Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ, BTV Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, chất lượng công tác quy hoạch từng bước được nâng lên, dần đi vào nền nếp, đạt được những kết quả tích cực.
Kết quả nổi bật
BTV Tỉnh ủy đã quán triệt và chỉ đạo kịp thời về vị trí, vai trò, yêu cầu, nguyên tắc, mục đích và nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch cán bộ; giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, BTV Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về công tác quy hoạch. Trên cơ sở những kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 36-KH/TU ngày 28-11-2016 “về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh đến năm 2025”, Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 28-11-2016 về “rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025”, với nhiều nội dung đổi mới về công tác quy hoạch cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong đó, ngoài các yêu cầu, quy định mang tính nguyên tắc theo Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương, BTV Tỉnh ủy đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, như: Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy các cấp đạt từ 25% trở lên, quy hoạch BTV cấp ủy các cấp đạt từ 20% trở lên, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch theo hướng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trẻ hóa về độ tuổi; đặt ra yêu cầu mỗi chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải có 1 nhân sự nguồn từ nơi khác; xác định rõ nguồn nhân sự quy hoạch các chức danh...
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, BTV các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức thực hiện nghiêm túc. Một số địa phương đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác quy hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch, đề án quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền có tính khoa học, dài hạn và triển khai có hiệu quả. Việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cơ bản đi vào nền nếp, trở thành công việc thường xuyên, định kỳ. Quá trình thực hiện, cấp ủy, tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã bám sát các quy định, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn; đồng thời giữ vững nguyên tắc, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.
Chất lượng công tác quy hoạch cán bộ ngày càng được nâng lên. Cán bộ khi đưa vào quy hoạch cơ bản đã được rà soát, thẩm định kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, trình độ và tiêu chuẩn chính trị. Số lượng cán bộ trong quy hoạch cơ bản đảm bảo theo đúng tỷ lệ quy định, nhiều nơi nguồn cán bộ dồi dào; cơ bản chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học tăng qua từng năm, nhất là trong nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả quy hoạch cán bộ của Quảng Trị từ cấp xã đến các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý từ khóa XI đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật như: (1) Trên 60% cán bộ trong quy hoạch BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 có trình độ thạc sỹ, 100% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. (2) Tỷ lệ cán bộ trẻ trong quy hoạch cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 30,5%, tăng 7,3% so với nhiệm kỳ 2010-2015; gần 50% cán bộ trong quy hoạch cấp ủy, BTV cấp ủy cấp xã dưới 40 tuổi. Cơ cấu 3 độ tuổi ngày càng hợp lý hơn (đối với quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025: Dưới 40 tuổi 15,6%, từ 40 đến 50 tuổi 65,6%, trên 50 tuổi 18,8%). (3) Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, BTV các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đều trên 24%. Đã có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Một số hạn chế, bất cập
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Một số nơi chậm cụ thể hóa văn bản của cấp trên khi tiến hành xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch nên chưa sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị, dẫn đến thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất. Công tác rà soát quy hoạch hằng năm có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tiến hành chưa kịp thời, chưa đúng thời gian quy định; khi rà soát chưa chủ động đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch đối với các đồng chí đã chuyển công tác, bị xử lý kỷ luật hoặc không còn phù hợp với lĩnh vực, ngành, địa phương hoặc chưa tìm kiếm, bổ sung các nhân tố mới, nhất là nguồn cán bộ ngoài cơ quan, đơn vị.
Tình trạng quy hoạch “chạy theo” bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử vẫn còn; nhất là việc bổ sung quy hoạch để tiến hành quy trình nhân sự nên quy hoạch chỉ mang tính “thủ tục”. Cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa được bảo đảm, giãn cách giữa các độ tuổi chưa bảo đảm tối thiểu 5 năm nên tình trạng hẫng hụt cán bộ vẫn diễn ra hoặc nhiều cán bộ trong quy hoạch cùng độ tuổi, cùng độ “chín” ở một thời điểm khiến việc bố trí, sắp xếp cán bộ gặp khó khăn.
Tỷ lệ nữ, trẻ trong quy hoạch BCH, BTV cấp ủy và các chức danh lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa bảo đảm yêu cầu; có nơi còn vì cơ cấu nữ, trẻ mà đề xuất quy hoạch đối với các nhân sự có tính khả thi chưa cao, quy hoạch vượt cấp. Việc quản lý cán bộ trong quy hoạch có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Việc công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt có nơi còn thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng thành phần, đối tượng công khai…
Một số kinh nghiệm
Một là, phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ. Kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các quy định, hướng dẫn của cấp trên phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Hai là, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng; mở rộng dân chủ đi đôi với phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ để đây thực sự là khâu tiền đề, quyết định các khâu khác trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn kết quả đánh giá cán bộ hằng năm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm định kỳ với công tác rà soát, bổ sung quy hoạch.
Bốn là, quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải được tiến hành đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn. Phải lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở để quy hoạch cấp trên, lấy quy hoạch cấp trên bổ sung cho cấp dưới; mạnh dạn bổ sung những cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực nỗi trội vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo để có thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Năm là, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch; phát huy trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thẩm định quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Ngọc Thảo