Hiện nay, đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường có 18 đồng chí (tuổi đời từ 25 đến 35) chiếm 54,5% tổng số giảng viên của trường. Đây là lực lượng kế cận đang dần tự khẳng định mình, có tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy và nghiên cứu lý luận. Họ đang phấn đấu làm tốt “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa lý luận với thực tiễn.
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh, cũng là nơi hội tụ của nhiều trí thức trẻ. Mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường đều nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”(*). Nhà trường luôn chú trọng làm tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ. Ngay từ đầu vào, các đồng chí đã trải qua khâu tuyển chọn về chuyên ngành đào tạo, khả năng sư phạm, xem xét quá trình học tập, tu dưỡng tại các trường đại học… Trong thời gian tập sự, các đồng chí được bộ phận chuyên môn giao một số bài giảng, nhiều đồng chí đã khẳng định được mình từ bước đi đầu tiên ấy.
Việc giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã là một việc làm khó, nhưng việc nắm được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân cũng như phản ánh đúng tình hình để làm căn cứ góp phần hoạch định đường lối, chính sách còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Bởi vậy, nhiệm vụ của người giảng viên không chỉ trình bày những vấn đề lý luận đơn thuần mà phải thổi hồn vào bài giảng, làm cho mỗi tiết học trở nên sống động, khơi dậy niềm tin yêu trong mỗi học viên vào con đường mà Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn. Để thực sự đảm đương được nhiệm vụ này, đội ngũ giảng viên trẻ đã không ngừng phấn đấu cả về trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bám sát và hiểu biết thực tiễn với vai trò vừa là một cán bộ khoa học, vừa là một chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết.
Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, trong đó tập trung chủ yếu vào đội ngũ giảng viên trẻ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nhiều đồng chí đã được cử đi học cao học, nghiên cứu sinh tại các học viện và các trường đại học trong nước. Các giảng viên trẻ của nhà trường đều đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong số 18 đồng chí có bằng cử nhân, 3 người có hai bằng cử nhân (chiếm 16,7% ); 5 người có bằng thạc sĩ (chiếm 27,8%); 16/18 đồng chí đã qua lớp bồi dưỡng chương trình chuyên viên và hiện tại có 7 đang học cao học (chiếm 38,9%). Như vậy, khoảng hai năm nữa, 12/18 đồng chí sẽ có trình độ thạc sĩ (chiếm 66,7%). Nhà trường thường xuyên cử giảng viên đi dự các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy mới ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Nhiều giảng viên trẻ đã được tham gia lớp bồi dưỡng này. Trong những năm tới, nhà trường tiếp tục cử các đồng chí đi thi và dự các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy mới.
Song song với việc đào tạo chuyên môn, nhà trường chú ý bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học. Đến nay, 100% giảng viên trẻ đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại và hầu hết các giảng viên trẻ đều sử dụng thành thạo máy chiếu. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại trong các tiết học về lý luận chính trị đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy tính năng động, linh hoạt của người học, góp phần gắn lý luận với thực tiễn.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên trẻ đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, viết tham luận khoa học, viết bài cho Nội san nhà trường, cho các báo, tạp chí trung ương và địa phương, tham gia thực hiện đề tài cấp khoa, cấp trường... Qua đó, khả năng tư duy độc lập, khả năng tổng hợp, phân tích, nhìn nhận vấn đề ngày càng sâu sắc, khả năng viết, diễn đạt ngày càng được trau dồi, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy.
Nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ đi tham quan, khảo sát thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, nghe nói chuyện thời sự, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao... Nhà trường chú trọng đưa giảng viên đi thực tế ở cơ sở, về với cơ sở. Thời gian đi thực tế có thể kéo dài một đến hai tháng liên tục. Sau thời gian đó, giảng viên trẻ trưởng thành nhanh về nhiều mặt, hiểu biết thực tiễn được nâng lên, tự tin và vững vàng hơn khi lên lớp. Đến nay, 16/18 đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, 2/18 đồng chí đã học qua lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Tuy nhiên, trường Chính trị Bắc Giang cũng còn gặp những hạn chế như: Một bộ phận giảng viên trẻ chưa qua các lớp trung cấp, cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị, chưa nắm chắc những kiến thức lý luận chính trị nền tảng. Một số giảng viên trẻ chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ, nhất là vấn đề tự học, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, khả năng sư phạm phục vụ công việc giảng dạy…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém trong đội ngũ giảng viên trẻ, nhà trường tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thường xuyên giúp các giảng viên trẻ nhận rõ vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước.
Mạnh dạn giao việc cho đội ngũ giảng viên trẻ để họ có môi trường thực tiễn học tập, rèn luyện, tiếp cận được các công việc của một cán bộ khoa học, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Giảng viên trẻ cần tiếp tục rèn luyện các mặt: tập viết, tập giảng, rèn luyện tác phong sư phạm, kỷ luật làm việc, kỷ luật phát ngôn, bản lĩnh chính trị, tinh thần cầu thị...
Đối với những giảng viên trẻ chưa qua trung cấp, cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị, sau khi tuyển dụng, nhà trường tạo điều kiện cho họ theo học các lớp lý luận chính trị không tập trung mở tại tỉnh, vừa học, vừa làm, nâng cao trình độ.
Có cơ chế, chính sách toàn diện về công tác cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ, chế độ bổ nhiệm, khen thưởng… nhằm động viên, khuyến khích giảng viên trẻ say mê với công việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung.
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang phấn đấu xây dựng một đội ngũ giảng viên trẻ thực sự vững vàng, là lực lượng kế cận xứng đáng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới.
-----------------------------------
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.269, 273.
Nguyễn Thị Thiện
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang