Quảng Nam: Kết quả bước đầu về luân chuyển cán bộ
Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2009.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành luân chuyển 258 cán bộ. Riêng các năm 2006-2008, toàn tỉnh đã luân chuyển được 30 lượt cán bộ; trong đó, luân chuyển giữa các ngành và tương đương của tỉnh 10 đồng chí; luân chuyển từ xã, phường, thị trấn và huyện về tỉnh 8 đồng chí; luân chuyển giữa các ngành và tương đương của huyện, thành phố 10 đồng chí. Các địa phương: Tam Kỳ, Hội An, Phú Ninh, Núi Thành… đã thực hiện khá tốt luân chuyển cán bộ cấp huyện về xã, phường công tác.
Nhìn chung, các đồng chí được luân chuyển đã phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực công tác góp phần tích cực giúp các địa phương, đơn vị ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, được cán bộ và đảng viên đồng tình, ghi nhận. Qua thời gian luân chuyển, hầu hết các đồng chí được tôi luyện về phẩm chất chính trị, kỹ năng chuyên môn, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc. Và đã có nhiều đồng chí được đề bạt giữ chức vụ cao hơn sau thời gian luân chuyển và đúng theo quy hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý trong thời gian qua ở địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số địa phương, đơn vị trong tỉnh chưa nhận thức đúng mục đích, yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ; còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ. Vì vậy, có một số trường hợp sau khi luân chuyển về địa phương một thời gian lại không đề bạt, bố trí theo chức danh đã quy hoạch, dù cán bộ đó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí được luân chuyển. Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị đã đề ra kế hoạch luân chuyển, nhưng triển khai tổ chức thực hiện thiếu chủ động, chưa có biện pháp cụ thể. Khi thực hiện việc luân chuyển, các cấp ủy đảng chưa thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ, uốn nắn những mặt còn yếu để cán bộ được luân chuyển khắc phục những hạn chế, nhược điểm nên hiệu quả luân chuyển chưa cao. Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đến việc tham khảo ý kiến cán bộ dự kiến luân chuyển và tổ chức đảng - nơi cán bộ dự kiến luân chuyển đến. Ngoài ra, chế độ chính sách, điều kiện công tác nơi cán bộ được luân chuyển đến cũng còn nhiều việc chưa thật hợp lý, nên chưa tạo động lực cho cán bộ được luân chuyển an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Để công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý của tỉnh đạt kết quả như mong muốn, nhất là để đáp ứng nguồn nhân lực của tỉnh trong nhiệm kỳ đến, các cấp ủy đảng phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Và sau khi làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các cấp ủy đảng phải xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ theo định hướng đã được quy hoạch và đào tạo để cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn công tác. Trong quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ phải có lộ trình và áp dụng nhiều hình thức luân chuyển. Có thể luân chuyển từ trên xuống, từ dưới lên và luân chuyển ngang từ địa phương này sang địa phương khác, từ khối này sang khối khác, nhất là luân chuyển sang khối Dân vận, Mặt trận để đào tạo cán bộ một cách toàn diện. Tất nhiên, luân chuyển cán bộ phải gắn liền với công tác đào tạo, bố trí và sử dụng một cách hợp lý… Kết hợp luân chuyển cán bộ với từng bước thực hiện việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương tại chỗ. Và chỉ luân chuyển cán bộ nằm trong quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, phải có lộ trình cụ thể và có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và trưởng thành.
                                                                                            (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất