A Lưới đột phá đi lên từ công tác cán bộ

Từ khi có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 24-NQ/TW (khoá IX) về công tác dân tộc, A Lưới đã nêu cao truyền thống đại đoàn kết, thực hiện định canh, định cư, thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. A Lưới đã tìm cách đột phá đi lên bắt đầu từ công tác cán bộ. Bắt đầu từ năm 2004, UBND huyện A Lưới đã lựa chọn 10 kỹ sư nông lâm (trong đó có 2 nữ) là con em đồng bào dân tộc thiểu số để Hội đồng nhân dân các xã biên giới bầu giữ các chức vụ phó chủ tịch UBND xã, thị trấn phụ trách các lĩnh vực kinh tế. Tiếp đó, để tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở, lãnh đạo huyện bàn với các xã vận động được 48 cán bộ lớn tuổi, hoặc trình độ năng lực hạn chế tự nguyện xin nghỉ việc trước tuổi để dành chỗ cho cán bộ trẻ có điều kiện cống hiến xây dựng quê hương; đồng thời bố trí được 51 cán bộ có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp làm công chức cấp xã. Nhiều cản trở do nhận thức bảo thủ của một số cán bộ lớn tuổi dần dần được thuyết phục bằng lớp cán bộ vừa thay thế, bởi ở họ có sức trẻ và có kiến thức, làm chủ được các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Chính lực lượng cán bộ trẻ đã góp phần tăng năng lực cho chính quyền cơ sở ở A Lưới, đảm đương tốt nhiệm vụ.
Sau khi củng cố chính quyền vững mạnh, lãnh đạo huyện A Lưới triển khai, vận dụng một cách sáng tạo chủ trương dựa vào dân để lo cho dân trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Điểm nổi bật của A Lưới là thực hiện có kết quả phong trào xoá nhà tạm cho đồng bào nghèo theo cách "nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Đến nay, toàn huyện đã triển khai xây dựng được 2.047 nhà tình thương, bình quân mỗi nhà có giá trị từ 15 triệu đến 20 triệu đồng, nhà rộng, đẹp, khang trang, thoáng mát. Hầu hết các nhà tình thương đều gắn với mảnh vườn để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho bà con nhận đất trồng rừng, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Chỉ chưa đầy 2 năm trở lại đây, nhân dân trong vùng đã tự trồng và hưởng lợi trên 1.500 ha rừng tập trung, riêng năm 2008 bà con đã trồng được 1.000 ha rừng.

Bộ mặt nông thôn miền núi của A Lưới ngày càng chuyển biến mạnh hơn từ khi huyện ban hành các nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh lúa nước, phát triển trồng cây cà phê, cao su, sắn công nghiệp, trồng rừng kinh tế, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, phát triển đàn gia súc gia cầm, nuôi cá nước ngọt, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện đã đạt 5.070 ha, trong đó thâm canh lúa nước đạt 2.249 ha, ngô là 967 ha, cà phê 910 ha, cao su là 900 ha. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc đạt 20.400 con, đàn gia cầm đạt 93.760 con; diện tích ao hồ thả cá đạt 220 ha, với sản lượng 370 tấn/năm. Lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp đang được đầu tư phát triển. Các ngành nghề thủ công truyền thống như chế biến, xay xát, rèn, mộc, nề, đan lát, dệt thổ cẩm từng bước phục hồi và phát triển. Một số ngành nghề mới như gò, hàn, cơ khí, dịch vụ, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản... cũng đang phát triển mạnh. Tỉnh và Trung ương tiếp tục đầu tư xây dựng một số dự án nhà máy tuyển lọc cao lanh, nhà máy gạch tuy nen... trên địa bàn huyện. Các dự án trên đang góp phần cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Lê Văn Trừ cho biết: A Lưới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng và an ninh, là căn cứ cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước đây. Truyền thống đó càng được hun đúc sau 40 năm (từ 1969 đến nay), đồng bào các dân tộc A Lưới mang họ Bác Hồ và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ tính từ năm 2002 đến nay, A Lưới đã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đói từ 62,45% xuống còn 27,22%. Lương thực bình quân đầu người ở A Lưới hiện đã đạt gần 300 kg/năm; thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/năm. Về giáo dục, huyện đã phổ cập tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở đạt trên 96%. Lĩnh vực y tế, đã thực hiện tốt chính sách miễn giảm viện phí cho đồng báo dân tộc thiểu số, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao hơn; cơ sở y tế được tăng cường; 14/21 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các xã, thôn, bản đều có nhà văn hoá cộng đồng. Trong quá trình phát triển, A Lưới đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự lực, tự cường, tổng hợp các nguồn lực đẩy mạnh công ngiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thế và lực mới để xây dựng quê hương A lưới phát triển nhanh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng và an ninh.
                                                                                                                            (Nguồn: TTXVN) 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất