Trong những năm gần đây, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ở Quảng Ninh đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chuẩn hoá đúng ngạch ngay từ khâu tuyển dụng, nên đã phát huy hiệu quả cao trong công việc.
Việc thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ CBCC cơ sở và đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã, phường, thị trấn công tác đã từng bước trẻ hoá, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, đáp ứng yêu cầu công việc. Không chỉ khâu tuyển dụng, mà ngay cả việc đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC cũng có nhiều chuyển biến, gắn sát với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ. Từ năm 2006 đến hết tháng 6-2010, toàn tỉnh có 42.250 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước, trong đó 21.354 lượt người được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, 9.753 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; còn lại là đào tạo về quản lý nhà nước, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học.
Việc cử CBCCVC đi đào tạo bồi dưỡng tại các cơ sở nước ngoài cũng được quan tâm, với 160 lượt người tham gia, chủ yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý nhà nước; xây dựng và quy hoạch chính sách; kỹ năng làm việc… Phần lớn CBCCVC chủ động sắp xếp công việc, thời gian hợp lý, tự túc một phần kinh phí để học tập, nâng cao trình độ. Nhờ đó mà tỷ lệ CBCCVC có trình độ sau đại học toàn tỉnh ngày càng tăng.
Tính đến tháng 8-2010, trong tổng số 22.887 CBCC cấp tỉnh, cấp huyện có 555 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương; 7.500 người có trình độ đại học; còn lại là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp… Trong 3.473 CBCC cấp xã, có 1.030 người có trình độ đại học, cao đẳng; 1.531 người có trình độ trung cấp; 70 người có trình độ sơ cấp; tuy nhiên vẫn còn 842 người chưa đủ tiêu chuẩn.
Để đội ngũ CBCCVC hiểu được nhu cầu, từ đó có biện pháp giúp đồng bào vùng dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tổ chức biên soạn tài liệu tiếng dân tộc Dao Thanh Phán để giảng dạy cho đội ngũ CBCCVC, lực lượng vũ trang công tác tại vùng có đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán sinh sống. Trong 2 năm 2009-2010, tỉnh đã đào tạo tiếng dân tộc Dao cho 210 người.
Việc nâng cao trình độ của đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giúp tỉnh, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo sát với thực tiễn, gắn với đời sống của người dân trên địa bàn; vận dụng sáng tạo đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào giải quyết nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo ra những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ năm 2006 đến nay 12,7%. Từ năm 2009-2010, tỉnh đã tập trung đầu tư từ ngân sách cho phát triển văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ; chất lượng y tế, giáo dục ngày càng nâng cao; đời sống nhân dân vùng khó khăn, miền núi được cải thiện, thu hẹp dần khoảng cách giữa các khu vực v.v…
Tuy nhiên, đội ngũ CBCCVC của tỉnh hiện vẫn còn những mặt hạn chế. Ở cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ đầu ngành về lĩnh vực tin học rất ít. Ở cấp xã vẫn còn nhiều CBCC chưa được đào tạo cơ bản, có hệ thống; có tới 842 CBCC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ theo quy định. Theo quy định về tuyển dụng viên chức và công chức hiện nay, người tình nguyện công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn… được cộng thêm điểm vào tổng điểm thi tuyển (hoặc xét tuyển); nhưng hiện các quy định của Chính phủ, bộ, ngành liên quan không có văn bản nào quy định xã, huyện nào được áp dụng chính sách này, gây khó khăn cho tỉnh và các huyện khi tổ chức thi tuyển.
Đội ngũ CBCCVC có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh trên tất cả các lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã ghi: Cần nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách, chú trọng bồi dưỡng CBCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… Bởi vậy các cấp trong tỉnh cần phải chủ động, quan tâm hơn nữa đến khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Nguồn: Báo Quảng Ninh