Hỏi: Khi ghi hồ sơ trích ngang về trình độ chuynê môn, lý luận hiện nay cho một cán bộ lãnh đạo huyện trong danh sách quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cơ quan tổ chức ghi:
- Trình độ chuyên môn: Đã học xong Cao đẳng Kinh tế nông nghiệp (đồng chí này theo học tại chức hết chương trình cao đẳng nhưng không thi tốt nghiệp).
- Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân chính trị (bằng do Phân viện Hà Nội - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I) cấp.
Nhưng đồng chí này cho rằng: Theo Quy định số 12-QĐ/TC-TTVH ngày 09-01-2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (sau đây gọi tắt là Quy định số 12) và Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-09-2009 của Ban Bí thư Trung ương (sau đây gọi tắt là Quy định 256) về xác định trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thì phải ghi như sau:
- Trình độ chuyên môn: Đại học chính trị
- Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp (tương đương).
Vậy ghi như thế nào là đúng?
Quách Tất Hiện
Ban Tổ chức huyện ủy Lạc Thủy, Hòa Bình
Trả lời: Hai quy định mà đồng chí nêu trên thì Quy định số 12 không còn hiệu lực thi hành kể từ 19-09-2009, ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng ký ban hành Quy định số 256 về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Về giá trị của giấy xác nhận, tại Điều 5, Quy định 256 chỉ quy định: Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, chứ không quy định trình độ lý luận chính trị được xác nhận có thể thay thế cho trình độ chuyên môn như cách hiểu của đồng chí cán bộ nói trên.
Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW ngày 21-6-2007 của Ban Tổ chức Trung ương: Một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên, tại điểm 2 (2.4), mục 12, hướng dẫn việc kê khai và chứng nhận lý lịch của người vào Đảng, hướng dẫn ghi như sau:
- Chuyên môn, nghiệp vụ: Viết theo bằng cấp về chuyên môn, nghiệp vụ (ví dụ: công nhân kỹ thuật hàn bậc 3, Trung cấp thú y, Cao đẳng sư phạm, Đại học nông nghiệp...).
Lý luận chính trị: Viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân; học hệ chính quy hay tại chức.
Như vậy, theo Quy định 256 và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thì cách ghi của cơ quan tổ chức mà đồng chí nêu là đúng.