Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá VIII) ở Bắc Giang
Một góc thành phố Bắc Giang hôm nay

Bắc Giang là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên gần 4.000km2 với 9 huyện và Thành phố Bắc Giang. Toàn tỉnh có 230 xã, phường, thị trấn (trong đó có 177 xã miền núi, 30 xã đặc biệt khó khăn). Dân số gần 1,6 triệu người, với trên 20 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 87,6% dân số. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang hiện có 15 đảng bộ trực thuộc, với 824 tổ chức cơ sở đảng và trên 6 vạn đảng viên.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên "về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá mới trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động cụ thể hoá Nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện trong từng thời gian; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy chế và dần đi vào nền nếp: Đến nay, hầu hết cán bộ chủ chốt tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đều đạt chuẩn và đã qua luân chuyển; 100% huyện, thành phố có một trong các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND không phải người địa phương. Cấp uỷ các cấp đã thực hiện tốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý cán bộ, đồng thời phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đề ra một số chủ trương, chính sách về công tác cán bộ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ tích cực công tác, nhất là cán bộ cơ sở. Do đó, đội ngũ cán bộ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm của số đông cán bộ làm công tác đảng, chính quyền, đoàn thể được nâng lên. Số cán bộ có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá các chức danh cán bộ ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30 nghìn cán bộ, công chức, viên chức (tăng 31,5 % so với năm 1997). Số cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 53%. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ công chức, viên chức tỉnh đạt 5,7% (năm 1997 là 2,5%). Nhìn chung, đội ngũ cán bộ của tỉnh có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nâng lên; tích cực tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức lối sống, tác phong công tác sâu sát cơ sở, được quần chúng tin tưởng...

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của tỉnh còn một số hạn chế, bất cập. Cán bộ giỏi ở các cấp, các ngành còn thiếu. Năng lực quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chưa thích ứng với cơ chế quản lý mới. Tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa có nhiều cán bộ lãnh đạo sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp và công tác với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, tình trạng hành chính hoá, quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở trong đội ngũ cán bộ vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở cấp xã. Tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tuy có nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm như xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài chính... Việc bố trí cán bộ trong một số trường hợp còn nặng về cơ cấu. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung còn hạn chế, nhất là kiến thức về quản lý nhà nước. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chậm đổi mới, nặng về lý luận, thiếu thực tiễn. Một số nơi chưa gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bố trí, rèn luyện, thử thách cán bộ, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu...

Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số cấp uỷ, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thấy hết vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chủ trương, quan điểm về chiến lược cán bộ thể hiện trong Nghị quyết. Tính chủ động, tích cực đi sâu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ với cấp uỷ, chính quyền của cơ quan tham mưu còn hạn chế. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chưa kịp thời.

Từ thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, với điều kiện tự nhiên phân thành hai vùng rõ rệt là trung du và miền núi, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, thực hiện Chiến lược cán bộ phải gắn chặt với công tác xây dựng đảng và công tác chính trị tư tưởng. Các cấp uỷ đảng phải chỉ đạo thực hiện tốt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH HĐH đất nước; từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về công tác cán bộ sát với thực tế, có tính khả thi cao, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đạt kết quả thiết thực.

Thứ hai, thường xuyên quán triệt, thực hiện tốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý cán bộ; xác định rõ công tác cán bộ là trách nhiệm của các cấp uỷ. Mỗi cấp uỷ thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng cán bộ theo trách nhiệm, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, sơ kết, tổng kết kịp thời để đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Thứ ba, nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ nói chung cũng như tiêu chuẩn riêng của từng loại cán bộ để có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ một cách đồng bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phát huy dân chủ, công khai, gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Trong các nội dung của công tác cán bộ cần đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ, lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để thực hiện chiến lược cán bộ.

Thứ tư, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền hạn và trách nhiệm, giữa lợi ích với nghĩa vụ, giữa cống hiến với hưởng thụ… tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, đi đôi với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, thông qua đó củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, sàng lọc cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện nhân tố mới, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Thứ sáu, công tác cán bộ phải gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng ồ ạt, không có tính kế hoạch. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có đạo đức, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm đào đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai Nghị quyết hơn 10 năm qua là cơ sở để cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề ra những biện pháp hữu hiệu đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất