Đại hội lần thứ XX Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng: Nét riêng, nét mới

Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương được thành lập từ đầu năm 1997, đến nay đã trải qua 4 kỳ đại hội. Mỗi đại hội đều có nét riêng, nét mới về nội dung và nhân sự, nhưng có lẽ chưa lần nào có nhiều nét mới, nét riêng như Đại hội lần thứ XX này. Nét mới, nét riêng dễ nhận thấy nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận là lần đầu tiên đại biểu đại hội được trực tiếp bầu Bí thư Thành ủy. Một nét mới, nét riêng nữa là cũng chưa lần nào ban chấp hành đảng bộ thành phố và ban thường vụ thành ủy dự kiến được bầu với số lượng đông đến thế (ban chấp hành đảng bộ thành phố: 55 đồng chí; ban thường vụ thành ủy: 15 đồng chí). Một nét riêng không phải so với các đại hội đảng bộ trước mà là so với tất cả đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước: Có hẳn một đơn vị quận, huyện không có đoàn đại biểu dự đại hội do chưa thành lập được đảng bộ - huyện đảo Hoàng Sa. Đại hội diễn ra trong 6 buổi làm việc: phiên trù bị 1 buổi; phiên chính thức 5 buổi. Đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dự suốt 2 buổi làm việc chính thức và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XX rất có ý thức về sự cân đối giữa hai lĩnh vực nội dung và nhân sự trong đại hội và thực tế đã dành hơn 50% thời gian cho lĩnh vực nội dung. Tất nhiên điều đáng quan tâm không chỉ là thời lượng mà còn là (và chủ yếu là) chất lượng, các mối ưu tư của đại biểu đại hội về những điều chưa làm được, làm chưa có kết quả hoặc kết quả thấp trong nhiệm kỳ qua và nhất là về những cách nghĩ, cách làm mang tính đột phá để đưa Đà Nẵng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ và bền vững trong nhiệm kỳ đến. Nét riêng, nét mới của Đại hội lần thứ XX là các văn kiện đều mang tính mở - nghĩa là thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh ngay tại đại hội. Chẳng hạn, trong bài phát biểu chỉ đạo đại hội của đồng chí Thường trực Ban Bí thư có một ý tưởng mà ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu: Đà Nẵng phải “về đích sớm”! Và cũng ngay lập tức ý tưởng ấy được đại hội tiếp nhận như một mệnh lệnh của Trung ương đối với Đà Nẵng đồng thời như một lời hứa rằng Trung ương sẽ tích cực và chủ động tạo điều kiện đặc thù để Đà Nẵng có thể “về đích sớm” - được khẳng định trong diễn văn bế mạc đại hội và được ghi thêm vào dự thảo nghị quyết của đại hội. Hoặc trong Báo cáo chính trị trình đại hội có đề ra nhiều giải pháp cho 5 năm tới - trong đó giải pháp liên quan tới huyện đảo Hoàng Sa được nhắc đến mấy lần - nhưng qua thảo luận, không ít đại biểu cho rằng nhiều nhưng không sâu, đúng nhưng không đọng, và thế là dự thảo nghị quyết được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh một số giải pháp đột phá tạo động lực. Thế nhưng điều chưa thực mới, chưa thực khác của Đại hội XX Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng là tính tranh luận/phản biện tại đại hội vẫn chưa cao, số đại biểu có khả năng thoát ly bài tham luận viết sẵn để chỉ trình bày một cách hùng biện nhằm hiến kế cho đại hội những điều mình tâm đắc cũng có nhưng chưa nhiều…

Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới luôn là một công việc được tập trung chuẩn bị chu đáo trước đại hội và được dồn sức thực hiện nghiêm túc trong đại hội. Đại biểu đại hội trực tiếp bầu Bí thư Thành ủy hay giao cho ban chấp hành đảng bộ khoá mới bầu theo Điều lệ Đảng hiện hành, tất cả đều phụ thuộc vào kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tại đại hội. Và hệt như trái bóng tròn đang lăn trên sân cỏ luôn ẩn chứa những bất ngờ, khó ai có thể nói chắc được điều gì trước giờ công bố kết quả kiểm phiếu, bởi theo quy định của Trung ương, danh sách để bầu phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất 15% - muốn bầu được 55 ủy viên ban chấp hành đảng bộ khoá mới thì cần có danh sách bầu cử từ 64 ứng viên trở lên. Tại Đại hội XX, con số này là 67 cộng 1 (67 do ban chấp hành đảng bộ khoá XIX giới thiệu sẵn; 1 do các tổ đại biểu đề cử tại chỗ). Qua một vòng bầu duy nhất, Đại hội XX đã bầu đủ 55 người, gồm 38 người tái đắc cử và 17 người mới tham gia lần đầu. Có thể thấy gì qua kết quả này? Trước hết là đã đạt yêu cầu đổi mới 1/3 số thành ủy viên so với cuối nhiệm kỳ trước (so với đầu nhiệm kỳ trước như quy định của Trung ương thì tỷ lệ còn khả quan hơn). Thứ hai là kết quả bầu vẫn thể hiện tâm lý “tôn lão kính trưởng” của đại biểu đại hội, dẫn đến chỉ có 4/55 thành ủy viên là nữ và 3/55 thành ủy viên tuổi dưới 40 trong khi số lượng được chuẩn bị nhiều hơn (nữ 9/67; dưới 40 tuổi 5/67). Chính cái tâm lý “tôn lão kính trưởng” ấy mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ thành ủy viên là nữ thấp chứ không phải là tâm lý “trọng nam khinh nữ”, bởi trong 13 người không trúng cử thì có đến 8 người là nam. Và cũng chính cái tâm lý “tôn lão kính trưởng” ấy đã góp phần “lão hoá” ban chấp hành đảng bộ thành phố khoá XX: Nếu yêu cầu người được giới thiệu tái cử ban chấp hành đảng bộ thành phố khoá XXI phải còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ 60 tháng mà không có sự châm chước du di nào, thì sẽ có 35/55 thành ủy viên mới được bầu cần được thay thế trước ngưỡng cửa Đại hội XXI - một con số nhất định sẽ làm đau đầu các nhà tổ chức xây dựng đảng ngay khi Đại hội XX chưa kịp bế mạc.

Như đã nói trên, nét mới, nét riêng dễ nhận thấy nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận là cùng với 9 tỉnh khác trong cả nước, lần đầu tiên Đà Nẵng được Bộ Chính trị chọn thí điểm chủ trương đại biểu đại hội trực tiếp bầu Bí thư Thành ủy. Trong nhận thức của hầu hết đại biểu đại hội, ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn của một Thành ủy viên, ứng viên chức danh Bí thư Thành ủy khoá XX còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương Đảng thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, bởi khó hình dung một đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà người đứng đầu đảng bộ không phải là ủy viên Trung ương (đã có nhiệm kỳ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là ủy viên Bộ Chính trị). Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất đối với ứng viên chức danh Bí thư Thành ủy là vai trò thủ lĩnh - tức có đủ tầm cỡ, đủ tâm huyết đứng mũi chịu sào - để cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Với nhãn quan đó thì ứng viên thích hợp nhất là đồng chí Bí thư Thành ủy đương nhiệm vừa trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố với số phiếu bầu rất cao, lại được đại biểu đại hội tin tưởng giới thiệu với tỷ lệ áp đảo (294/299 phiếu). Điều đó giải thích vì sao 3 ứng viên khác tuy được một số đại biểu đại hội giới thiệu (một người được 3 phiếu, hai người cùng được 1 phiếu) lại xin rút khỏi danh sách để đại hội có thể dồn phiếu cho một ứng viên duy nhất là đồng chí Bí thư Thành ủy đương nhiệm. Kết quả bầu chính thức: đồng chí Bí thư Thành ủy đương nhiệm tái đắc cử với số phiếu gần như tuyệt đối: 298/299 phiếu. Tất nhiên, nếu lấy yêu cầu phải có tranh cử thực sự với ít nhất hai ứng viên ngang tầm, ngang sức để xem xét - mà yêu cầu này vẫn chưa được Trung ương chính thức đặt ra - thì kết quả Đại hội XX trực tiếp bầu Bí thư Thành ủy như vừa nêu có lẽ chưa đáp ứng được; còn nếu lấy yêu cầu khẳng định sự tín nhiệm của cả đại hội gần 300 đại biểu đối với người đang đứng đầu đảng bộ để đánh giá kết quả ấy thì có thể nói đây là một kết quả có nhiều ý nghĩa, thể hiện được sức mạnh đồng thuận - một sức mạnh nội tại đang ngày càng toả sáng ở thành phố bên bờ sông Hàn.

Khâu tổ chức - phục vụ cũng góp phần không nhỏ vào thành công chung của đại hội. Khâu này rất đa dạng, lại toàn những công việc đòi hỏi phải chu đáo đến từng chi tiết, nhất là phải tương thích về thời gian với chương trình làm việc của đại hội. Việc mở rộng dân chủ trong đại hội thông qua tự ứng cử và đề cử thêm nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới là bằng chứng cho sự thành công của đại hội, nhưng sẽ là thành công hơn nếu bộ phận in phiếu bầu kèm theo lý lịch trích ngang của từng ứng viên - đã thay đổi so với các phương án chuẩn bị trước - không để đại biểu đại hội phải chờ đợi lâu. Một ngày trước phiên trù bị của Đại hội XX Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng, bộ phận này đã mấy lần diễn tập xử lý tình huống để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian nhanh nhất mà vẫn đạt độ chính xác cao. Ngoài ra, Đà Nẵng là một đô thị chưa bị tác động của nạn kẹt xe gây tắc nghẽn giao thông nhưng làm sao cho đại biểu về dự đại hội không trễ giờ họp vì kẹt xe cục bộ cũng là vấn đề mà tiểu ban tổ chức - phục vụ đại hội phải đặt ra để giải quyết thật tối ưu và thực tế đã giải quyết rất chu toàn...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất