Thanh Hóa: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH

Thanh Hoá là một tỉnh rộng, diện tích 11.168 km2 với 192 km đường biên giới với nước bạn Lào và 102 km bờ biển; có 27 huyện, thị, thành phố, trong đó 11 huyện miền núi. Dân số toàn tỉnh trên 3,4 triệu người, gồm 7 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông, Giao,Thổ, Khơ- Mú. Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá có 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 24 đảng bộ huyện, 2 đảng bộ thị xã,1 đảng bộ thành phố, 1 đảng bộ khối cơ quan dân chính và 7 đảng bộ trực thuộc khác. Thanh Hoá thuộc diện tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 543 USD, thấp xa so với bình quân chung cả nước.Tình hình chung đó đã tác động sâu sắc đến công tác cán bộ của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, hơn 10 năm qua công tác cán bộ của Thanh Hoá đạt một số kết quả rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, ổn định chính trị trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), số cán bộ có trình độ chuyên môn, đại học, lý luận chính trị tăng đáng kể. Về đội ngũ cán bộ làm công tác đảng cấp tỉnh và huyện, số có trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 2,94%, đại học và cao đẳng chiếm 57,5%, cử nhân và cao cấp chính trị 36,97%; cán bộ nữ chiếm 24,9%. Trong số 796 cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể xã hội cấp tỉnh, huyện có 43,6% là nữ, số có trình độ đại học, cao đẳng về chuyên môn chiếm 59%, cử nhân và cao cấp chính trị chiếm 17,75%. Cán bộ, công chức khối hành chính và sự nghiệp cấp tỉnh, huyện có gần 3.700 người. Trong đó, trình độ chuyên môn trên đại học chiếm 4,31%, đại học chiếm 66,47%, cao đẳng 2,85%, trung học và sơ cấp 26,33%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 0,48%, trung cấp 4,64%. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đều được quy hoạch và đào tạo theo quy hoạch.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trên 11.000 người. Trình độ của cán bộ chủ chốt so với trước đây đã được nâng lên đáng kể, nhất là đối với cán bộ miền núi. Trình độ chuyên môn đại học tăng lên từ dưới 1% lên 7,65%, cao đẳng, trung cấp tăng từ 23,53% lên 52,53%. Trình độ cử nhân chính trị lên 1,1%, trung cấp từ 43,34% lên 65,34%.
Bên cạnh chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Điều đó thể hiện qua cơ cấu cán bộ vẫn còn ít cán bộ nữ, cán bộ trẻ, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ người dân tộc ít người còn thấp; một số cán bộ ý thức tu dưỡng, rèn luyện chưa cao, hiệu quả công tác thấp.
Nguyên nhân của kết quả là Thanh Hóa thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, thể hiện qua kế hoạch đào tạo cán bộ đến năm 2015. Tỉnh đã hợp tác với các trường đại học nước ngoài đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn kinh phí của địa phương. Tỉnh đã cử đi đào tạo tiến sĩ được 68 người, thạc sĩ 526 người, cử nhân chính trị 755 người, cao cấp chính trị 1.814 người. Riêng đào tạo lý luận chính trị trung cấp tại tỉnh 11.228 người. Ngoài việc cử cán bộ đi học ở Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học trong và nước ngoài, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ trương tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho Trường Chính trị tỉnh đủ điều kiện để đảm bảo mỗi năm tuyển sinh từ 300 đến 400 học viên trung cấp chính trị, từ 200 đến 300 học viên trung cấp quản lý nhà nước cấp xã. Tất cả các huyện đều được đầu tư xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính tri. Riêng các huyện miền núi vùng cao được xây dựng nhà ở cho học viên. Trong 10 năm qua, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đào tạo sơ cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng kiến thức theo chuyên đề cho hàng ngàn lượt cán bộ thôn, bản, góp phần củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời với công tác quy hoạch đào tạo là việc thực hiện một số chính sách thu hút nhân tài, chính sách ưu đãi đối với cán bộ công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa... Những chính sách đó đã góp phần động viên cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết 11 NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, Thanh Hóa đã tiến hành ở cả ba cấp. Tuy nhiên, số cán bộ luân chuyển theo quy hoạch còn ít, thời gian xuống cơ sở chưa được nhiều.
Từ thực tế công tác cán bộ 10 năm qua, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã rút ra những bài học quý báu và đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015 là:  Đối với cán bộ cấp tỉnh và cấp huyên thuộc diện Ban Thường vụ quản lý phải 100% có trình độ đại học về chuyên môn trở lên, trong đó  đối với cấp tỉnh phải có 30% trở lên trên đại học (đối với cấp huyện phải có 20% trở lên). 100% có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị. 100% dưới độ tuổi 50 có trình độ C ngoại ngữ (đối với cấp tỉnh). Tất cả đều sử dụng thành thạo vi tính. Đối với cán bộ công chức cấp xã 100% có trình độ trung cấp về chuyên môn trở lên, trong đó 20% có trình độ đại học trở lên, 100% có trình độ trung cấp chính trị trở lên. 
Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh uỷ đề ra các nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; thực hiện khách quan và hiệu quả về đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng quy hoạch; đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách cán bộ; thường xuyên chăm lo, xây dựng đội ngũ làm công tác cán bộ.
                                                                                        (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản VN)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất