Giao Thủy là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định. Huyện Giao Thuỷ được tái lập từ tháng 4 năm 1997, gồm 20 xã và 2 thị trấn. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 85 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 22 đảng bộ xã, thị trấn...
Tình hình an ninh nông thôn của huyện Giao Thuỷ diễn biến phức tạp từ tháng 5-1998. Khởi đầu từ việc khiếu tố của công dân xóm 17,18 xã Giao An về chính sách kinh tế mới, từ đó lan rộng ra các xã trong toàn huyện. Năm 1998 có 9 xã; năm 1999 thêm 7 xã; đến tháng 12-2001 đã có 19/22 xã, thị trấn có đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các nội dung sau: sai phạm về thu chi ngân sách xã, về quản lý vốn quỹ hợp tác xã nông nghiệp, về quản lý đất đai, cấp bán đất trái thẩm quyền, về xây dựng các công trình phúc lợi, thu tăng thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu tăng giá trị ngày công lao động công ích, thu phạt hành chính trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, sinh đẻ có kế hoạch; sai phạm trong việc thực hiện chính sách xã hội và công tác cán bộ. Đối tượng bị khiếu nại, tố cáo tập trung vào đội ngũ cán bộ xã, cán bộ xóm (đội) và một số phòng ban có liên quan của huyện. Đối tượng đi khiếu nại, tố cáo bao gồm đảng viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh và quần chúng. Qua thống kê cho thấy đảng viên có 41 người; cán bộ hưu trí có 11 người; cựu chiến binh 45 người; thương binh 6 người. Hình thức khiếu tố là viết đơn tố cáo có chữ ký của nhiều người…
Tình hình khiếu kiện hết sức phức tạp bởi các vụ khiếu kiện đều có người cầm đầu, chỉ đạo, thường xuyên kích động quần chúng kéo đông người lên các cơ quan đảng, chính quyền các cấp. Số lượng người khiếu kiện tăng, giảm theo từng lúc, từng nơi và theo mức độ khác nhau, tập trung chủ yếu ở các xã Hồng Thuận, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hà, Giao Thịnh; thời kỳ cao điểm lên đến 400 - 500 người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do: Các cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội chưa thật sự coi trọng phát huy dân chủ, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách xã và vốn quỹ hợp tác xã nông nghiệp; sai phạm xảy ra nhiều nơi trong huyện và kéo dài, có nơi nghiêm trọng nhưng không được phát hiện, uốn nắn và xử lý kịp thời. Trong triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở vượt quá khả năng, huy động vốn quá sức dân, nhiều nơi thiếu công khai dẫn đến dân nghi ngờ, thắc mắc. Một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền tham ô, móc ngoặc làm giàu bất chính, xa rời quần chúng, vi phạm quy chế dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, gây bất bình trong nhân dân. Nhận thức về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có nơi, có lúc chưa đúng mức, chủ quan, chưa đánh giá đúng tình hình và chưa thống nhất. Đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh ở cơ sở chưa được giải quyết triệt để hoặc giải quyết không tuân thủ theo quy định của pháp luật, khi có kết luận thì xử lý không nghiêm, thậm chỉ còn nể nang, né tránh… dẫn đến công dân thiếu niềm tin vào kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, trong những năm đổi mới, cơ chế chính sách trong quản lý kinh tế còn nhiều kẽ hở, có nhiều bất cập, nhất là chính sách quản lý sử dụng đất đai, đóng góp nghĩa vụ lao động công ích; chính sách đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, trường học, chính sách đối với cán bộ cơ sở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức; ngân sách xã rất khó khăn, thường xuyên mất cân đối, thu không đủ chi. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy thu bù chi đã không được cụ thể hoá dẫn đến việc tùy tiện khi thực hiện ở cơ sở. Khi triển khai thực hiện mở rộng dân chủ chưa đi kèm với duy trì kỉ luật, kỷ cương nên dẫn đến một số cá nhân đã lợi dụng dân chủ để đi khiếu nại, tố cáo vượt ra ngoài quy định của pháp luật. Tình hình mất an ninh nông thôn ở Thái Bình và một số huyện khác trong tỉnh đã tác động và ảnh hưởng đến huyện giáp ranh như Giao Thủy. Những mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến tập quán, tình cảm cá nhân, nảy sinh mâu thuẫn giàu nghèo trong nông thôn; trình độ dân trí chưa cao, chưa đồng đều; sự hiểu biết về pháp luật, nhất là Luật khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; tư tưởng cổ hủ phong kiến ở nông thôn còn nặng nề; người đi khiếu kiện còn mang nặng tư tưởng thắng thua tạo ra những vấn đề phức tạp dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Sự việc khiếu kiện ở Giao Thuỷ kéo dài hơn 4 năm, gây rất nhiều tổn thất cho mối quan hệ gắn bó Đảng - Dân, làm mất an ninh nông thôn, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương… Khi nhắc lại sự việc này thì việc giải quyết điểm nóng ở Giao Thủy đã kết thúc khá lâu. Đến nay, cuộc sống của người dân Giao Thủy đã ổn định, được nâng cao về chất lượng. Các tổ chức đảng, chính quyền đã nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, cùng nhân dân ra sức thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn…Từ thực tiễn quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người ở huyện Giao Thuỷ trong những năm xảy ra sự việc, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, khi xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, diễn biến phức tạp, các cấp ủy, chính quyền cần phải nhanh chóng và nghiêm túc xem xét, phân tích, đánh giá đúng tình hình, xác định rõ những nguyên nhân cơ bản và có thái độ khách quan, cầu thị, tự phê bình và phê bình. Phải tranh thủ tối đa sự thống nhất cao từ cơ sở đến các ngành, các cấp để quyết định các giải pháp phù hợp. Các cấp, các ngành phải thống nhất được về quan điểm, các bước tiến hành, củng cố niềm tin trong đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngăn chặn một bước những tư tưởng sai trái, thiếu trách nhiệm, bước đầu phân hóa những người tham gia khiếu kiện có hành vi quá khích vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới giải quyết toàn bộ tình hình.
Hai là, nhanh chóng củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, kiện toàn chính quyền và các đoàn thể quần chúng đủ sức giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở. Cần kiên quyết xử lý đúng mức những cán bộ sai phạm, không còn đủ uy tín và năng lực điều hành và thay vào đó là những cán bộ có uy tín, có năng lực, có khả năng quy tụ quần chúng nhằm tạo sức mạnh mới của tổ chức. Vấn đề đặt ra là cần lựa chọn, bồi dưỡng và đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận ở cơ sở có đủ năng lực và uy tín để triển khai mọi nhiệm vụ.
Ba là, phải thường xuyên làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh kế - xã hội, tích cực đẩy mạnh công tác giám sát và kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các sai phạm, đồng thời tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, không để phát triển và lan sang các lĩnh vực khác, địa bàn khác.
Bốn là, phải tổ chức thanh tra, kiểm tra và kết luận chính xác, khách quan những sai lầm, khuyết điểm và đề xuất được giải pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Trong quá trình kiểm tra, giám sát và thanh tra phải kiên trì đối thoại, thuyết phục để phân tích làm rõ đúng sai, tạo thống nhất cao trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể với đại đa số quần chúng nhân dân. Khi có kết luận thanh tra khẩn trương và kiên quyết tổ chức thực hiện, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Năm là, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cơ sở trong các khâu khi giải quyết tình hình để tránh tình trạng có lúc nôn nóng, có lúc lại chậm trễ, thiếu tập trung, kiên quyết trong xử lý để sự việc kéo dài.
Sáu là, song song với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp uỷ đảng cần lãnh đạo tranh thủ mọi điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp dần các điểm phức tạp không để lây lan sang các địa bàn khác.
Nguyễn Thị Hằng