Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Cà Mau

Triển khai Nghị quyết của Đảng và hướng dẫn của Trung ương về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng về việc luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trên cơ sở quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy đảng đã kịp thời xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và triển khai thực hiện đối với địa phương, đơn vị mình.

Sau thời gian kiên trì thực hiện, công tác luân chuyển cán bộ của cà Mau đã dần đi vào nền nếp. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quán triệt tốt mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, tạo sự đồng thuận trong nội bộ đảng và nhân dân. Từ đó, các địa phương, đơn vị mạnh dạn luân chuyển cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương về công tác cán bộ.

Toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 665 lượt cán bộ. Trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luân chuyển được 53 lượt (luân chuyển từ tỉnh xuống huyện 25 lượt; từ huyện lên tỉnh 19 lượt; luân chuyển ngang giữa các sở, ban, ngành của tỉnh 7 lượt; giữa các huyện, thành phố 02 lượt cán bộ). Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý luân chuyển được 436 lượt (luân chuyển từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn 178 lượt và ngược lại 145 lượt; luân chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn 21 lượt; giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện 92 lượt). Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh luân chuyển về huyện và ngược lại 48 lượt; lực lượng vũ trang tỉnh luân chuyển 128 lượt cán bộ.

 Đa số cán bộ được điều động, luân chuyển đã khắc phục khó khăn, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều cán bộ đã trưởng thành nhanh hơn, được bố trí nhiệm vụ cao hơn. Trong số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã luân chuyển thời gian qua, có 26 đồng chí được phân công giữ nhiệm vụ cao hơn; 4 đồng chí giữ nhiệm vụ tương đương và hiện nay còn 11 đồng chí tiếp tục thực hiện nhiệm vụ luân chuyển ở các địa phương, đơn vị và được quy hoạch chức danh cao hơn trong nhiệm kỳ tới. Cán bộ diện Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý sau luân chuyển chất lượng được nâng lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bố trí giữ chức vụ cao hơn chiếm trên 40%, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được bố trí giữ chức vụ tương đương gần 60%, không có cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển 3 đồng chí bổ sung thêm chức danh phó bí thư huyện ủy phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở 3 huyện. Đồng thời, luân chuyển 3 đồng chí cán bộ quản ngành tỉnh giữ chức vụ phó chủ tịch ủy ban nhân dân của 3 huyện ven biển của tỉnh.

Cà Mau cũng thực hiện khá tốt chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương và việc không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ. Trong những năm qua, tỉnh đã luân chuyển 22 lượt cán bộ không phải là người địa phương về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Những trường hợp cán bộ đảm nhiệm hai nhiệm kỳ đều được phân công, điều động đến địa phương, đơn vị khác.

Nhìn chung, các cấp, các ngành của tỉnh quán triệt sâu sắc yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; xem đây là một chủ trương rất quan trọng, là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Luân chuyển nhằm tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách toàn diện hơn trong thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ; giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa có kiến thức, vừa có năng lực thực tiễn; tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, không mạnh dạn bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ trẻ.

Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh thực hiện đồng bộ, thận trọng và chặt chẽ. Cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, phát huy được năng lực, sở trường trong công tác; từng bước trưởng thành trên cương vị mới. Các đơn vị tiếp nhận cán bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết nội bộ, phê phán tình trạng cục bộ địa phương.

 Tỉnh ủy kịp thời ban hành quy định về chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ được điều động luân chuyển, cán bộ luân chuyển về huyện, về xã được hỗ trợ một lần. Tùy theo địa bàn luân chuyển, cán bộ luân chuyển từ tỉnh xuống huyện được hỗ trợ nhiều nhất là mười bảy triệu đồng (đối với nữ), mười năm triệu đồng (đối với nam); người được hỗ trợ ít nhất mười hai triệu đồng (đối với nữ), mười triệu đồng (đối với nam). Cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã từ bốn triệu đến sáu triệu đồng. Từ đó, đã kịp thời giải quyết được một phần khó khăn cho cán bộ, nhất là cán bộ luân chuyển đến những nơi khó khăn, cách xa trung tâm tỉnh. Phần đông cán bộ luân chuyển từ huyện lên tỉnh được bố trí nhà ở công vụ.

Tuy nhiên, thời gian đầu thực hiện công tác luân chuyển có những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là: còn một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương, đơn vị cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ như tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Do vậy, một số nơi triển khai còn chậm, thiếu mạnh dạn, thiếu dứt khoát, nhất là sợ xáo trộn cán bộ; có nơi sự nhất quán trong tập thể cấp ủy không cao nên thực hiện đạt kết quả thấp; có nơi chưa làm tốt tư tưởng, có tư tưởng cục bộ địa phương; một số nơi luân chuyển không đúng đối tượng, không rõ mục tiêu. Một số nơi vẫn còn lúng túng, chưa phân biệt được giữa luân chuyển theo quy hoạch và điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ được đào tạo cơ bản theo tiêu chuẩn chức danh còn ít; chế độ, chính sách chưa được quy định rõ ràng, thống nhất; một số cán bộ được luân chuyển còn băn khoăn, lo ngại, chưa thật sự tự giác nhận nhiệm vụ mới. Cán bộ được luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chưa được tập huấn, hướng dẫn, chưa nắm bắt đầy đủ thông tin công việc mới nên khi nhận nhiệm vụ có phần lúng túng hoặc thiếu mạnh dạn trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Đánh giá cán bộ là tiền đề; quy hoạch là nền tảng; đào tạo, bồi dưỡng vừa là mục tiêu trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài; luân chuyển cán bộ là khâu đột phá của công tác cán bộ, cho nên:

1. Phải tiến hành đồng bộ các khâu: đánh giá đúng, quy hoạch tốt và luân chuyển cán bộ đúng mục tiêu. Để đánh giá đúng, phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lượng hóa thành các tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc đánh giá sát, đúng từng chức danh cán bộ, phân loại cán bộ. Giữ vững và thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, công tâm trong đánh giá, quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Kết hợp chặt chẽ, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của ban thường vụ, của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan về công tác cán bộ.

 2. Công tác luân chuyển được thực hiện đồng thời với công tác điều động, thuyên chuyển để “lấy chỗ” cho luân chuyển. Vì vậy, cả hai phải xem trọng như nhau, luân chuyển cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và căn cứ quy hoạch để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ.

3. Quán triệt sâu sắc để tạo sự thống nhất cao về quan điểm, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; từ đó, xác định đầy đủ, rõ ràng ý thức trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương luân chuyển cán bộ.

4. Coi trọng và làm tốt công tác tư tưởng đối với tổ chức đảng nơi có cán bộ luân chuyển đến và cán bộ trước khi được luân chuyển, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ đến nhận công tác mới; tuyệt đối không để cán bộ được luân chuyển có tư tưởng đến đó cho xong việc, hết thời gian rồi về. Phải cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết của ngành, địa phương nơi đến cho cán bộ luân chuyển nắm, hiểu để sớm phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc trên cương vị mới.

5. Có kế hoạch tổng thể định hướng lâu dài về công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch luân chuyển, kế hoạch bố trí cán bộ sau luân chuyển. Phải nắm chắc năng lực, sở trường và phẩm chất của từng cán bộ để luân chuyển đúng người, bố trí nhiệm vụ phù hợp và đúng thời điểm.

6. Xây dựng cơ chế quản lý cán bộ luân chuyển, kể cả nơi đi và nơi đến, cấp trên và cấp dưới. Có chính sách hợp lý về nhà ở công vụ, phương tiện công tác và hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống gia đình.

7. Trong thời gian luân chuyển, cấp ủy quản lý cán bộ luân chuyển phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ được luân chuyển kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng, phát huy các nhân tố tích cực, đưa việc luân chuyển cán bộ trở thành nền nếp, thường xuyên, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác cán bộ.

Trần Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất