|
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và các chiến sĩ Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu).
|
Trong công tác cán bộ, đánh giá, nhận xét đúng cán bộ là khâu tiền đề để quyết định bố trí, sử dụng cán bộ, đồng thời là cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ. Song, đánh giá cán bộ là công việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ… Các cấp ủy cơ sở trong Đảng bộ Quân đội với chức năng lãnh đạo mọi mặt hoạt động trong đơn vị, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, trong đó việc đánh giá cán bộ của cấp ủy là khâu tiền đề, mang tính quyết định. Nếu đánh giá đúng cán bộ sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; đồng thời động viên, phát huy được tính tích cực, phấn đấu vươn lên của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ngược lại, nếu đánh giá sai, nhất là đánh giá của cấp ủy, người đứng đầu sẽ làm giảm lòng tin của cán bộ, làm cho cán bộ mất phương hướng, hoang mang, dao động, dẫn tới tư tưởng chán nản, nhụt chí, có những lời nói và việc làm thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm kỷ luật, pháp luật phải xử lý.
Thời gian qua, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã bám sát vào các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Quân ủy Trung ương, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, bám sát vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy về công tác đánh giá cán bộ, nhờ đó công tác đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp tiến hành so với trước đây. Quy chế đánh giá cán bộ do cấp ủy ban hành đã từng bước đưa việc đánh giá cán bộ đi vào nền nếp, ngày càng được định lượng rõ ràng, sát thực tế hơn. Thực hiện đánh giá, nhận xét cán bộ theo một quy trình chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm khách quan, toàn diện, dân chủ, công bằng, nhất quán, đánh giá đúng người, đúng việc, lấy chất lượng, hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của quần chúng làm tiêu chí cơ bản. Kết hợp chặt chẽ giữa nhận xét, đánh giá thường xuyên với định kỳ, giữa yêu cầu chung với những cán bộ công tác trong môi trường đặc thù, cả về ưu điểm và khuyết điểm, không tuyệt đối hóa một mặt nào dẫn đến sử dụng cán bộ không đúng với khả năng của họ. Đồng thời, nắm vững hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh, nhóm chức vụ, trần quân hàm đã được ban hành, làm cơ sở để đánh giá cán bộ được chính xác, tạo được lòng tin cho đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, việc đánh giá, nhận xét cán bộ trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, bất cập về nội dung, phương pháp và thực tế việc nhận xét, đánh giá. Một số cấp ủy, đơn vị còn có biểu hiện đơn giản, chủ quan, chung chung, hình thức, chưa bám sát vào nguyên tắc, quy trình, thiếu công tâm, khách quan, chưa hẳn vì yêu cầu công việc. Có trường hợp đánh giá chưa đúng người, đúng việc; đánh giá, nhận xét không sát với phẩm chất, năng lực, kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo cương vị chức trách của cán bộ… Từ đó dẫn đến tình trạng bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thậm chí bổ nhiệm “người nhà” thay vì bổ nhiệm “người tài”, gây ra những bức xúc và dư luận không tốt trong cơ quan, đơn vị. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019 của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ: “Nhận xét, đánh giá cán bộ có trường hợp chưa thực chất, chưa nhất quán, còn biểu hiện né tránh, nể nang”.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế bất cập trên là do chưa xây dựng được tiêu chuẩn cán bộ cụ thể cho từng chức danh, thiếu tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, việc đánh giá còn chung chung, thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, khoa học, dẫn đến những vướng mắc và tính hình thức trong quá trình thực hiện, phản ánh không đúng thực chất. Trong đánh giá, ngoài các nội dung có tính định tính thì các nội dung về chất lượng chuyên môn, kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng chưa được lượng hóa, đo lường. Một số cấp ủy, đơn vị đánh giá thiếu khách quan, phiến diện về năng lực, trình độ thực của cán bộ. Còn biểu hiện nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức, thiếu công tâm trong nhận xét, đánh giá; một số đồng chí cán bộ có kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, thậm chí có sai phạm nhưng vẫn được xem xét, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm.
Do đó, việc nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ của các cấp ủy cơ sở trong Quân đội hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cũng như đề cao tính minh bạch, trung thực, công tâm, khách quan của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần nghiên cứu, quán triệt sâu rộng, tuân thủ đầy đủ và đúng đắn những quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là mục đích, yêu cầu, căn cứ, mức độ, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, quy trình đánh giá… đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của các cấp, trong đó có Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 12-6-2017 của Quân ủy Trung ương “về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11-2-2019 của Quân ủy Trung ương “về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”... Đồng thời, cần sớm xây dựng và thực hiện quy chế, hướng dẫn quần chúng tham gia đánh giá cán bộ ở đơn vị cơ sở. Thống nhất quan điểm, việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của cán bộ; không thể chỉ dựa vào một việc làm mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Tức là phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển trong công tác đánh giá.
Hai là, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá toàn diện, rõ ràng và định lượng cụ thể, chú trọng việc lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo. Cần dựa trên các tiêu chuẩn chung để xác định tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng chức danh, từng vị trí công việc, công tác của cán bộ một cách cụ thể, rõ ràng trên cơ sở kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cụ thể cần được lượng hóa cả về phẩm chất và năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ mới có thể đánh giá đúng, đầy đủ và tạo nên sự nghiêm túc thực sự trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ. Xây dựng phương thức đo lường, đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Đánh giá xuyên suốt, liên tục nhằm nhìn nhận cả chặng đường rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của cán bộ từ khi giữ cương vị thấp đến cao. Đánh giá đa chiều nhằm có cái nhìn tổng hợp, toàn diện về cán bộ, thông qua việc kết hợp đánh giá từ trong nội bộ và từ bên ngoài, đánh giá từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó cần coi trọng ý kiến đánh giá, giám sát của quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác đánh giá cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ba là, xây dựng cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, cơ quan chính trị vững mạnh. Cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, cơ quan chính trị, đặc biệt là đội ngũ làm công tác cán bộ cần bám sát và căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được cụ thể hóa theo từng cấp; căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của từng cán bộ trên thực tế, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và mức độ tín nhiệm đã được lượng hóa để xem xét, đánh giá và kết luận. Việc xem xét, đánh giá cán bộ là một đòi hỏi khách quan nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của người xem xét. Vì vậy, cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng cấp trên cần tích cực bồi dưỡng cho các cấp ủy cấp dưới và đội ngũ cán bộ làm công tác này những kiến thức, kỹ năng bài bản, đầy đủ, chuyên sâu về chuyên môn công tác cán bộ; tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường; nắm vững đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị, không cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bè phái. Bên cạnh đó, bồi dưỡng cho họ luôn có ý thức đúng đắn với công việc, nhiệm vụ, nắm chắc tình tình, tham mưu, đề xuất đúng, trúng cho cho cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan cán bộ trong việc nhận xét, đánh giá.
Bốn là, minh bạch, công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ và công khai hóa kết quả đánh giá cán bộ. Khi đánh giá cán bộ cần xem xét các ý kiến đánh giá từ nhiều phía. Trước hết, cần coi trọng tự đánh giá của mỗi cán bộ, bởi chính họ là người biết rõ những việc mình làm, nhất là khi mỗi người có chức trách, nhiệm vụ khác nhau, công tác ở các chuyên môn khác nhau. Đánh giá cán bộ không chỉ dựa vào ý kiến nhận xét nội bộ, mà cần coi trọng cả ý kiến của cá nhân, tập thể, các tổ chức có liên quan trong đơn vị, nhất là ý thức, trách nhiệm, kết quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ. Phải coi trọng những ý kiến đó, bởi nó mang tính khách quan, trung thực, không vụ lợi. Cá nhân cán bộ được đánh giá cần được biết ý kiến đánh giá của tập thể, của những người có thẩm quyền, của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên để có hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm của mình. Đồng thời, cán bộ phải được nêu ý kiến, phản hồi về những nhận xét chưa chính xác, chưa đúng đắn và đề nghị cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị và cơ quan cán bộ điều chỉnh, sửa đổi, nhận xét lại về bản thân mình.
Thượng tá Đỗ Ngọc Huy
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng