Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng ủy cấp xã ở Sóc Trăng
Cán bộ, phóng viên Tap chi Xây dựng Đảng tìm hiểu về công tác cán bộ ở cơ sở tại Sóc Trăng
Tính đến cuối năm 2013, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 598 TCCSĐ, trong đó có 47/109 TCCSĐ xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer. Trong 109 bí thư đảng ủy cấp xã có 4/109 đồng chí giữ chức bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Về trình độ học vấn có 107/109 tốt nghiệp trung học phổ thông, 2/109 tốt nghiệp trung học cơ sở. Về trình độ chuyên môn có 78/109 đại học, 17/109 cao đẳng, 14/109 trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị có 82/109 cao cấp và tương đương, 27/109 trung cấp.

Nhìn chung, trình độ của đội ngũ bí thư cấp ủy xã đã được nâng lên rất nhiều so với đầu nhiệm kỳ. Kết quả đó có được là nhờ thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh ủy Sóc Trăng về củng cố đội ngũ cấp ủy, song song đó là sự nỗ lực vươn lên trong học tập trong các trường lớp khác nhau của từng đồng chí bí thư cấp ủy. Tuy nhiên đội ngũ bí thư đảng ủy ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ nhiều đơn vị phòng ban, ngành nghề khác chuyển sang, do đó để đạt chuẩn theo quy định, một số đồng chí đã tự bỏ kinh phí đi học và học ở nhiều ngành nghề không phù hợp với chức danh hiện hữu, có đồng chí thì học ngành môi trường, có đồng chí học ngành địa chính, có đồng chí thì học kế toán, có đồng chí học liên thông đại học, có đồng chí học hệ từ xa,... điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chuyên môn nghề nghiệp. Hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân do: công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh chưa chặt chẽ; kinh phí cho hoạt động này đôi khi lại sử dụng cho mục đích khác; suy nghĩ của một số đồng chí bí thư cần bằng cấp hơn là chất lượng chuyên môn, một số thì ngại nghiên cứu và học tập.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư đảng ủy cấp xã, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định thời gian tới cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, kiện toàn hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Nghiên cứu sắp xếp hợp lý hơn hệ thống tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể từ trung ương đến địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, có chỉ đạo chặt chẽ. Xây dựng Trường Chính trị tỉnh để đảm nhiệm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng các loại cán bộ theo phân cấp. Đào tạo lý luận chính trị gắn với chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ làm bí thư. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, cải tiến việc biên soạn giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhân tố quan trọng đem lại kết quả trong đào tạo bồi dưỡng.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chức danh bí thư và nguồn cho chức danh này ngay từ đầu nhiệm kỳ

Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ chỉ đạo thống kê trình độ của đội ngũ bí thư và xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng trình Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó cấp ủy cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch chức danh bí thư để có phương án đào tạo cho hợp lý. Người đứng đầu cấp ủy cần quan tâm và có trách nhiệm cùng tập thể lãnh đạo thực hiện quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng kiến thức xây dựng đảng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ bí thư, bởi thực tế các đồng chí chưa được đào tạo chuyên ngành xây dựng đảng, mà chủ yếu từ quản lý nhà nước và những lĩnh vực, ngành nghề khác, nên bồi dưỡng cập nhật thường xuyên kiến thức xây dựng Đảng và nghiệp vụ công tác đảng ít nhất mỗi năm 1 lần.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý cán bộ nhằm góp phần khắc phục tình trạng ngại học tập, nghiên cứu, hoặc tâm lý chạy theo bằng cấp nhưng không đúng chuyên môn, ngành nghề. Thực hiện chế độ học tập bắt buộc nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, bảo đảm sự thống nhất về chính trị và tư tưởng. Lấy kết quả học tập là một tiêu chuẩn để để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những trường hợp học tập không đúng theo quy hoạch, không đúng chuyên môn.

Thứ năm, dành kinh phí thỏa đáng cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư đảng ủy cấp xã

Sóc Trăng là tỉnh còn rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, tuy nhiên vẫn cần dành kinh phí phù hợp đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh này, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lãnh đạo của đội ngũ bí thư đảng ủy cấp xã trên địa bàn cơ sở của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất