Những năm qua, dưới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực văn hoá, văn học và nghệ thuật nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đời sống của đại đa số những người hoạt động trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn; chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với lực lượng này còn thiếu và gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều ban, ngành cũng chưa quan tâm đúng mức đối với cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.
Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó có việc hướng đến thực hiện mục tiêu: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phát hiện và khẳng định những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hóa, văn nghệ; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, bình đẳng đối với văn nghệ sĩ trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, bảo đảm cho văn nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng; thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ đặc biệt với nhân tài của đất nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật...”(1). Để làm được điều đó, cần tập trung vào các vấn đề cơ bản như:
Một là, cần có chính sách đào tạo, đãi ngộ thoả đáng đối với những người hoạt động văn hóa, văn học và nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật cũng như các hình thức sáng tạo khác của con người không thể nảy sinh trong một thời gian ngắn mà cần phải có thời gian để đào luyện, cần phải có một nguồn vật chất đủ mức cần thiết và một bầu không khí tâm lý thuận lợi. Bởi thế, đào tạo, chuẩn bị cho người hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật, nhất là người lãnh đạo và quản lý là một quá trình.
Người làm nghệ thuật không thoát khỏi những ràng buộc về điều kiện sinh hoạt vật chất đời thường. Vì thế, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, xây dựng và thực hiện tốt các chính sách với họ là điều kiện cần để thúc đẩy sự phát triển văn hoá, văn nghệ. Sự chăm sóc, đãi ngộ phải thoả đáng với từng người, bởi sáng tác nghệ thuật là sáng tạo cá nhân, phải có tài năng nghệ thuật thực sự mới có những đỉnh cao trong phát triển văn hoá. Điều đó cũng có nghĩa, đối với hoạt động nghệ thuật, Đảng và Nhà nước phải có đầu tư thích đáng, hợp lý mới có thể gặt hái được những thành tựu.
Hiện nay, cần thiết phải sửa đổi chính sách, chế độ cho cán bộ hoạt động trong ngành này bởi nhiều chế độ, chính sách không còn phù hợp. “Hiện hệ số các bậc lương quy định cho ngạch diễn viên thấp hơn hệ số bậc lương của một số ngành trong bảng lương viên chức nhà nước... bảng lương của họ quy định như bảng lương viên chức thuộc các ngành khác theo 3 hạng: I (cao cấp), II (ngạch chính), III (cán sự). Muốn nâng ngạch phải đủ tiêu chuẩn theo quy định và phải qua kỳ thi. Nhưng một số ngành như múa thì mới có đến cao đẳng và xiếc thì mới có đến trung cấp... Một số chức danh khác như nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc... còn áp dụng bảng lương viên chức của chức danh công việc được giao như biên tập viên, chuyên viên... là chưa phù hợp. Lương thì như thế, còn tiền bồi dưỡng thanh sắc, vốn chẳng là bao, nhưng chỉ nghệ sĩ trong biên chế mới được hưởng. Lớp trẻ thì càng thiệt thòi. Nhiều đơn vị mời nghệ sĩ trẻ cộng tác chỉ với lương hợp đồng gần 1 triệu đồng/tháng”(2).
Chính sách đãi ngộ thoả đáng, hợp tình, hợp lý sẽ giúp cho các nghệ sĩ và các tổ chức hoạt động văn hoá, văn học và nghệ thuật của Nhà nước không bị lệ thuộc vào nhu cầu, trình độ thưởng ngoạn bất kỳ nhưng có khả năng "chi trả" trong công chúng. Từ đó ngăn ngừa khủng hoảng, xuống cấp và tha hoá trong sáng tạo nghệ thuật, tránh được nguy cơ mất đi vai trò định hướng, trở thành nô lệ của loại thị hiếu thấp kém. Đảng ta chủ trương: “Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”(3).
Chăm sóc đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật còn bao gồm thái độ và xử lý một cách hiểu biết, có lý, có tình khi văn nghệ sĩ có tác phẩm cần xem xét hoặc bản thân có sai lầm, khuyết điểm. Nếu có một cách đối xử khoan dung, đánh giá khách quan, thật sự trân trọng và nâng đỡ văn nghệ sĩ khi họ có tác phẩm tốt cũng như khi họ có vướng mắc, sai lầm thì sẽ cảm hoá, tập hợp được rộng rãi đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động vì sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Hai là, bố trí, sử dụng đúng cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hoá, văn học và nghệ thuật.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Văn hoá, văn học và nghệ thuật là lĩnh vực có đặc thù, có vai trò quan trọng trong xây dựng con người mới XHCN. Phụ trách lĩnh vực này, người cán bộ ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức còn phải là người yêu thích, tâm huyết, am hiểu nghề nghiệp, hiểu đặc thù của lao động nghệ thuật, biết cách tổ chức, làm việc với từng cá tính sáng tạo để có được tình cảm của giới văn nghệ sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn cán bộ: Ai lãnh đạo, hoạt động trong ngành nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Trong điều kiện CNH-HĐH hiện nay, công tác cán bộ càng cần phải có chuyển biến nhằm đáp ứng được yêu cầu của Đảng ta về xây dựng nền văn hoá “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đội ngũ những người làm công tác văn hoá, văn nghệ nước ta phần lớn được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Mặc dù phẩm chất chính trị, đạo đức của người cán bộ rất quan trọng, không gì có thể thay thế được nhưng không thể lấy đó thay thế trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Người lãnh đạo và quản lý ở các cơ quan văn hoá, văn nghệ có vai trò mang tính quyết định trong việc cụ thể hoá đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa hạt này.
Hiện nay có tình trạng bố trí người chưa đủ chuẩn cần thiết vào phụ trách lĩnh vực văn hoá, văn học và nghệ thuật. Có những địa phương, đơn vị khi bố trí cán bộ phụ trách văn hoá thường tính đến người làm công tác tuyên huấn, tuyên truyền. Khi có được cán bộ tuyên huấn trong cơ quan lãnh đạo văn hoá thì xem như lĩnh vực này đã đủ người quán xuyến. Nhiều cấp uỷ viên được phân công phụ trách công tác văn hoá, văn nghệ không có kiến thức cơ bản, nếu có thì cũng không đầy đủ về lĩnh vực này nên lúng túng trong công việc. Không ít cơ quan tham mưu cho cấp uỷ không thông thạo về hoạt động nghệ thuật, lúc thì buông lỏng, lúc thì nặng về dùng biện pháp hành chính, nặng cấm đoán, thiếu dân chủ hoặc giản đơn thô thiển, tạo nên bầu không khí tâm lý không thuận lợi cho hoạt động văn nghệ, nhất là với sáng tác. Đây là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả lãnh đạo và quản lý trong lĩnh vực này.
Để bố trí đúng và đủ cán bộ phụ trách các cơ quan văn hoá, văn nghệ, cần tiến hành việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị, nâng cao kiến thức chung và thường xuyên bổ túc kiến thức mới về văn hoá. Khâu đào tạo, bồi dưỡng phải được tiến hành một cách có kế hoạch trên cơ sở khảo sát, nắm vững yêu cầu của từng loại đối tượng. Từ những vấn đề thực tiễn, vận dụng lý luận nhận thức mới về văn hoá, xây dựng những quy định lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hoá. Khâu quy hoạch cần chuẩn bị một lực lượng cán bộ văn hoá làm cơ sở (nguồn) cho việc lựa chọn những cán bộ có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp uỷ và các cơ quan hoạch định chính sách tầm vĩ mô về văn hoá.
Nền văn hoá, văn học và nghệ thuật nước ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều quan trọng bậc nhất đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực này là bố trí đúng cán bộ, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, vượt qua được những chi phối của lợi nhuận để làm việc vì mục đích nhân văn chân chính và được xã hội thừa nhận.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên ở các đơn vị hoạt động văn hoá, văn học và nghệ thuật. Tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật là lực lượng nòng cốt đảm bảo cho đường lối chính sách văn hoá, văn nghệ của Đảng được triển khai đúng hướng, có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo vai trò lãnh đạo, tổ chức, tập hợp và đoàn kết những người làm công tác văn hoá, văn nghệ theo định hướng của Đảng.
---------------------------
(1). Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01-3-2011: Phê duyệt Đề án "Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sỹ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật" thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
(2). Xuyên Sơn. Về chính sách đãi ngộ: Càng thương các nghệ sĩ!, Báo Lao Động ngày 27-4-2011.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, H.2011, tr.225.
Ths. Phạm Thị Hằng