Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng liên quan đến các khâu trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ hiện nay vẫn là khâu yếu. Điều này được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là cấp ủy, người đứng đầu và đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ cần làm tốt khâu quan trọng này để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
|
Cán bộ, công chức Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị trao đổi công việc chuyên môn.
|
Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) nhận định “vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ trong đánh giá cán bộ”; Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) tiếp tục khẳng định, “đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến”. Điều đó cho thấy, một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn xem nhẹ tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ; chỉ xem đánh giá cán bộ là việc làm cho có; vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ trong đánh giá cán bộ; chưa coi việc đánh giá cán bộ là căn cứ quan trọng phục vụ cho các bước sau này liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí cán bộ. Quy định lấy ý kiến đảng viên nơi cư trú được quy định rõ ràng, cụ thể nhưng vẫn có tình trạng đánh giá mức độ hoàn thành tốt một cách chung chung.
Đánh giá cán bộ luôn được nhận định là khâu khó và là khâu yếu, tuy nhiên không phải không thực hiện được. Trên cơ sở những quy định của Trung ương, trong những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy các quy định trong việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ với nhiều cách làm hay, hiệu quả trong thực tiễn. Một trong những mô hình hay đó là tiến hành thực hiện cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo gắn với sản phẩm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, cái được rõ nhất của việc triển khai mô hình này chính là công tác đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cụ thể, thực chất hơn. Bản chất của việc cam kết trách nhiệm là lời hứa từ hai phía: Ban Thường vụ, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước Đảng, trước nhân dân. Việc thực hiện lời hứa không chỉ liên quan đến chữ tín mà còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của người lãnh đạo, bắt buộc phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, cụ thể, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để thực hiện có hiệu quả các nội dung cam kết. Bên cạnh đó phải biết “khơi nguồn”, “truyền lửa”, truyền cảm hứng cho cấp dưới, tạo sự đồng bộ, lan tỏa trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị.
Để thực hiện các cam kết chính trị, các đơn vị cũng đã góp phần xây dựng, tham mưu ban hành nhiều văn bản khung, nhiều chủ trương, chính sách lớn, trọng tâm, trọng điểm về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra, như ban hành các nghị quyết chuyên đề. Trong quá trình thực hiện, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân, tổ chức. Bên cạnh duy trì chế độ giao ban công tác định kỳ hằng tháng, hằng quý, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự chuyển biến về lề lối làm việc của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra. Cơ bản hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu theo cam kết, chương trình, kế hoạch công tác năm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra.
Từ những kết quả trên cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng nội hàm cam kết của người đứng đầu là “chính thức cam đoan làm đúng những điều đã hứa”. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò, ý nghĩa của giao việc và yêu cầu cam kết trách nhiệm người đứng đầu đã thấm sâu vào nhận thức và hành động của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, đồng thời lan tỏa đến những cán bộ, đảng viên, chuyên viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo ra sự chuyển động khá rõ nét về kỷ cương, kỷ luật, nền nếp, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Từ đó góp phần thúc đẩy ý thức tự học, tự rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, sao cho thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Thông qua việc cam kết trách nhiệm đã tạo được cách nghĩ, cách làm mới, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế khi đánh giá cán bộ thông qua giao việc gắn với sản phẩm đầu ra và cam kết trách nhiệm, như: một số đơn vị không dám đưa việc khó, những việc tồn đọng kéo dài, những vụ việc mà cử tri, người dân quan tâm vào cam kết trách nhiệm với cấp trên mà chỉ lựa chọn nội dung cam kết, những nội dung có tính khả thi cao để dễ thực hiện...
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nói trên, cần xây dựng được hệ thống vị trí việc làm rõ ràng, minh bạch trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Lựa chọn, định hướng, “giao khoán” nhiệm vụ, đầu việc cụ thể và yêu cầu cam kết trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện là cách làm đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Coi đây vừa là kinh nghiệm, vừa là giải pháp quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh. Một cán bộ được đánh giá tốt là phải có sản phẩm, đo đếm bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra. Cần tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Giao việc đi đôi với cam kết trách nhiệm, có sản phẩm đầu ra của công việc, lấy sản phẩm công việc làm thước đo trong đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Cần mạnh dạn đề nghị các cấp có thẩm quyền chủ động trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những vụ việc tồn đọng kéo dài, những vấn đề nổi cộm, phát sinh khó giải quyết làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, đây là nội dung quan trọng để tạo thêm niềm tin, động lực cho cấp dưới trong cam kết thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguyễn Phi Cường