Quan điểm cơ bản của đồng chí Lê Đức Thọ về đề bạt và sử dụng cán bộ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở vùng ngoại ô thành phố Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ là một người cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Trong công tác tổ chức cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Trưởng Ban Tổ chức Xứ ủy Nam bộ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (1948-1954); Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1956-1973) và (1976-1982)… Đồng chí luôn thể hiện là một nhà hoạt động lý luận và thực tiễn xuất sắc, có nhiều đóng góp quan trọng cho Đảng trong việc tham mưu xây dựng đường lối và chỉ đạo thực tiễn hoạt động công tác tổ chức cán bộ, trong đó có việc đề bạt và sử dụng cán bộ.

1. Đề bạt và sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng

 Đồng chí Lê Đức Thọ từng nói: “Việc đề bạt nhiều cán bộ lên những cương vị mới để đảm đương nhiệm vụ mới là một sự đòi hỏi khách quan. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, đáp ứng sự phát triển của đội ngũ cán bộ, Đảng và Nhà nước chẳng những phải ra sức đào tạo cán bộ, mạnh dạn đề bạt cán bộ, mà còn phải mạnh dạn giao việc cho cán bộ, phát huy đầy đủ tác dụng của đông đảo cán bộ”[1]. Mạnh dạn đề bạt và mạnh dạn sử dụng cán bộ phải đi đôi với nhau. Đồng thời phải làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện chủ trương đó.

2. Đề bạt và sử dụng cán bộ theo đường lối công tác cán bộ của Đảng

Đường lối công tác cán bộ của Đảng nhấn mạnh đến việc lựa chọn, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ ưu tú xuất thân từ công nông, từ phong trào cách mạng.

Đường lối cán bộ của Đảng cũng coi trọng việc đề bạt cán bộ trong những người trí thức ưu tú. Trong đề bạt và sử dụng cán bộ cần chú ý kết hợp cán bộ công nông với cán bộ trí thức. Hai loại cán bộ đó có những ưu điểm và nhược điểm riêng, có thể bổ sung ưu điểm cho nhau và cùng giúp nhau sửa chữa nhược điểm.

Phải quan niệm đúng đắn về tiêu chuẩn đức và tài trong đề bạt, sử dụng cán bộ. Đồng chí cho rằng, người cán bộ có đạo đức là người tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, suốt đời hi sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng. Người cán bộ có đức còn phải có ý thức tổ chức và kỷ luật, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng trong và ngoài Đảng tín nhiệm. Đồng chí phê phán một số người chưa nhận thức đầy đủ về đạo đức cán bộ, đảng viên, chỉ xem xét thái độ bề ngoài, hoặc qua sinh hoạt thông thường, đó không phải là những vấn đề chủ yếu để đánh giá đạo đức người cán bộ.

Về tài năng, đồng chí cho rằng, người cán bộ có tài là người có năng lực đảm đương được những nhiệm vụ mà Đảng giao phó, tức là biết vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của công tác, có năng lực về nghiệp vụ, về khoa học, kỹ thuật theo quan điểm của giai cấp công nhân. Đức và tài có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau: “Một người cán bộ tốt không thể chỉ có đức hoặc chỉ có tài. Nếu không có đức thì không thể có tài thật sự, hoặc không có tài thì khó mà có đức trọn vẹn. Có đức mà không có tài thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao cho. Có tài mà không có đức thì không thể phục vụ được giai cấp công nhân và nhân dân lao động và xét cho đến cùng cũng không thể gọi là có tài được”[2]. Chính vì vậy, khi xem xét đề bạt và sử dụng cán bộ phải quan niệm đúng đắn về tiêu chuẩn đức tài, coi đức là gốc nhưng không vì vậy mà xem nhẹ tài năng.

3. Giải quyết tốt vấn đề về nhận thức tư tưởng và phương pháp công tác trong đề bạt và sử dụng cán bộ

Đồng chí Lê Đức Thọ chỉ rõ: “Khi xem xét cán bộ, chúng ta phải nhìn quá trình công tác của cán bộ nhưng nhất định chúng ta không thể coi đó là căn cứ duy nhất để đề bạt cán bộ của Đảng. Nên nhớ rằng, không nhất thiết cán bộ nào có tuổi đảng cao, hoặc trước kia đã tham gia cấp ủy đảng thì ngày nay đều có đầy đủ tiêu chuẩn đức tài. Điều quan trọng để làm căn cứ đề bạt và sử dụng cán bộ cho đúng là phải xem xét trình độ đức tài hiện nay của cán bộ”[3]. Khi xem xét cán bộ phải tìm hiểu người cán bộ một cách toàn diện, không để cho những quan điểm lạc hậu về đẳng cấp trong xã hội cũ chi phối, dẫn đến đề bạt và sử dụng cán bộ theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Đương nhiên, chúng ta không nên đề bạt cán bộ một cách ngang tắt khi cán bộ chưa trải qua rèn luyện thực tế, chưa được giáo dục, bồi dưỡng đến mức độ cần thiết.

Đối với cán bộ trẻ và cán bộ lâu năm, khi đề bạt và sử dụng, đều phải xuất phát từ tiêu chuẩn đức tài. Phải biết đánh giá đúng để đề bạt và sắp xếp cán bộ vào vị trí thích hợp, có lợi cho công tác của Đảng, Nhà nước, đồng thời có lợi cho việc rèn luyện của cán bộ đó. Phải biết kết hợp giữa cán bộ lâu năm và cán bộ trẻ để bổ sung ưu điểm cho nhau, giúp nhau khắc phục nhược điểm.

Đồng chí phê phán một số đồng chí khi vận dụng tiêu chuẩn cán bộ đã quá cầu toàn, thiếu linh hoạt, cho nên không tìm thấy cán bộ có đủ tiêu chuẩn để đề bạt và sử dụng. Đồng chí chỉ rõ: “Trong hàng ngũ cán bộ, trình độ đức tài của mỗi người cũng không giống nhau, cương vị công tác cũng khác nhau, ngành nghề cũng khác nhau. Trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật nói chung của cán bộ ta chỉ có hạn. Cho nên, phải tùy theo trình độ đức tài hiện có của cán bộ mà mạnh dạn đề bạt và sử dụng cán bộ”[4].

Trong cán bộ của chúng ta, ai cũng có ít nhiều khuyết điểm, sai lầm, vấn đề là phải phân biệt mức độ sai lầm và xem xét việc sửa chữa sai lầm của họ. Nếu họ đã nhận thức được sai lầm và sửa chữa sai lầm và xét họ có đủ tiêu chuẩn thì cần mạnh dạn đề bạt và sử dụng. Tất nhiên, đối với những đồng chí phạm sai lầm lớn, cần phải có thời gian lâu dài để thử thách và rèn luyện.

Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng, chúng ta chưa chú ý đầy đủ đến vấn đề cán bộ nữ, chưa mạnh dạn đề bạt cán bộ nữ, chưa thấy hết vai trò và vị trí của cán bộ phụ nữ, nên chưa tích cực bồi dưỡng, tạo điều kiện cho chị em tiến bộ. Theo đồng chí: “Muốn giải quyết tốt vấn đề đề bạt và sử dụng cán bộ nữ, chúng ta phải giải quyết tốt những quan điểm sai lệch trên đây và bản thân chị em cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa”[5]. 

Đối với việc đề bạt sử dụng cán bộ các dân tộc thiểu số, đồng chí khẳng định đó là vấn đề Đảng ta rất quan tâm. Đảng ta ra sức đẩy mạnh sự phát triển về kinh tế và văn hóa ở các vùng dân tộc thiểu số. Nó đảm bảo cho sự đoàn kết dân tộc, bảo đảm thực hiện bình đẳng hoàn toàn và thật sự giữa các dân tộc. Muốn vậy, chúng ta phải quan tâm đến đào tạo cán bộ người dân tộc, mạnh dạn đề bạt và sử dụng cán bộ người dân tộc trong mọi mặt công tác, đấu tranh chống lại các quan điểm lệch lạc, phiến diện, cầu toàn, thiếu tin tưởng ở khả năng của người cán bộ dân tộc thiểu số.

Về cán bộ ngoài Đảng, đồng chí cho rằng: “Chúng ta phải phát huy đầy đủ tác dụng của cán bộ ngoài Đảng và mạnh dạn đề bạt, sử dụng những người có đủ đức tài”[6].

4. Chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ

Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: “Trong khi đề bạt và sử dụng cán bộ, chúng ta thường gặp một trở ngại đáng chú ý là hiện tượng suy bì, tính toán hơn kém trong một số cán bộ với nhau. Hiện tượng suy bì, so sánh đó một phần là do những tư tưởng bảo thủ và một chiều gây ra, song một phần nữa là do những tư tưởng cấp bậc, địa vị mà có”[7]. Nếu thấy có những trường hợp đề bạt hoặc sử dụng cán bộ không đúng thì nên phản ánh với cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu sửa chữa, không nên gây thắc mắc trong hàng ngũ cán bộ.

Đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh, việc đề bạt cán bộ của Đảng không phải là việc “thăng quan tiến chức”, mà chỉ là việc phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ. Trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ phải nghiên cứu tỉ mỉ, cân nhắc kỹ càng, xét xem để cán bộ ở cương vị nào thì thích hợp với yêu cầu công tác và tương xứng với đức tài của họ, không nên vì sự suy bì thắc mắc không chính đáng của một số ít đồng chí khác mà rụt rè trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ. Phải kiên quyết đấu tranh chống mọi khuynh hướng bảo thủ, một chiều trong việc xem xét, đề bạt cán bộ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, có như vậy mới đề bạt và sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được.

5. Đề bạt và sử dụng cán bộ phải đi đôi với việc bồi dưỡng cán bộ

Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng “việc đề bạt và sử dụng cán bộ phải đi đôi với việc bồi dưỡng cán bộ. Dao sắc dùng lâu ngày mà không mài thì sẽ cùn đi. Đề bạt và sử dụng cán bộ không đi đôi với bồi dưỡng thì nhất định cán bộ sẽ đuối sức, không đảm đương tốt được nhiệm vụ và ảnh hưởng đến sự tiến bộ của cán bộ. Bồi dưỡng cán bộ không những tạo điều kiện cho việc đề bạt và sử dụng cán bộ, mà còn là quá trình tiếp tục việc đề bạt và sử dụng cán bộ”[8]. Trong quá trình bồi dưỡng cán bộ phải kiểm tra, theo dõi nắm vững tình hình để giúp đỡ cán bộ tiến lên. Có nắm vững tình hình tư tưởng và khả năng của cán bộ thì mới có kế hoạch đề bạt và sử dụng cán bộ được chu đáo, nếu không thì việc đề bạt, sử dụng cán bộ sẽ trở thành bị động chắp vá. Bởi vậy, các cấp ủy và tổ chức đảng cần có kế hoạch toàn diện và chủ động trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ. Phải nắm vững cán bộ một cách có trọng tâm, xem xét cán bộ một cách toàn diện trong cả một quá trình công tác lâu dài, chứ không phải chỉ trên giấy tờ, lý lịch.

*     *

*

Việc đề bạt và sử dụng cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng. Những quan điểm cơ bản của đồng chí Lê Đức Thọ về đề bạt và sử dụng cán bộ đã góp phần to lớn vào việc chỉ đạo thắng lợi công tác tổ chức cán bộ của Đảng cả trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ths Đinh Ngọc Quý

 Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh


(1) Lê Đức Thọ: “Một số vấn đề về xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và chống Mỹ, cứu nước”, Nxb Sự Thật, H, 1967, tr 106.

(2,3) Sdd, tr 119, tr 113

(4,5) Sdd, tr 116; tr 118

(6,7) Sdd, tr 119

(8) Sdd, tr 119

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất