Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ trong Quân đội

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(1). Thực tế lịch sử của cách mạng Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn và sức mạnh to lớn của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, công tác cán bộ là trách nhiệm và hoạt động của cấp uỷ, cơ quan chính trị, cơ quan cán bộ, chính uỷ, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy các cấp và sự tham gia của các ngành trong Quân đội, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ (cả thường trực và dự bị) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng.

Công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chỉ huy, quản lý của Quân đội.
Nguyên tắc tập trung dân chủ giữ vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ trong Quân đội. Tập trung dân chủ trong công tác cán bộ trong Quân đội tức là toàn bộ các khâu của công tác cán bộ như: đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, thực hiện chính sách cán bộ… phải được thảo luận một cách thẳng thắn, khách quan trong tập thể cấp uỷ theo nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng. Đặc biệt, những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền cấp trên quyết định, tập thể cấp uỷ (cấp đề nghị) đã thảo luận và quyết nghị đề nghị, nhưng ý kiến của cấp uỷ khác với ý kiến của người đứng đầu trong đơn vị thì phải báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu vị phải đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ, phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các việc trên.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ sẽ góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngược lại, nếu thực hiện không tốt sẽ dẫn đến lệch chuẩn trong công tác cán bộ, làm suy yếu tổ chức, suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái…
Thực tiễn thời gian qua cho thấy các cấp uỷ đảng trong Đảng bộ Quân đội đã có nhiều tiến bộ trong việc quán triệt, vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Do đó, công tác cán bộ trong Quân đội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này trong công tác cán bộ trong Quân đội vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục. Việc thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vẫn là khâu yếu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ trong Quân đội, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội về vị trí, vai trò, nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thống nhất trên cơ sở dân chủ, không tập trung độc đoán, chuyên quyền. Để tập trung hiệu quả thì dân chủ phải cao. Dân chủ càng rộng rãi thì tập trung càng đúng đắn, lành mạnh. Dân chủ và tập trung làm tiền đề cho nhau. Tập trung dân chủ được thực hiện đúng sẽ không xảy ra tình trạng phân tán, chuyên quyền, áp đặt. Trên thực tế, các quyết định tập trung sai là do nó không phải là kết quả của quá trình chuẩn bị thật sự dân chủ, công khai. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc, một mệnh đề thống nhất “dân chủ tập trung” hay “tập trung dân chủ”. Người nhấn mạnh: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”(2). Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung chứ không phải là dân chủ theo kiểu phân tán, vô tổ chức, dân chủ hình thức. Tập trung là tập trung trên cơ sở dân chủ, không phải là tập trung quan liêu theo kiểu độc đoán, chuyên quyền.

Với tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp uỷ đảng các cấp cần quán triệt, tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập nắm vững nguyên tắc này thông qua các hình thức như sinh hoạt chi bộ, học nghị quyết, trao đổi, toạ đàm…

Hai là, căn cứ hướng dẫn của cấp trên, các tổ chức đảng cần cụ thể hoá các quy chế, quy định, quy trình của công tác cán bộ phù hợp với thực tiễn từng đơn vị.

Với tính cách là một nguyên tắc, tập trung dân chủ cần được cụ thể hoá thành các quy chế, quy định, kèm theo các chế tài cần thiết, càng cụ thể càng tốt để dễ thực hiện và kiểm tra. Đặc biệt, sau khi Đảng uỷ Quân sự Trung ương ban hành Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam kèm theo Quyết định số 14-QĐ/ĐU ngày 8-1-2008 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, các đơn vị cần có hướng dẫn thực hiện đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, được thảo luận rộng rãi trước khi ban hành, có sự kiểm tra sâu sát của cấp uỷ, bám sát nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo đội ngũ cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Ba là, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng và nhân dân trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(3). Trong công tác cán bộ, đặc biệt trong khâu tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần coi trọng ý kiến của các cấp, các ngành liên quan, coi trọng nguồn thông tin do quần chúng nhân dân ở nơi công tác và nơi cư trú cung cấp. Không nên chỉ căn cứ vào ý kiến của cấp uỷ, bộ phận cán bộ trong cơ quan hoặc đảng viên trong chi bộ nhận xét về cán bộ, đảng viên đó. Hơn nữa, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, chiến sỹ dám nói lên sự thật; nghiêm khắc xử lý những cán bộ, đảng viên lạm dụng chức quyền, cục bộ, bè phái…

Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong các khâu, quy trình của công tác cán bộ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò rất quan trọng nhưng khó thực hiện, nguyên tắc này đòi hỏi ý thức tự giác cao của mỗi đảng viên. Vì vậy, phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức đảng thực hiện đúng nguyên tắc. Khi đã có các quy chế, hướng dẫn tương đối cụ thể, tuỳ theo tình hình, cấp uỷ cấp trên cần định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện nguyên tắc; cấp uỷ cùng cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cơ quan, cán bộ thực hiện đúng nguyên tắc. Mục đích của việc kiểm tra không chỉ để phát hiện mà còn nhằm khắc phục sai sót, tháo gỡ vướng mắc… giúp cấp uỷ cấp trên tổng kết thực tiễn, bổ sung các quy chế, quy định; giúp tổ chức đảng, cơ quan, cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất hiệu quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Để kiểm tra, giám sát có hiệu quả, phải có phương pháp khoa học, chú trọng dựa vào đảng viên và quần chúng ưu tú, phát động phong trào dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện thiếu dân chủ, dân chủ hình thức, độc đoán, chuyên quyền dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Đảng lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ trong Quân đội góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội thực sự là “cái gốc của mọi công việc”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”(4).

____

  (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XBCTQG, H.2007, tr.5. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.505. (3) Sđd, tập 9, tr.592. (4) Sđd, tập 12, tr.249.

 

 

 

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất