Tỉnh ủy Vĩnh Long lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Công, trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm); thị xã Bình Minh và thành phố Vĩnh Long với 109 xã, phường, thị trấn. Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế -  xã hội, tháng 11-2011, Tỉnh uỷ Vĩnh Long ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Chương trình 09 của Tỉnh ủy Vĩnh Long tập trung vào 6 nội dung trọng tâm: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị; của ngành giáo dục; của lĩnh vực y tế; phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp; phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. 

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đã tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp về mục đích, yêu cầu của Chương trình… Hầu hết các cấp uỷ thực hiện đúng kế hoạch và lộ trình đề ra. Không ít chính sách được thực hiện nhằm hỗ trợ học tập, đào tạo, giúp cán bộ, công chức yên tâm về đời sống khi tham gia các khóa học. Đồng thời thu hút cán bộ tham gia học tập, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển biến tích cực trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được ghi nhận đều khắp trong toàn tỉnh.

Chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị được nâng lên: có 727 cán bộ được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị hành chính; trung cấp lý luận chính trị là 3.559. Về chuyên môn nghiệp vụ, có 1.066 cán bộ đào tạo sau đại học; đại học và cao đẳng là 2.383. Thực hiện Đề án 100, Vĩnh Long đã cử đi học ở nước ngoài là 53 ứng viên (41 ứng viên đã tốt nghiệp về nước). Ngoài ra, đào tạo cán bộ ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương 30 đồng chí. Về bồi dưỡng nghiệp vụ có 33.312 lượt cán bộ tham gia học kiến thức quốc phòng - an ninh và nghiệp vụ cho khối đảng, khối chính quyền… Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị đã đi vào nền nếp, việc đào tạo được thực hiện theo quy hoạch và cân nhắc kỹ, hạn chế tình trạng lãng phí thời gian, tiền bạc…

Công tác phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học được các cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm. Ngành giáo dục đã xây dựng quy hoạch, đưa nhiều cán bộ, giáo viên đào tạo sau đại học, giúp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có đu năng lực, trình độ quản lý và giảng dạy hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ cho ngành giáo dục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu dạy và học… Về cơ bản, số lượng cán bộ quản lý đáp ứng được công tác quản lý của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Tính đến 31/12/2014, có 99% cán bộ quản lý đạt trình độ đại học trở lên. Năm 2015, cán bộ quản lý các khoa đào tạo, ban giám hiệu các trường cao đẳng, đại học có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 121/131, tỷ lệ 92,37%. Đội ngũ giảng viên của các trường được nâng cao về trình độ. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn ít so với yêu cầu. Cơ sở vật chất một số nơi còn thiếu, trang thiết bị không phù hợp với chương trình đào tạo, chưa phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Các ngành nghề đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chưa dự báo được yêu cầu về nguồn nhân lực của các ngành nghề tương lai, sinh viên gặp khó khăn trong định hướng chọn ngành, nghề để học tập…

Tỉnh ủy Vĩnh Long đặc biệt quan tâm chỉ đạo, củng cố phát triển nguồn nhân lực Ngành Y tế. Trong đó chú trọng nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, củng cố y đức, tổ chức bộ máy, thực hiện chế độ, chính sách công tác động viên đội ngũ cán bộ y tế. Tỉ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học trên một vạn dân đạt chỉ tiêu đề ra theo lộ trình. Cán bộ sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã đáp ứng  nhu cầu công tác của đơn vị, phát huy  hiệu quả đào tạo, nhất là lực lượng bác sĩ công tác ở các trạm y tế… Đến hết năm 2014, tổng số bác sĩ khoảng 601, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân là 5,79; đào tạo sau đại học là 131 và 439 đào tạo đại học. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế cũng còn không ít vướng mắc. Sự quá tải ở cac cơ sở khám chữa bệnh tạo áp lực về nguồn cán bộ đào tạo; chỉ tiêu hằng năm của tỉnh phụ thuộc nhiều vào chỉ tiêu đào tạo của các trường và tỉ lệ thi đậu của sinh viên…

Phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề được các cấp, các ngành và lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển. Các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề được quan tâm bố trí đầy đủ. Hầu hết các đơn vị thực hiện tốt hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Việc dạy nghề được thực hiện gắn với giải quyết và nhu cầu việc làm, giúp lao động có thu nhập sau khi học nghề. Giai đoạn 2011-2014 triển khai thực hiện tuyển sinh đào tạo nghè cho 136.769 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh tăng từ 38,11% (năm 2011) lên 50,05% (năm 2014).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và có chính sách hỗ trợ hợp lý. Công tác tổ chức đào tạo được thực hiện nghiêm túc… Trong năm 2012, 2013, 2014 thông qua hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp, phối kết hợp với các cơ sở đào tạo đã mở được nhiều lớp học như “Ứng dụng tin học trong quản lý nhân sự”, “Kỹ năng xây dựng nội quy lao động”, “Kỹ năng thương thuyết hiệu quả trong kinh doanh”, “Quản trị và thu hồi công nợ”… Tuy nhiên, có doanh nghiệp nhỏ hiện nay chưa nhận thức tốt tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin quản lý, từ đó chưa thật quan tâm đến việc tham gia các chương trình đào tạo của tỉnh. Nhiều trường hợp không tham gia, hoặc không ít học viên tham gia nhưng không hoàn thành tốt các khóa đào tạo do bị chi phối bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.      
  

Việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch được các cấp, ngành quan tâm. Với chỉ tiêu đào tạo ít nhất 10 cán bộ đầu ngành văn hoá, thể thao và du lịch, đến nay đã đào tạo được 1 tiến sĩ ngành giáo dục thể chất; đã đưa đi đào tạo 24 thạc sĩ… Với lĩnh vực này, nhìn chung ngành văn hoá, thể thao, du lịch không có chiến lực phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, lâu dài. Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn thiếu sự gắn kết theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Từ thống nhất cao về nhận thức trong toàn Đảng bộ, các cấp các ngành, các địa phương trong tỉnh và sự quyết tâm mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, 4 năm qua, các lĩnh vực đều có bước chuyển biến đáng kể trong phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để Chương trình hành động đạt chỉ tiêu đề ra, các ngành, các các cấp cần nỗ lực khắc phục những hạn chế, vướng mắc ở một số lĩnh vực hiện nay. Đồng thời, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt sâu rộng trong nội bộ để thống nhất cao về mục đích, ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc thực hiện Chương trình 09. Thường xuyên kiểm tra và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị…

Hai là, quan tâm nhiều hơn đến các nhóm đào tạo trong Chương trình chưa đạt kết quả cáo như nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, doanh nghiêp, nông thôn. Chú ý đào tạo gắn với địa chỉ; đối tượng cán bộ chủ chốt đào tạo gắn với quy hoạch. Định hướng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, tránh đào tạo tràn lan.

Ba là, coi trọng các giải pháp liên kết với các trường, các học viên để cử sinh viên, cán bộ đi học. Tăng kinh phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư cho hoạt động đào tạo. Có chính sách thu hút, ưu đãi nhân tài, trong đó chú ý vấn đề bố trí, sắp xếp việc làm đúng ngành nghề sau khi được đào tạo.


Bốn là, các ngành được phân công cần đánh giá cụ thể mặt được, chưa được để có kế hoạch điều hành, uốn nắn kịp thời và tháo gỡ những vướng mắc…

Với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng sự quyết tâm cao của các cấp ủy, các ngành, các địa phương trong tỉnh, là cơ sở tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực của Vĩnh Long trong tương lai. Từ đó góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất