Quảng Bình thực hiện việc tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cấp huyện
Một buổi làm việc giữa Tạp chí Xây dựng Đảng và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Bình.
Những mặt được  

Trên cơ sở rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn đại học, cao cấp lý luận chính trị, có năng lực, trình độ và triển vọng phát triển phù hợp, có khả năng đảm nhiệm tốt chức danh, ngay từ tháng 3-2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định tăng thêm hai phó bí thư huyện uỷ phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ. Đến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, cả hai đồng chí được đại hội đảng bộ tỉnh bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và giữ chức vụ bí thư đảng bộ trực thuộc đảng bộ tỉnh (huyện uỷ Quảng Trạch và Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh). Đến 2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục luân chuyển đồng chí bí thư tỉnh đoàn về giữ chức vụ phó bí thư huyện uỷ Quảng Trạch, phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ. Như vậy, từ khi có chủ trương tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ và chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện, đến nay, Quảng Bình đã có hai đảng bộ được tăng thêm ba đồng chí giữ chức vụ phó bí thư phụ trách công tác TCCSĐ.

Nhìn chung, số đơn vị cấp huyện được thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh phó bí thư tại Quảng Bình bảo đảm đúng quy định, không quá 1/3 tổng số đơn vị cấp huyện. Các huyện được chọn là những huyện có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn, phức tạp, số lượng đảng viên đông và có nhiều TCCSĐ trực thuộc. Cán bộ được luân chuyển, bố trí vào chức danh tăng thêm đều là cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cả ba đồng chí đều được quy hoạch vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.  

Sau khi được tăng thêm phó bí thư phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ, các đơn vị đã kịp thời điều chỉnh quy chế làm việc, phân công trách nhiệm rõ ràng trong thường trực cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tạo sự thống nhất, đồng bộ và phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân trong hoạt động chung của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và trách nhiệm trong từng lĩnh vực được giao.  

Việc tăng thêm phó bí thư là tăng thêm chức danh, tăng thêm vị trí, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh; vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ, vừa giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực, có triển vọng để bố trí vào chức vụ cao hơn. Thực hiện tăng thêm phó bí thư là tăng thêm sức mạnh cho thường trực các huyện uỷ, tạo điều kiện bao quát tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp uỷ cấp huyện. Cán bộ được luân chuyển là người khác địa phương nên trong xây dựng kế hoạch, lãnh đạo tổ chức thực hiện khách quan hơn, tránh được tình trạng cục bộ địa phương.  

Đồng thời, việc thực hiện chủ trương tăng thêm phó bí thư phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ giúp cho cấp uỷ huyện nắm chắc tình hình ở cơ sở, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn, tạo hiệu quả trong việc xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, củng cố, kiện toàn các TCCSĐ yếu kém và xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đủ về số lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương. Thông qua việc tăng thêm chức danh phó bí thư để từng bước điều chỉnh, bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách hay nơi mà công tác xây dựng TCCSĐ gặp nhiều khó khăn. Các huyện này đã có thêm nhân sự để phân công chuyên sâu các lĩnh vực trọng yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Thường trực cấp ủy nơi được tăng thêm có thời gian đi cơ sở nhiều hơn, thực hiện việc kiểm tra, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  

Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý tăng thêm tại cấp huyện đã có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường mới; có sự tiến bộ trong nhận thức về quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp chỉ đạo toàn diện, sâu sát hơn; thể hiện được tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, năng động, cùng tập thể, cấp uỷ triển khai các chương trình kinh tế - xã hội đạt hiệu quả.  

Còn những khó khăn  

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tích cực, nhưng so với yêu cầu thì tiến độ thực hiện của Quảng Bình còn chậm, ở một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức. Việc tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ chưa trở thành nền nếp thường xuyên; chưa thực sự gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ một cách cơ bản, lâu dài; chưa quan tâm việc bố trí cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.  

Các địa phương khi được tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác TCCSĐ, bước đầu còn lúng túng  trong tổ chức thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Có nơi khi cấp trên có chủ trương tăng thêm các chức danh nói trên về địa phương thì còn băn khoăn và cho rằng cấp trên thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ.  

Để việc tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền cấp huyện phát huy hiệu quả, thiết nghĩ cần tiếp tục có sự đầu tư, đánh giá một cách cụ thể trên phạm vi cả nước, theo đó cần tập trung giải quyết tốt một số nội dung.  

Trước hết,
phải xác định việc thực hiện chủ trương trên là phù hợp, để có cơ sở tiếp tục thực hiện chủ trương, đồng thời cho tăng thêm tỷ lệ các đơn vị được tăng thêm phó bí thư cấp huyện phụ trách xây dựng TCCSĐ và phó chủ tịch UBND cấp huyện; đồng thời cho thí điểm tăng thêm phó bí thư ở các đảng bộ xã, phường, thị trấn.  

Thứ hai, về độ tuổi cán bộ diện tăng thêm đối với các chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ và phó chủ tịch UBND cấp huyện quy định là dưới 40 tuổi, nhưng trong thực tế rất khó thực hiện, vì cán bộ trong quy hoạch ở độ tuổi này quá ít. Do đó cần có sự điều chỉnh theo hướng tăng độ tuổi đối với cán bộ luân chuyển.  

Thứ ba, để giải quyết vấn đề về tâm lý cán bộ cho địa bàn luân chuyển, cần bố trí cho các tỉnh một số biên chế dự phòng để phục vụ cho công tác tăng thêm với các chức danh nêu trên. Những nơi có cán bộ cấp trên luân chuyển về, đề nghị cho tăng thêm một số chức danh cán bộ chủ chốt để địa phương chủ động được nguồn cán bộ sau khi cán bộ hết thời gian luân chuyển tăng thêm được điều động, bố trí công tác khác.  

Việc tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền cấp huyện đến thời điểm này ở Quảng Bình đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công tác xây dựng đảng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn của tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất