Mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã ở Cao Lãnh
Cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng trong một buổi trao đổi với Huyện uỷ Cao Lãnh về công tác tổ chức xây dựng đảng. Ảnh: Quốc Khánh
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X) và Kế hoạch số 32-KH/TU ngày 13-5-2008 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện uỷ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Theo kế hoạch của Huyện uỷ, đảng ủy xã Mỹ Xương, Tân Hội Trung được chọn thực hiện thí điểm bí mô hình này. Tháng 6-2010, Ban Thường vụ Huyện uỷ thống nhất chọn thêm Đảng uỷ xã Bình Thạnh. Cả 3 đơn vị được lựa chọn là những địa phương có tình hình kinh tế-xã hội phát triển tương đối ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất, cán bộ có năng lực, đáp ứng được yêu cầu về công tác đảng và chính quyền. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, rút ra một số ưu điểm và hạn chế sau:

Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch uỷ UBND xã kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước, hạn chế được tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở; tạo sự thống nhất, liên thông trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Giảm bớt cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, có lợi cho cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm. Trách nhiệm cá nhân được phân định rõ ràng, huy động được sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần trách nhiệm, trình độ và năng lực công tác của cán bộ cơ sở được nâng cao.

Từ khi thực hiện mô hình, các cuộc họp giảm, thời gian họp cũng được rút ngắn hơn, công việc  được quyết định và giải quyết nhanh hơn. Một số “khâu trung gian” trong lãnh đạo, điều hành, như báo cáo, xin ý kiến, chờ chủ trương... giảm hẳn nên bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND xã có nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công việc.

Nâng cao được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức đảng, xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND. Việc chỉ đạo thống nhất đã tăng cường đoàn kết nội bộ, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở… Kết quả thực hiện thí điểm mô hình này góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của xã đều hoàn thành tốt.

Tuy nhiên, thực hiện mô hình này cũng còn một số hạn chế, nảy sinh một số khó khăn trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ vừa có năng lực về công tác đảng, vừa có năng lực quản lý nhà nước, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, giỏi tham mưu, đề xuất, có đủ uy tín để lãnh đạo, điều hành. Thực tế hiện nay cán bộ tham mưu, giúp việc còn thiếu và yếu nên có thời điểm bị quá tải, xử lý chưa kịp thời, hiệu quả công việc chưa cao. Chế độ, chính sách cho cán bộ nói chung, trong đó có bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hiện nay chưa phù hợp. Các văn bản của Đảng, Nhà nước chưa có sự điều chỉnh đối với việc nhất thể hóa hai chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND  và đội ngũ cán bộ cơ sở khi thực hiện chủ trương này.

Để tiếp tục thực hiện tốt mô hình bí thư, chủ tịch UBND xã là 1 người ở Cao Lãnh cần:

Bản thân bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND phải chủ động, tích cực phấn đấu, rèn luyện để phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, trong lãnh đạo, điều hành, phải nắm bắt thông tin nhanh, giải quyết công việc kịp thời, thường xuyên, liên tục. Có cấp phó và đội ngũ cán bộ cơ sở thực sự có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm. Xây dựng quy chế, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất