Vai trò của chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức, như: (1) Luật Viên chức được Quốc hội quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ của viên chức là “Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ”; (2) Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; (3) Quyết định 163/QĐ-TTg ngày 25-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 1016-2025; (4) Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”…

Việc thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua đã giúp viên chức nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch và của từng vị trí chức danh đang đảm nhận. Kết quả đó càng khẳng định vai trò rất lớn của chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức.

Trước nhu cầu phát triển của đất nước, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho hoạt động nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập, để thích ứng với điều kiện mới, mỗi đơn vị cần đầu tư phát triển nhân sự bởi đây là nhân tố quan trọng đem đến hiệu quả hoạt động của đơn vị và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Hiện nay, khả năng hoạt động nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của viên chức nước ta chưa được đánh giá cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức nhằm từng bước nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vai trò của chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức được thể hiện ở các khía cạnh dưới đây:

Một là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ viên chức chuyên nghiệp mà còn có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hơn nữa, thông qua đào tạo và bồi dưỡng, viên chức nâng cao hiệu quả thực hiện công việc, khả năng tự giác, tự tiến hành công việc độc lập.

Hai là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức giúp cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý viên chức sử dụng có hiệu quả tối đa sức lao động và có chiến lược đầu tư cho sức lao động; giúp viên chức hiểu rõ bản chất công việc, nghề nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng của viên chức đối với công việc tương lai; đào tạo và bồi dưỡng tốt, cơ quan, đơn vị sẽ duy trì và nâng cao được chất lượng viên chức nhờ đội ngũ có trình độ chuyên môn, giúp cơ quan, đơn vị nâng cao tính ổn định, tính linh hoạt trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giúp cơ quan, đơn vị chuẩn bị đội ngũ viên chức kế cận trong giai đoạn phát triển.

Ba là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức góp phần thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính, giúp phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội về các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và các lĩnh vực khác, đồng thời củng cố niềm tin của người dân về một nền hành chính phục vụ nhân dân.

Bốn là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước bởi Việt Nam đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong quá trình này, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, đặc biệt đội ngũ viên chức là lực lượng nòng cốt góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Vì vậy, đội ngũ viên chức phải có hiểu biết sâu rộng và năng lực thật sự tốt để thực hiện sứ mệnh cao cả này.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức tốt hơn nữa, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho viên chức phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức, chọn viên chức có năng lực, có sự đầu tư, nghiên cứu và chịu trách nhiệm tổ chức thực thi chính sách; đồng thời tạo điều kiện cho những viên chức này được tham gia đào tạo về chuyên ngành chính sách công và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành, đảm bảo viên chức nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức để tổ chức thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng bài bản, khoa học và hiệu quả.

Thứ hai, đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể là cơ sở đào tạo cần đầu tư xây dựng hoàn thiện, chuẩn hóa chương trình, giáo trình phù hợp với thời gian đào tạo, bồi dưỡng và các hệ đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, tránh sự trùng lắp kiến thức và lãng phí thời gian; cần xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho nhóm đối tượng là viên chức; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tránh những bài giảng lý thuyết, thuyết trình khô khan; phương pháp thảo luận nhóm, làm việc nhóm, tăng cường đối thoại, trao đổi giữa học viên và giảng viên cần được kết hợp hài hòa, hợp lý trong nội dung chương trình. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đào tạo, bồi dưỡng viên chức và đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với yêu cầu đổi mới.

Thứ ba, cải cách chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Ngoài các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức, cần tăng cường các khoản tiết kiệm chi thường xuyên, các dịch vụ sẵn có cho nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ thêm một phần các khoản chi phí mà người học không được chi theo quy định: chi phí học chuyển đổi, lệ phí ôn thi đầu vào, kinh phí thực tế cuối khóa,… để giảm bớt khó khăn cho viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần quan tâm động viên về mặt tinh thần, tạo điều kiện về mặt thời gian, hỗ trợ giải quyết công việc trong thời gian viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo sự an tâm đối với viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo sự ủng hộ của toàn thể viên chức để chính sách tiếp tục triển khai thực hiện và đạt kết quả cao hơn, đồng thời khắc phục những bất hợp lý của chế độ chính sách chung.  

Thứ tư, cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về thủ tục thanh toán chi phí đối với viên chức đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng; đảm bảo đầy đủ, kịp thời, công bằng, công khai về chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với tất cả các đối tượng thụ hưởng.

Đứng trước những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh hiện nay, vấn đề quan trọng là phải đào tạo, bồi dưỡng viên chức cho phù hợp, đảm bảo đủ trình độ, năng lực và phẩm chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao. Đội ngũ viên chức có chất lượng cao sẽ là điều kiện tiên quyết để chúng ta thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Hồng Hải (2019), Một số giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo năng lực, Tạp chí Quản lý nhà nước.
3. Nguyễn Văn Phong (2017), Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay, Tạp chí Tổ chức Nhà nước
4. Trần Việt Tiến (2018), Vai trò của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đối với hoạt động thực thi công vụ, Tạp chí Công thương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất