Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, những năm qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, ngành đã thu được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Tuy nhiên, nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, dàn trải, thiếu sự liên thông, kế thừa, còn trùng lặp về nội dung, thiếu tính thiết thực, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, công chức. Chúng ta chưa xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng đối tượng cán bộ, công chức, riêng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cấp huyện nếu không thuộc đối tượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học cao cấp lý luận chính trị thì đều học chung một chương trình trung cấp lý luận chính trị dùng cho cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực trong hệ thống chính trị đều học chung chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính. Có trường hợp công chức dự bị chưa được đào tạo tiền công vụ theo quy định của Chính phủ đã được bổ nhiệm. Việc đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung, chương trình không sát hợp dễ phát sinh lãng phí, kém hiệu quả, người học không hứng thú vì nội dung không đáp ứng nhu cầu công việc. Mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng, một số cán bộ, công chức vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên đổi mới theo hướng đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công tác của người học. Để thực hiện tốt việc này cần làm rõ một số nội dung sau:
Một là, phạm vi đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công tác rất rộng, nên để có cơ sở xây dựng nội dung, chương trình, xác định phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng này không chỉ xác định đối tượng đào tạo, bồi dưỡng theo cấp bậc, chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc theo ngạch bậc cán bộ, công chức hiện nay mà còn phải xác định đối tượng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh chuyên môn, nghiệp vụ mà cán bộ, công chức đảm nhiệm để xây dựng nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Hiện nay, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị trước khi được bầu, bổ nhiệm vào ngạch hoặc chức danh nào đó, họ đã được đào tạo ở một trình độ nhất định. Vì vậy, cần nắm chắc trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, tránh trùng lặp.
Thứ hai, để đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, cần phải luôn luôn xác định rõ mục đích nhằm đào tạo ai, giúp họ đáp ứng được những gì nhu cầu của công việc đang làm, trên cơ sở đó xác định nội dung, chương trình và hình thức, phương pháp đào tạo cho phù hợp. Mỗi chương trình đào tạo bồi dưỡng sẽ nhằm đạt được những mục tiêu nhất định, vì vậy trên cơ sở nắm được mục tiêu của khoá đào tạo, bồi dưỡng cần xác định ý nghĩa của từng bài giảng, từng chuyên đề, lựa chọn kiến thức và phương pháp phù hợp.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc đòi hỏi phải xác định rõ kiến thức, kỹ năng người học cần đạt được sau khi kết thúc khoá học. Đó có thể là sự cập nhật thông tin, bổ sung tri thức mới, hiện đại, sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp hoặc nghiệp vụ công tác đáp ứng nhu cầu công việc, sự thay đổi về thái độ trách nhiệm đối với công việc và các vấn đề của cuộc sống.
Căn cứ vào nhu cầu học tập và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, người xây dựng nội dung, người giảng dạy và người học đều phải bám sát vào đó để đạt được yêu cầu đề ra. Thực tế cho thấy, nội dung chương trình chỉ thu hút người học khi thực sự thiết thực đối với họ.
Thứ tư, để đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả cần thực sự đổi mới phương pháp dạy học. Phần lớn người học những chương trình đào tạo, bồi dưỡng này là cán hộ, công chức đã đạt chuẩn ở những trình độ nhất định, đã qua thực tiễn, có nhiều kinh nghiệm công tác, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phân tích đánh giá vấn đề. Vì vậy, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với họ không thể giống như đối với sinh viên. Đối với đối tượng này chỉ nên định hướng nội dung học tập, nghiên cứu, nêu vấn đề, tình huống và hướng dẫn, gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Để việc học tập có kết quả, đạt chất lượng cao, sau mỗi bài học, cụm chuyên đề nên cho học viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế, thực tập rút kinh nghiệm với thời gian thích hợp. Nội dung đi nghiên cứu, khảo sát thực tế phải sát với nội dung bài học, có giảng viên hướng dẫn, sau đợt nghiên cứu, thực tập học viên phải có bài thu hoạch.
Cuối cùng, một yêu cầu quan trọng là phải có đội ngũ giảng viên chuyên sâu, giàu kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc đạt kết quả.
Ths. Lê Công Quyền
Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa