Mỗi lần thăm dò, quy hoạch, bổ nhiệm, bầu cử là một lần trong cơ quan lại xôn xao bàn tán về cán bộ. Đó là tình trạng chung ở mọi đơn vị, địa phương và cả nước, phần nào phản ánh tính tích cực chính trị của các cá nhân trong tập thể, xã hội. Họ nhận xét về người này, đánh giá về người kia, ý của lãnh đạo thế nào, quần chúng ra sao. Những ai được bỏ phiếu thăm dò phải đắn đo, cân nhắc: ủng hộ người này thì mất lòng người kia, nếu người mình không ủng hộ lại trúng cử thì sao v.v... Ở đời, ai cũng có mặt tốt, mặt chưa tốt, ưu điểm, nhược điểm. Đó là lẽ thường tình. Nhưng trong muôn vàn lời bình phẩm, phần nhiều lại là những nhược điểm, những khiếm khuyết, những mẩu chuyện về đời tư… của người được “đưa lên bàn cân” có cơ hội bung ra. Tệ hơn, có trường hợp chụp mũ, rồi nghi kỵ, xét nét, ganh ghét. Bề ngoài, dư luận có vẻ không ảnh hưởng nhiều, nhưng thực ra nó có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, động cơ, ý thức phấn đấu của mỗi người. Đảng ta phải làm gì để trong công tác cán bộ, đặc biệt là khi đề bạt cán bộ để vừa chọn được người tài, đức, xứng đáng với cương vị được trao, vừa giảm được những tổn thương thường xảy ra trong mỗi lần đề bạt cán bộ? Từ thực tế cơ sở, tôi xin có kiến nghị sau:
1. Xác định tiêu chuẩn cán bộ.
Đã là tiêu chuẩn phải thật chuẩn. Trình độ, năng lực, phẩm chất… được đo bằng quy chuẩn cụ thể. Sau khi có tiêu chuẩn, thực hiện phải công bằng cho mọi cá nhân, tuyệt đối không được “linh hoạt” với người này, “nguyên tắc” với người kia theo ý chủ quan của người lãnh đạo.
2. Bầu trực tiếp, tranh cử.
Lâu nay, trong công tác cán bộ, chúng ta thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc đó hoàn toàn đúng. Các bước trong quy trình mà chúng ta vẫn thực hiện là: bước một quy hoạch cán bộ. Đầu tiên, phải lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng, phiếu tín nhiệm trong chi bộ đảng ở đơn vị. Sau đó, ai được từ 50% phiếu trở lên được vào danh sách trình đảng ủy bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu trong đảng ủy có ý nghĩa quyết định đối với các ứng cử viên được vào quy hoạch. Bước hai, bổ nhiệm cán bộ. Trên cơ sở danh sách cán bộ đã được quy hoạch, các ứng cử viên lại được lấy ý kiến thăm dò của quần chúng, ý kiến của chi bộ. Sau đó đảng uỷ bỏ phiếu, quyết định. Cấp có thẩm quyền ra quyết định.
Trong trường hợp đơn vị chỉ có một ứng cử viên nổi trội, thực hiện theo quy trình trên là hợp lý, tạo được sự đồng thuận chung. Nhưng nếu trong đơn vị có nhiều ứng cử viên mà trình độ, năng lực, phẩm chất các ứng cử viên không chênh lệch nhiều thì ý Đảng chưa chắc đã hợp lòng dân. Ứng cử viên được quần chúng tín nhiệm mà không được lòng lãnh đạo thì vẫn không được đề bạt. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp như thế. Ứng cử viên muốn đạt được quyền lực, ngoài việc phấn đấu, rèn luyện, đến kỳ quy hoạch hay bổ nhiệm, họ bắt đầu “chạy”. Bằng mọi cách lấy lòng quần chúng và đặc biệt lấy lòng cấp trên - bí thư đảng ủy và các đảng ủy viên. Số lượng đảng ủy viên không nhiều, nếu “chịu khó chạy” thì được đề bạt. Cách này hiện nay được nhiều người thực hiện có hiệu quả, được lan tỏa nhanh. Nó loại được những cán bộ chính trực, có trình độ, năng lực thực sự nhưng “không chịu khó chạy”, làm vừa lòng cấp trên. Hậu quả là đội ngũ cán bộ ngày càng kém về phẩm chất, năng lực. Người tài bất mãn, quần chúng bất bình. Quần chúng được bỏ phiếu nhưng không phải là lá phiếu quyết định, chỉ có ý nghĩa thăm dò. Dẫn đến tình trạng nhiều người dè chừng, thủ thế, “ba phải”, “a dua”. Dân chủ trở thành hình thức.
Khắc phục bằng cách nào? Có lẽ đã đến lúc thực hiện bầu cử trực tiếp ở cơ sở. Trình độ dân trí hiện nay đã đủ để sáng suốt lựa chọn những người có đủ tài, đức vào những cương vị quan trọng, thay mặt họ để quản lý, điều hành công việc, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của quần chúng. Bằng cách đó, dân được làm chủ thực sự. Đảng thể hiện sự lãnh đạo tập trung của mình bằng lãnh đạo các khâu trong công tác cán bộ: xây dựng tiêu chuẩn, phát hiện, đánh giá, đào tạo, huấn luyện… cán bộ, giới thiệu người của Đảng để quần chúng lựa chọn và chuẩn y khi có kết quả bầu. Nếu đảng uỷ thấy cán bộ trúng cử không đủ tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài, không chuẩn y. Ứng cử viên khi tham gia tranh cử phải trình bày cương lĩnh hành động của mình trước cử tri. Người đắc cử tự hào, người không trúng cũng thỏa mãn. Đó mới là sự đồng thuận thật sự giữa Đảng và dân. Ai cũng tự thấy cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của quần chúng và của Đảng. Quần chúng thấy rõ trách nhiệm của mình khi bỏ phiếu lựa chọn cán bộ. Loại được những kẻ cơ hội mỏng đức, kém tài, đầu cơ chính trị được “đè đầu, cưỡi cổ” người khác. Hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” không có điều kiện nảy sinh, tồn tại. Quan hệ giữa người với người trong cơ quan, đơn vị sẽ thoải mái, trong sáng, thân thiện. Môi trường chính trị - xã hội trở nên trong sạch. Đội ngũ những người hiền tài được giao trọng trách sẽ là “nguyên khí” làm nên sự hưng thịnh của cơ quan, đơn vị, cơ sở, địa phương.
TS. Nguyễn Thị Tâm
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh Khu vực III