Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường, với tuyến biên giới hơn 574km, giáp Lào và Căm-pu-chia; người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 36,3%. Tây Nguyên cũng là vùng đất giàu tiềm năng, nhưng vẫn là nơi kém phát triển bởi các khó khăn của một vùng miền núi, biên giới với 76,5% số hộ nghèo và tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh chính trị do sự chống phá của các thế lực thù địch. Muốn Tây Nguyên phát triển bền vững điều tiên quyết phải xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng.
Xác định nhiệm vụ quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, những năm qua cấp uỷ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, linh hoạt công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở; các chính sách đãi ngộ để tạo nguồn nhân lực cho cơ sở. Kết quả, tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt và vượt chuẩn tăng nhanh, chất lượng công việc từng bước nâng lên, góp phần quan trọng trong củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Toàn vùng hiện có 3.613 TCCSĐ, với 210.931 đảng viên, trong đó 18,2% là người DTTS và 3,1% đảng viên có đạo. Toàn vùng có tổng số 7.859 thôn, buôn, bon, làng, tổ dân phố (gọi chung là buôn làng) thì 99,9% buôn làng có chi bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức của 726 đơn vị hành chính cấp xã hiện có 15.724 người, trong đó 27,2% cán bộ là người DTTS; 82,5% cán bộ là đảng viên. Số cán bộ đạt chuẩn về trình độ học vấn (THPT) chiếm 88,7%(1); chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn (từ trung cấp trở lên) chiếm 84,2%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 52,7%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và buôn làng có 50.920 người (cấp xã 11.657 người; buôn làng 39.263 người). Đội ngũ cán bộ cơ sở cơ bản được chuẩn hóa; tỷ lệ cán bộ trẻ tỉnh Gia Lai chiếm 76,7%, Lâm Đồng 58,8%.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tích cực triển khai Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020”, trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định và các chính sách thu hút, hỗ trợ để tạo nguồn nhân lực cho chính quyền cơ sở. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với các địa phương trong vùng nắm tình hình, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị với Trung ương, bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một số chủ trương, chính sách mang tính đặc thù, trong đó có việc giải quyết việc làm, bố trí công tác phù hợp đối với số sinh viên của các tỉnh Tây Nguyên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (đặc biệt là số sinh viên người DTTS trong diện cử tuyển), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên vững mạnh.
Các cấp ủy, chính quyền đã triển khai Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”. Theo đó, khi tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ luôn coi trọng đối tượng, tính chất, đặc điểm của mỗi dân tộc, quan tâm quy hoạch nguồn cán bộ tại chỗ, cán bộ người DTTS, cán bộ nữ là người DTTS. Đối với những địa bàn trọng yếu, đặc biệt khó khăn, có sự kết hợp giữa luân chuyển, điều động, tăng cường một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Khi lựa chọn cán bộ tăng cường yêu cầu phải biết nói tiếng dân tộc ở địa phương đó, hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Trên các tuyến biên giới kết hợp chặt chẽ và phát huy có hiệu quả đội ngũ sỹ quan biên phòng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở các xã vùng biên giới. Bộ đội biên phòng của 4 tỉnh Tây Nguyên đang tăng cường 31 đồng chí cho các xã, trong đó 21 phó bí thư đảng ủy, 1 phó chủ nhiệm UBKT đảng ủy, 1 UVBTV đảng ủy, 2 ủy viên UBKT đảng ủy xã, 1 bí thư chi bộ, 3 phó bí thư chi bộ, 11 đồng chí tham gia HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021.
Công tác đánh giá cán bộ đối với cán bộ người DTTS chú ý tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của cộng đồng, những cán bộ DTTS là người biết làm giàu chính đáng và hướng dẫn đồng bào cách làm kinh tế, cách tổ chức cuộc sống.
Cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về hỗ trợ đối với cán bộ làm việc ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở cơ sở được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 5-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ). Việc vận dụng một số chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã kịp thời động viên đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Ban hành một số chính sách thu hút cán bộ, công chức về công tác tại các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị và nơi đặc biệt khó khăn. Đắk Lắk quy định hỗ trợ một lần bằng 10 lần mức lương tối thiểu đối với cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã; hằng tháng hỗ trợ tiền xăng xe đi lại và thuê nhà bằng 1 lần mức lương tối thiểu; nâng mức phụ cấp cho 18 chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã từ 1,0 lên 1,27; chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn từ 0,46 lên 0,8 lần mức lương tối thiểu… Đăk Nông quy định những xã nhận khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động hằng tháng được hưởng 100% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm (theo quy định của Trung ương được hưởng từ 20 đến 30%).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ người Kinh được coi trọng. Các tỉnh đưa vào giảng dạy 8 tiếng DTTS cho cán bộ người Kinh công tác ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống và biên soạn 5 từ điển song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS. Số cán bộ người Kinh nghe, hiểu được và giao tiếp bằng ngôn ngữ của đồng bào DTTS nơi địa bàn công tác tăng. Tại một số địa phương, việc biết tiếng dân tộc đã là một trong những tiêu chí để đánh giá, đề bạt, bố trí cán bộ.
Tuy nhiên, trước yêu cầu CNH, HĐH, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên còn không ít hạn chế. Phổ biến là tình trạng tuy được đào tạo, chuẩn hoá về bằng cấp, nhưng năng lực công tác chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, ít chủ động, sáng tạo, có tư tưởng ỷ lại; khả năng bao quát, quyết đoán trong quản lý, điều hành còn hạn chế. Một số cán bộ người Kinh đang công tác ở cơ sở ít thông thạo tiếng dân tộc và không am hiểu phong tục, tập quán của người DTTS nơi công tác. Một số cán bộ ở gần dân nhưng không nắm chắc tình hình cơ sở, có biểu hiện “né tránh” xử lý, giải quyết các vụ việc phát sinh ở cơ sở.
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng được nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ cấp xã; coi trọng việc lựa chọn, giới thiệu đảng viên tại địa bàn có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để bầu giữ các chức danh chủ chốt ở buôn làng.
Thứ hai, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng tăng thực hành kỹ năng giải quyết công việc, xử lý tình huống với phương châm: “Sâu một việc, hiểu nhiều việc”. Việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ người Kinh phải thực chất, không vì mục đích học để lấy chứng chỉ bổ sung hồ sơ. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở là người DTTS ngoài việc truyền đạt kiến thức chung, phải tạo điều kiện để họ được đến tận nơi, thấy tận mắt những cách quản lý, làm ăn đạt hiệu quả, tạo niềm tin vào cái mới, cái tiến bộ, làm thay đổi dần phong tục, tập quán lạc hậu, giúp họ tự tin để vượt qua những ràng buộc của “lề thói” cũ.
Thứ ba, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần mạnh dạn bố trí, đề bạt cán bộ trẻ có năng lực, nhất là cán bộ trẻ người DTTS, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, chuẩn bị nhân sự cấp ủy, HĐND cơ sở cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Cần loại bỏ tư tưởng cục bộ, địa phương, dòng họ trong quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Thứ tư, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ người DTTS, nhất là các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với số lượng người DTTS ở từng địa bàn dân cư theo Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”. Trong bố trí, sử dụng cần đặc biệt quan tâm số cán bộ người DTTS trưởng thành từ cơ sở. Thu hút và sử dụng có hiệu quả số sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp làm việc cho hệ thống chính trị cơ sở, bố trí xen kẽ với cán bộ tại chỗ đã lớn tuổi để hỗ trợ kinh nghiệm công tác cũng như phát huy kiến thức đã được đào tạo. Qua đây, giúp nâng cao hiệu quả thực thi công vụ và từng bước xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ về những xã ở địa bàn khó khăn, trọng yếu. Kết hợp giữa luân chuyển với ổn định và phát huy đội ngũ cán bộ tại chỗ. Đối với địa bàn có đủ điều kiện về chất lượng cán bộ, thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh chủ chốt cả ở cấp xã và buôn làng.
Thứ sáu, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở phù hợp với từng địa phương, gắn với lộ trình tinh giảm biên chế trong bộ máy hành chính. Khi ban hành cơ chế, chính sách phải sát nhu cầu chính đáng của cán bộ ở cơ sở, nhất là chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân người tài cho cơ sở.
Điểu Kré
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
----------------------------
(1) Chưa tính số liệu của tỉnh Đăk Nông.