Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Đoàn kết-Trí Tuệ-Đổi mới
Ủy viên Bộ Chính tri, Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI và giành được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 10,6%, cao hơn mức bình quân của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2000 - 2005 là 9,79%) và bình quân chung cả nước. Trong đó, nông nghiệp tăng 5%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,3%, dịch vụ tăng 12,6%; quy mô nền kinh tế tăng 2,24 lần, GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng 2,2 lần so với năm 2005.


Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước được tăng cường, nhất là giao thông, thủy lợi; 83,1% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; toàn tỉnh có 95% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia, 85% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, 100% số trạm y tế được kiên cố hóa và có bác sĩ phục vụ, 30% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa...


Trong công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và chú trọng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm. Ðồng thời, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư. Vì vậy, năng lực sản xuất các ngành có lợi thế tăng nhanh như công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, dệt may. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút các dự án đầu tư.


Ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện cả về quy mô, ngành nghề và thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hoàn thành cơ bản chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm đến năm 2010; nhiều công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả như: Gia cố nâng cấp 560 km đê kết hợp giao thông, nhựa hóa 90% tỉnh lộ, cứng hóa 70% huyện lộ; cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân giai đoạn II; đưa vào sử dụng Khu liên hợp thể thao tỉnh, Bảo tàng Hùng Vương; một số hạng mục chính của Ðại học Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng...


Văn hóa - xã hội được coi trọng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, mạng lưới, các loại hình trường lớp được phát triển và mở rộng, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75%. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục miền núi có tiến bộ; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được duy trì. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư xây dựng mới, bổ sung nhiều trang thiết bị theo hướng hiện đại. Chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời; thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.


Công tác xây dựng đảng được chú trọng trên cả ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ðặc biệt, Ðảng bộ tỉnh đã thường xuyên chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp đạt chuẩn, coi đây là khâu then chốt, với nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Ðồng thời, đã tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Ðiều lệ Ðảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ðến nay, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Qua quá trình thực hiện Cuộc vận động đã xuất hiện ngày càng  nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.


Trong nhiệm kỳ tới, Đại hội xác định ba khâu đột phá để kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa Phú Thọ ra khỏi tỉnh nghèo, tạo nền tảng đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp là: Ðầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch.


Về công tác xây dựng đảng, Đại hội xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Tập trung thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng trọng tâm là chuyển từ “học tập” sang “làm theo”. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện khâu then chốt là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp đạt chuẩn. Củng cố, đổi mới mô hình, nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chú trọng công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Ðiều lệ Ðảng. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp; triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ, Quy chế dân vận trong toàn hệ thống chính trị.


Phấn đấu kết thúc kế hoạch 5 năm 2010-2015, Phú Thọ đạt một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu sau đây: Tốc độ tăng trưởng GDP từ 12% đến 13%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt từ 1.500 đến 1.600 USD… Tỷ lệ tổ chức đảng TSVM hằng năm đạt từ 70% trở lên. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên. Mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên, trong đó kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp là 300 đồng chí…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nêu: Phú Thọ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến gắn liền với sự ra đời của nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam - nơi có Đền Hùng lịch sử, có đền Quốc Mẫu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời dạy quý báu đối với muôn đời con cháu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã luôn đoàn kết một lòng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, thi đua lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống, giành được nhiều thành tích, đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí ghi nhận và biểu dương thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đạt được.

Về phương hướng nhiệm kỳ tới, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Phú Thọ cần tập trung đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững để sớm thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; xây dựng tỉnh nhà trở thành trung tâm kinh tế vùng; là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của vùng trung du miền núi Bắc bộ, đầu mối giao thông quan trọng nội vùng và là thành phố lễ hội về nguồn của dân tộc Việt Nam, đồng thời là địa bàn trọng điểm về chiến lược quốc phòng - an ninh của vùng cũng như cả nước. Do đó, các đồng chí cần nhận thức rằng, xây dựng cho tỉnh Phú Thọ lớn mạnh, không phải cho mình, không phải vì mình mà vì cả phong trào rộng lớn của vùng trung du miền núi; đây là trách nhiệm rất lớn lao, nặng nề và vinh quang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Đồng chí lưu ý: Công tác xây dựng đảng hiện nay đang là khâu yếu, sinh hoạt đảng còn chung chung, có nơi chiếu lệ qua loa, phê bình và tự phê bình còn nể nang. Do đó, Đảng bộ cần tập trung mọi nỗ lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, tiếp tục phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đồng bộ, sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với công tác xây dựng Đảng bộ và bộ máy chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tâm huyết, hết lòng với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và lối sống. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, những hành vi tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực… Phú Thọ là nơi Đất Tổ, phải xây dựng mảnh đất mà tổ tiên chúng ta dày công xây dựng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đó là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ.


Với tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII. Có 44 đồng chí ứng cử và 20 đồng chí được đề cử vào danh sách bầu. Đại hội đã bầu 55 đồng chí vào Ban Chấp hành (tái cử 63, 6%, tỷ lệ nữ đạt 12,4%, dân tộc 7,3%, tuổi trẻ đạt 9%, tuổi bình quân 49 tuổi). Ban Chấp hành đã họp phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí; bầu bí thư, các phó bí thư và bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khóa XVI được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII; các đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bùi Minh Châu được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng XI gồm 20 đồng chí.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất