biểu quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật số 63/2010/QH12); các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo các quy định của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, góp phần đảm bảo cuộc bầu cử tiến hành được dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm và thắng lợi. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:


I. YÊU CẦU

1. Nắm vững Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 5 tháng 1 năm 2011 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết liên tịch số 01/2011/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 8 tháng 2 năm 2011 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tiến hành đồng bộ 6 nội dung công tác mặt trận tham gia bầu cử đã được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà trọng tâm là nắm chắc công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải thực hiện tốt từng bước của Quy trình hiệp thương; bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần người được giới thiệu và tiến hành hội nghị hiệp thương thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ thời gian quy định cho từng công việc.

3. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải xây dựng tiến độ các công việc thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo kế hoạch chi tiết, đồng bộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội để hoàn thành tốt công tác mặt trận trong cuộc bầu cử này.


II. NỘI DUNG CÔNG TÁC MẶT TRẬN TRONG BẦU CỬ

1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp để thành lập Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử. Đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Căn cứ số lượng thành viên trong các tổ chức phụ trách bầu cử theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo của tổ chức chính trị-xã hội cử đại diện tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động thực hiện các bước của Quy trình hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử, các nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn khác của Hội đồng bầu cử; chú trọng công tác chỉ đạo hướng dẫn Ban công tác mặt trận thực hiện đúng quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, khu dân cư, tổ dân phố (gọi chung là thôn, tổ dân phố).

3. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú thường xuyên tại địa phương. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các đoàn thể nhân dân vận động đông đảo cử tri đến dự họp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các hội nghị này.

4. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với chính quyền cùng cấp chỉ đạo và hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì phối hợp với uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri, để những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương để tổ chức tốt các hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử.

5. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử đảm bảo thật sự dân chủ và đúng luật. Đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường sẽ thực hiện theo hướng dẫn riêng.

6. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân trong công tác tuyên truyền bầu cử tạo nên không khí ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân, làm cho mọi công dân hiểu rõ vai trò, vị trí của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu; cần nắm chắc diễn biến tư tưởng trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân để kịp thời làm công tác tuyên truyền, đặc biệt đề phòng không để xảy ra tình huống xấu. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần làm tốt công tác vận động đối với các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc… để triển khai công tác vận động đối với các tầng lớp nhân dân.


III. TỐ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ 6 nội dung công tác mặt trận trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể ở cấp mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để thực hiện. Xét thấy cần thiết thì đề nghị tổ chức thành viên là tổ chức chính trị-xã hội cử một số cán bộ chuyên trách của các tổ chức này hoặc cử Uỷ viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật tham gia thực hiện những công việc cụ thể.

2. Trong quá trình tổ chức hiệp thương lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải thực hiện đúng các nội dung, thủ tục, trình tự, các mốc thời gian được quy định tại Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản về Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau mỗi bước công việc như sau:

a. Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch bầu cử với các nội dung:

+ Công tác tập huấn bầu cử chung và của riêng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Việc cử người tham gia Uỷ ban bầu cử của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh.

+ Việc chuẩn bị tài liệu và các điều kiện khác.

+ Công tác chuẩn bị hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Thời gian chậm nhất phải có báo cáo là ngày 18-2-2011.

b. Các biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, trong đó chú ý nêu tình hình người tự ứng cử. Thời gian gửi sau từng Hội nghị hiệp thương một ngày.

c. Báo cáo tình hình thực hiện bước hai, bước bốn Quy trình hiệp thương.

- Thời gian chậm nhất phải có báo cáo thực hiện bước hai là ngày 16-3-2011.

- Thời gian chậm nhất phải có báo cáo thực hiện bước bốn đối với bầu cử đại biểu Quốc hội là ngày 4-4-2011, đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là ngày 8-4-2011.

d. Báo cáo hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thời gian chậm nhất phải có báo cáo là ngày 25/5/2011.

đ. Báo cáo tình hình và kết quả tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử với cử tri để thực hiện vận động bầu cử kèm theo bản tổng hợp kiến nghị của cử tri với Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thời gian có báo cáo từ ngày 18  đến ngày 20-5-2011.

e. Báo cáo nhanh tình hình và kết quả ngày bầu cử đại biểu Quốc hội tại từng địa phương: Có thể báo cáo bằng điện tín, điện thoại, Fax, qua thư hộp điện tử của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc trực tiếp (đối với các địa phương gần Hà Nội).

g. Báo cáo tổng kết công tác mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân với 6 nội dung nêu trên kèm theo danh sách trích ngang những người trúng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ mặt trận, đoàn thể và tôn giáo của địa phương mình. Trong báo cáo cần có đánh giá kết quả nêu những tồn tại và những kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thời gian gửi báo cáo trước ngày 15-6-2011.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh dựa vào mục 3 trên đây để hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện chế độ báo cáo.

4. Đề nghị ban lãnh đạo các tổ chức thành viên, các vị Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo cương vị và nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân mình phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để tham gia thực hiện công tác bầu cử, đồng thời giám sát việc bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng luật; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân, dư luận xã hội về bầu cử với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời phản ánh với Đảng và Nhà nước.

5. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này tiến hành chung một thời điểm, việc triển khai rất khẩn trương, nhiều việc phải tiến hành đồng thời. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung cán bộ và công sức thực hiện, cần bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban bầu cử địa phương để thực hiện các công việc đầy đủ, đúng tiến độ thời gian theo luật định, kịp thời phản ánh, xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những vướng mắc về pháp luật bầu cử và báo cáo Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác hiệp thương để giải quyết kịp thời.


TM BAN THƯỜNG TRỰC

CHỦ TỊCH

Huỳnh Đảm

 (đã ký)  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất