Từ năm 2000 đến nay, Thanh Hóa có 1.017 lượt cán bộ được luân chuyển. Trong đó, từ tỉnh xuống huyện và từ huyện về tỉnh là 109 lượt. Từ huyện xuống xã 213 lượt (trong đó làm bí thư 110, thường trực công tác đảng 23, chủ tịch UBND 36, phó chủ tịch UBND 26, phó chủ tịch HĐND 1, trưởng đoàn thể 5, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND 12), luân chuyển từ xã lên huyện 96 lượt, luân chuyển giữa các xã, phường, thị trấn và giữa các phòng, ban cấp huyện là 599 lượt cán bộ.
Thạch Thành là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh, những năm trước là một huyện rất khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Đội ngũ cán bộ cấp xã trình độ chuyên môn, lý luận chính trị còn thấp. Trong quản lý tài chính, đất đai có những vi phạm, biểu hiện cục bộ, dòng họ, an ninh trật tự diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thành xác định luân chuyển cán bộ là một giải pháp quan trọng góp phần khắc phục tình trạng yếu kém trên. Huyện chú trọng bố trí cán bộ ở các xã, thị trấn không phải là người địa phương. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã luân chuyển 118 cán bộ (trong đó từ huyện xuống xã 27 đồng chí, giữa các phòng, ban cấp huyện 9, từ xã lên huyện 14, từ xã này sang xã khác 68 ). Toàn huyện có 25/28 xã, thị trấn đã có cán bộ điều động, luân chuyển. Sau thực hiện luân chuyển, đội ngũ cán bộ đồng đều, chất lượng được nâng lên, đã tác động tích cực, làm chuyển biến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Thiệu Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy luân chuyển 94 đồng chí. Trong đó có 5 đồng chí huyện ủy viên về làm bí thư đảng uỷ xã, 2 đồng chí bí thư đảng uỷ xã về huyện, 4 đồng chí bí thư đảng uỷ luân chuyển từ xã này sang xã khác; 59 đồng chí luân chuyển giữa các phòng, ban cấp huyện.
Từ năm 2002 đến nay, TP. Thanh Hóa đã luân chuyển 69 cán bộ. Trong đó luân chuyển từ thành phố xuống phường, xã 36 đồng chí (bí thư 9; phó bí thư 1; chủ tịch 6; phó chủ tịch 10; bí thư đồng thời là chủ tịch 10); từ phường, xã về thành phố 6; giữa các phòng, ban 27. Thành phố có 6 đồng chí cán bộ của tỉnh về giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố. Nhiều đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó có 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy, 2 đồng chí là phó chủ tịch UBND thành phố.
Kinh nghiệm của Thạch Thành, Thiệu Hoá, TP. Thanh Hoá là mỗi đợt thực hiện luân chuyển cán bộ, ban thường vụ cấp ủy đều xây dựng phương án cụ thể, xác định tiêu chuẩn, lựa chọn đối tượng, chức danh, đơn vị để bố trí cho phù hợp. Tổ chức gặp mặt động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ và các đơn vị có cán bộ đi, đến. Trước khi luân chuyển cấp uỷ nắm bắt thông tin, dư luận từ nhiều phía để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh. Cán bộ các phòng, ban, ngành cấp huyện, trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch làm cán bộ chủ chốt cấp huyện và dự nguồn lâu dài được luân chuyển về xã để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách. Những cán bộ chủ chốt ở xã có kinh nghiệm, năng lực luân chuyển về huyện giữ các chức danh lãnh đạo các phòng, ban, ngành. Cán bộ chủ chốt điều động từ xã này sang xã khác nhằm tạo được sự chuyển biến, để tránh trì trệ, lối mòn. Các đồng chí cán bộ chủ chốt được điều động từ xã này sang xã khác, bước đầu thay đổi lề lối, tác phong làm việc ở cơ sở, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề tồn tại từ trước. Việc luân chuyển cán bộ của Thạch Thành, Thiệu Hoá, TP. Thanh Hoá đã có nền nếp, cán bộ sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Kinh nghiệm làm tốt của Thạch Thành, Thiệu Hóa, TP. Thanh Hóa đã được Tỉnh uỷ phổ biến ở các nơi khác trong tỉnh. Qua đánh giá, cho thấy công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của tỉnh trong thời gian qua, nhất là sau khi có Nghị quyết số 4, ngày 12 - 3 - 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, đã triển khai thực hiện với số lượng lớn, đồng bộ và mạnh mẽ hơn, làm chuyển biến và thay đổi căn bản về nhận thức trong cán bộ, đảng viên. Dần phá vỡ tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Từng bước khắc phục bảo thủ, trì trệ, tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, biểu hiện gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc ở một số cán bộ công chức. Đồng thời, việc điều động, luân chuyển cán bộ không chỉ tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ phấn đấu, trưởng thành mà còn góp phần bổ sung, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ và bảo đảm cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý trước mắt và lâu dài. Hầu hết cán bộ được luân chuyển xác định rõ trách nhiệm, có tư duy mới, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong công việc, sâu sát cơ sở, tham mưu tốt hơn, có giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục được những hạn chế tại cơ sở. Các đơn vị có cán bộ, công chức được luân chuyển đến, đi đều cơ bản đồng thuận cao với chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, công tác luân chuyển cán bộ ở một số nơi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Một số người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự quan tâm, nên việc luân chuyển cán bộ chưa kiên quyết, triệt để, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, số lượng luân chuyển còn quá ít. Có hiện tượng luân chuyển cán bộ chưa theo đúng quy hoạch và năng lực, sở trường, nên một số cán bộ luân chuyển thiếu kinh nghiệm, không phát huy được năng lực, sở trường, cá biệt có trường hợp phải đưa trở về. Một số cán bộ từ xã lên huyện chưa bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực hạn chế, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Nhận thức của một số nơi còn khép kín, không muốn cấp trên luân chuyển cán bộ về địa phương, đơn vị mình. Một số cán bộ được luân chuyển thì băn khăn, ngại khó, lo lắng về bố trí, sắp xếp sau luân chuyển nên có trường hợp tìm cách né tránh, thoái thác nhiệm vụ… Có tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, chưa mạnh dạn phát huy hết vai trò trách nhiệm, còn nể nang né tránh, “giữ an toàn” không quyết liệt thực thi nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy công tác luân chuyển cán bộ là việc làm khó, nhạy cảm. Cấp ủy và người đứng đầu cần phải có sự đánh giá cán bộ thực sự khách quan, công tâm, lựa chọn cán bộ đi luân chuyển phải bảo đảm tiêu chuẩn, có năng lực thực sự, có triển vọng phát triển tốt, phù hợp với vị trí, chức danh để cán bộ phát huy. Đồng thời phải có lộ trình, công khai, minh bạch, bước đi đồng bộ, thận trọng, khoa học, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên, nơi đi và nơi đến.
Phương Vinh
Báo Thanh Hóa