Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) hiện có 22 doanh nghiệp quốc phòng - an ninh (QPAN) trực thuộc. Các doanh nghiệp có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, nghiên cứu, cải tiến, đồng bộ các loại vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân; sản xuất các loại vật tư chuyên dụng phục vụ sản xuất quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng theo chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng và Tổng cục giao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng và sản xuất hàng hóa khác, tạo điều kiện nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác có hiệu quả trang bị máy móc hiện có, đồng thời tạo nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.
Với nhiệm vụ quan trọng đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp QPAN có vai trò rất quan trọng, quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo nguồn cán bộ kế cận trong các doanh nghiệp QPAN có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Tổng cục CNQP thời kỳ mới, đòi hỏi phải thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ chủ chốt. Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây, các cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp QPAN thuộc Tổng cục CNQP đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, đảng ủy cấp trên về yêu cầu của công tác (QHCB) trong đơn vị và đã có những bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm, thể hiện trên những điểm nổi bật sau đây:
Một là, công tác QHCB chủ chốt đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng phương châm, đảm bảo nguyên tắc. Số cán bộ được đưa vào diện quy hoạch đã được rà soát, đánh giá một cách dân chủ, khách quan theo tiêu chuẩn của chức danh cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc "động” và "mở", mỗi chức danh đã quy hoạch đạt hệ số từ 1,3 đến 2,5 lần, mỗi cán bộ trong quy hoạch đã dự kiến đảm nhiệm từ 2 đến 3 chức danh. Nhiều đơn vị bước đầu phá bỏ thế cục bộ, khép kín; xem xét giới thiệu cả những người ngoài doanh nghiệp vào QHCB chủ chốt của đơn vị. Danh sách cán bộ trong quy hoạch các chức danh chủ chốt trong doanh nghiệp QPAN đã được thẩm định, tổng hợp báo cáo Ban thường vụ Đảng ủy Tổng cục xác nhận. Hàng năm, các doanh nghiệp đã có sự rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đã lựa chọn đưa vào quy hoạch được những nhân tố mới, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, thực hiện đúng quy trình QHCB theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Việc giới thiệu nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch được chỉ đạo chặt chẽ. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, xem xét QHCB chủ chốt của cấp dưới, kế thừa QHCB chủ chốt đã có, đồng thời căn cứ vào những quan điểm, định hướng của cấp trên; cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp xác định nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch, chỉ đạo cơ quan tổ chức cán bộ của mình phối hợp với các cơ quan liên quan, tổng hợp các thông tin về cán bộ, đề xuất danh sách cán bộ dự kiến đưa vào quy hoạch để tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, lấy phiếu giới thiệu của cán bộ chủ chốt và giới thiệu của cấp uỷ viên đương nhiệm về nguồn quy hoạch cấp uỷ và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ tiếp theo. Nhìn chung, việc tổ chức các hội nghị xin ý kiến giới thiệu cán bộ đưa vào quy hoạch bằng phiếu kín đều đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng thành phần theo hướng dẫn, thực hiện đầy đủ các bước, đảm bảo đúng thẩm quyền của các cấp ủy đảng trong QHCB, khắc phục được những biểu hiện tiêu cực; đã chú ý đến đảm bảo cơ cấu, tính kế thừa và phát triển trong quy hoạch.
Ba là, số lượng, chất lượng cán bộ đưa vào QHCB chủ chốt trong các doanh nghiệp được nâng cao. Tổng số cán bộ được quy hoạch giai đoan 2010 - 2015 là 1.615 (tăng 15%) so với nhiệm kỳ trước, trong đó cán bộ nữ là 91, chiếm tỷ lệ 5,63 % (tăng 35%); 17 doanh nghiệp khối sản xuất đã quy hoạch được tổng số 1.130 cán bộ, trong đó cán bộ nữ là 66, chiếm tỷ lệ 5,8%; 4 doanh nghiệp khối đóng tàu quy hoạch tổng số 375 cán bộ, trong đó có có cán bộ nữ là 14 chiếm tỷ lệ 3,7%; 01 doanh nghiệp khối kinh doanh thương mại quy hoạch được tổng số 145 cán bộ, trong đó cán bộ nữ là 11 chiếm 7,5%. Về trình độ chuyên môn: có 76 cán bộ có trình độ sau đại học (chiếm 4,7% tổng số, tăng 40,7% so với nhiệm kỳ trước); 1.525 cán bộ có trình độ đại học (chiếm 94,4%, tăng 17%); 14 cán bộ có trình độ cao đẳng (giảm 26,3). Về trình độ lý luận chính trị: 72 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận (chiếm 4,45%, tăng 24,1%); 1.529 cán bộ có trình độ trung cấp lý luận và tương đương (chiếm 94,6%, tăng 17,7%); có 14 cán bộ có trình độ sơ cấp lý luận và tương đương (chiếm 0,86%, giảm 63%). Về độ tuổi trong quy hoạch: từ 30 tuổi đến 35 truổi là 165 (chiếm 10,2%, tăng 39,8); từ 35 tuổi đến 40 tuổi là 335 (chiếm 20,7%, tăng 7,3%); từ 40 tuổi đến 45 tuổi là 417 (chiếm 25,8%); từ 45 tuổi đến 50 tuổi là 401 (chiếm 24,8%); từ 50 đến 55 là 317 (chiếm 19,6%, tăng 52,4%). Nhờ có QHCB chủ chốt nên các doanh nghiệp QPAN thuộc Tổng cục CNQP đã phát hiện và tạo nguồn cán bộ khá dồi dào, không những đảm bảo lớp kế cận cho doanh nghiệp mà còn tạo nguồn cho cơ quan Tổng cục. Cơ chế phát hiện và đào tạo có định hướng đối với những cán bộ trẻ, có triển vọng nằm trong quy hoạch đã hình thành và đi vào nền nếp.
Bốn là, gắn kết công tác QHCB với đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý. Trên cơ sở quy hoach cán bộ của các doanh nghiệp, những năm qua Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục đã chỉ đạo cơ quan chính trị tổ chức điều tra thống kê, tính toán nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ hàng năm và dài hạn trình Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục xem xét phê duyệt để thực hiện. Trong hơn 8 năm qua, Tổng cục CNQP đã mở được 4 lớp đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị cho hơn 400 cán bộ; đã cử 162 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh; hơn 200 cán bộ đi đào tạo đại học; 74 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 27 cán bộ đạo tạo về chỉ huy cấp chiến lược; 32 cán bộ đào tạo chỉ huy cấp trung, sư đoàn và hàng ngàn cán bộ qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ của Tổng cục được nâng lên rõ rệt. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ cán bộ trong diện được quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh quy hoạch.
Việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ hơn. Đại đa số cán bộ chủ chốt được bổ nhiệm, luân chuyển đều nằm trong quy hoạch, tính hình thức và tình trạng quy hoạch "treo" được khắc phục. Qua đánh giá, hầu hết cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển trong trong nguồn quy hoạch thời gian qua đều đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ thực hiện công tác QHCB ở các doanh nghiệpthuộc Tổng cục CNQP, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải thường xuyên chú trọng công tác tư tưởng, tổ chức tốt việc nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các nghị quyết của TW, nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy Tổng cục, văn bản hướng dẫn của cơ quan tổ chức cán bộ các cấp về công tác QHCB, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp uỷ, người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị, trong Tổng cục nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung, cách làm, từ đó đề cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với công tác QHCB, nhất là cán bộ chủ chốt.
Hai là, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Ban thường vụ cấp ủy cần có sự lãnh đạo tập trung, sâu sát về công tác quy hoạch, đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí uỷ viên để chỉ đạo thực hiện ở doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc. Định kỳ Ban thường vụ cấp ủy xem xét phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trực thuộc theo phân cấp. Cục Chính trị, Phòng cán bộ Tổng cục, các Phòng chính trị ở các doanh nghiệp phải bám sát những quan điểm, định hướng của Trung ương, nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, trong Tổng cục cũng như trong các doanh nghiệp để thống nhất trong hành động. Mặt khác phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thẩm định QHCB của các doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, kịp thời phối hợp xem xét giải quyết những vướng mắc trong QHCB. Các cấp ủy ở các doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm về công tác QHCB ở cơ quan, đơn vị mình. Các Phòng chính trị ở các doanh nghiệp cần phát huy vai trò tham mưu, đề xuất; chủ động nghiên cứu tình hình, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ cho cấp uỷ, tập thể lãnh đạo thảo luận, đưa ra quyết định đúng đắn, công tâm, khách quan trong công tác QHCB trong doanh nghiệp.
Ba là, quán triệt và thực hiện đúng các nguyên tắc, phương châm, quy trình QHCB. Phải tôn trọng thực hiện thật nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của cấp uỷ đi đôi với phát huy trách nhiện của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, mở rộng dân chủ, khách quan trong việc phát hiện nguồn, trong đánh giá cán bộ, giới thiệu vào quy hoạch. Phải làm tốt công tác rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện có, cả cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn, làm cơ sở cho việc QHCB chủ chốt. Chú trọng xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp làm cơ sở cho việc xem xét giới thiệu cán bộ, đánh giá cán bộ đưa vào quy hoạch. Trong xây dựng quy hoạch phải quán triệt phương châm “động” và “mở” khắc phục cho được những biểu hiện cục bộ, khép kín trong từng bộ phận, từng đơn vị; bám sát các quan điểm, định hướng của cấp trên, thực hiện thận trọng, nghiêm túc, đầy đủ các bước trong quy trình xây dựng quy hoạch.
Bốn là, phải thực hiện quy hoạch đồng bộ ở các cấp và phải kết hợp chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chung để tạo nguồn quy hoạch từ xa, cần tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dự nguồn trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ vừa để đào tạo, bồi dưỡng, vừa rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh quy hoạch. Việc luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu bầu cử cán bộ phải dựa trên cơ sở QHCB đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, triển vọng phát triển.
Năm là, định kỳ hàng năm phải rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh QHCB để đảm bảo quy tính khoa học, khả thi. Tuy nhiên, việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ thực hiện một cách dân chủ, khách quan, theo quy trình chặt chẽ, phải xem xét thận trọng đưa vào quy hoạch những nhân tố mới nhất là cán bộ trẻ có nhiều triển vọng, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những đồng chí không còn điều kiện, những đồng chí sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, thoái hoá, biến chất; không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, những đồng chí có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút. Mặt khác, cần thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, tổng hợp báo cáo theo quy định, định kỳ hàng năm phải tổ chức kiểm điểm đánh giá, rút ra những kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác QHCB ở các doanh nghiệp.
Nguyễn Đức Hiền
Phòng cán bộ, Cục Chính trị,
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng