Công tác cán bộ ở Đồng Nai

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định trong nhiều năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 29,6 triệu đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2005. Những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng của tỉnh được giữ vững. Sự nghiệp văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả.

Những thành tựu trên có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ. Xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, những năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai luôn coi trọng công tác cán bộ.

Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, quy định, đề án... về công tác cán bộ: Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; phân cấp quản lý cán bộ; quy chế đánh giá cán bộ; kế hoạch và hướng dẫn công tác quy hoạch cán bộ; chương trình luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020; chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển, điều động; chính sách thu hút cán bộ về xã, phường, thị trấn....

Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là 46.160 người, gồm: cán bộ công chức khối đảng (tỉnh, huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc) 779 người; cán bộ công chức khối các cơ quan quản lý nhà nước (tỉnh, huyện, thành phố) 44.917 người. Khối các cơ quan mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp 464 người.

Về trình độ chuyên môn: tiến sĩ: 25 người (0,05%), thạc sĩ: 845 người (1,8%); đại học, cao đẳng: 23.113 người (50%). Đa số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được đào tạo cơ bản về chuyên môn và lý luận chính trị, có khả năng đảm đương nhiệm vụ, trong đó có nhiều cán bộ thể hiện năng lực vượt trội.

Tỉnh đã thu hút được 155 cán bộ về công tác tại các cơ quan, đơn vị và địa phương, trong đó trình độ đại học, cao đẳng 114 đồng chí. Thu hút về tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ sau đại học phục vụ cho tỉnh là 273 đồng chí... Sau khi trải qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước (tiền công vụ) các đồng chí được phân công, giao nhiệm vụ công tác trong hệ thống chính trị. Nhìn chung, các đồng chí trong diện thu hút, tuyển dụng bổ sung nguồn cho đội ngũ cán bộ của tỉnh đều phát huy tốt năng lực, thể hiện tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm, cân nhắc trong việc bố trí, sắp xếp tạo điều kiện cho cán bộ theo đúng chuyên ngành đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ phấn đấu, phát huy năng lực sở trường, đồng thời khuyến khích động viên cán bộ tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên môn để phục vụ tốt cho công việc.

Tuy nhiên, chất lượng cán bộ Đồng Nai chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Còn thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong các ngành khoa học, công nghệ, các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao... Chưa có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Còn hiện tượng "chảy máu chất xám", cán bộ có năng lực, trình độ cao trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh sang khu vực tư nhân hoặc ra tỉnh khác. Một số ít cán bộ tư tưởng không ổn định, thay đổi nhiều công việc, khiến người sử dụng không yên tâm. Một số ít chạy theo lợi ích nhất thời, không chú trọng rèn luyện, nâng cao trình độ.

Để thực hiện tốt công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới nhận thức, tư duy, tạo sự thống nhất quan điểm, chủ trương của cấp ủy các cấp trong việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Bởi  nhận thức sâu sắc thì hành động mới đúng đắn. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ, tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cấp ủy đảng và trong cán bộ, đảng viên quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng.

Hai là, nghiên cứu, vận dụng các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước để xây dựng các cơ chế thu hút và sử dụng cán bộ, trong đó có những cán bộ tài năng phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả một số cơ chế, chính sách ưu đãi trong công tác đào tạo và thu hút nhân tài: chế độ tiền lương, nhà ở, đất ở, điều kiện, phương tiện làm việc..., tạo điều kiện thuận lợi để thu nhận thông tin, tiếp cận các thành tựu mới của khoa học, công nghệ và văn hóa thế giới, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức chuyên môn..., khuyến khích tư do sáng tạo, phát minh, cống hiến. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đúng tài năng. Phát huy năng lực của trí thức trong việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, đồng thời có cơ chế ràng buộc chặt chẽ giữa quyền lợi, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Ba là, đổi mới công tác cán bộ, coi trọng thu hút và sử dụng nhân tài.

Trong công tác cán bộ, cần coi trọng tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Không phân biệt thành phần xuất thân, không phân biệt cán bộ trong hay ngoài Đảng, quá trình công tác và tham gia cấp ủy sớm hay muộn... Cán bộ cần đủ tiêu chuẩn, được đảng viên, quần chúng tín nhiệm, tôn vinh. Khắc phục tư tưởng thành kiến, sống lâu lên lão làng. Do đó cần phải đổi mới quan điểm đánh giá và phương pháp lựa chọn cán bộ, thực hiện thật tốt cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch như Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X): "Đánh giá cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, trung thực, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính để đánh giá cán bộ"[1].
Gắn phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài với thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng nhân tài, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH Đồng Nai, đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Bốn là, nâng cao chất lượng của các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.

Trong công tác tổ chức, cán bộ, cũng như trong thu hút và sử dụng nhân tài, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ là cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề này. Do vậy, nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng và đổi mới phong cách làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy là việc làm hết sức có ý nghĩa.

------

[1]Kết luận Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa X).

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất